Chính quyền cơ sở “loay hoay”
Tuyến đường vành đai 2 mới được xây dựng qua địa bàn phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) khi hoàn thành đã làm phát sinh 30 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Việc mở đường mới phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo không phải là vấn đề mới ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc này cứ lặp đi lặp lại kiểu như “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.
Ông Chử Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô cho biết: Trong số 30 trường hợp nêu trên, 27 trường hợp đã thực hiện hợp thửa hợp khối, còn 3 trường hợp chưa xử lý được. Những diện tích đất, nhà không đủ điều kiện xây dựng nhưng rất khó khăn trong quản lý vì diện tích đó vẫn là tài sản của người dân họ lại dựng công trình tạm tạo ra sự nhếch nhác cho tuyến đường đô thị.
Nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội |
Với những trường hợp không hợp thửa, hợp khối được, việc thu hồi đất, nhà siêu mỏng, siêu méo cần triển khai một dự án mới. Chi phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng lên gấp nhiều lần vì diện tích đất thu hồi được tính theo bảng giá đất mặt đường, không còn là trong ngõ nữa.
“Những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai một dự án mới lặp lại như khi triển khai làm đường; quy trình, trình tự cũng kéo dài” – ông Chử Mạnh Hùng nói.
Khác với phường Nghĩa Đô, tại phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), đường Trần Đại Nghĩa đã được hoàn thành từ lâu nhưng vẫn tồi tại 3 trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng khi làm tuyến đường này mà chưa giải quyết được.
Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) cho biết, các trường hợp này đang được giữ nguyên hiện trạng. Việc xử lý các trường hợp này thì UBND phường đang chờ chỉ đạo của quận. Các hộ dân có diện tích đất, nhà siêu mỏng cũng đã làm đơn lên UBND phường xin sửa chữa nhưng phường không thể chấp thuận, cũng chỉ vận động tuyên truyền người dân.
“Người dân khi bị thu hồi đất, nhà làm đường đã thiệt thòi chỉ còn một phần diện tích nhỏ, người dân dùng để kinh doanh và làm nơi ở. Dự án làm đường không thu hồi hết nhưng không cho cải tạo, sửa chữa thì người dân rất khó khăn” – ông Trần Tiến Dũng nói.
“Chạy theo” nhà siêu mỏng, siêu méo đến bao giờ?
Những tuyến đường mới mở như: Võ Chí Công, Đặng Tiến Đông, Hào Nam, Kim Liên – Xã Đàn, Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Trường Chinh… là nơi phát sinh nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo nhất. Số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2014-2016 có tổng số còn 56 trường hợp nhà, đất siêu mỏng do làm các tuyến đường. Năm 2017, khi thi công tuyến vành đai 3 ở đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội tiếp tục phát sinh 8 trường hợp mới. Sở Xây dựng đang phối hợp với các địa phương lên phương án giải quyết các trường hợp này.
Bên cạnh các trường hợp siêu mỏng, siêu méo mới phát sinh, theo Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2017 còn 132 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo cũ tồn tại. Đây là những trường hợp được hình thành trước ngày 15/3/2005, tại các tuyến đường như: Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai… Chủ trương của thành phố Hà Nội với những trường hợp này cho tồn tại khi đảm bảo cảnh quan. Tuy nhiên, xác định thế nào là đảm bảo cảnh quan?
Theo GS Đặng Hùng Võ, việc tồn tại nhà “siêu mỏng, siêu méo” là bởi đang vận hành quy trình ngược. Thực hiện dự án làm đường mới xong, phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo rồi đi giải quyết mà không ngăn chặn từ khi bắt đầu xây dựng dự án làm đường. Khi còn chạy theo giải quyết từng trường hợp thì khó có thể nắm bắt chứ đừng nói tới kiểm soát chúng. Nhất là khi nhà “siêu mỏng” đã thành hình, người dân ổn định sinh sống.
“Gốc của vấn đề nằm ở quy hoạch đô thị, khi làm các dự án đường qua các khu dân cư đã ở ổn định cần được tính toán kỹ. Việc quy hoạch triển khai các dự án làm đường phải đồng thời quy hoạch hai bên tuyến đường, ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo không để phát sinh chứ không phải chạy theo xử lý” – GS Đặng Hùng Võ nói./.