Sai phép, chuyển đổi công năng sử dụng là những vi phạm phổ biến trong xây dựng ở Hà Nội. Vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực là bài học đắt giá trong công tác quản lý, giám sát xây dựng bởi khắc phục hậu quả của sai phép không chỉ tốn kém về thời gian, lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến môi trường…
9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội kiểm tra 1.400 công trình xây dựng, trong đó phát hiện 1.200 trường hợp vi phạm về sai phép, không phép, gây ảnh hưởng đến công trình bên cạnh.
Vi phạm vẫn còn nhiều
Sau 2 năm phát hiện và xử lý sai phạm công trình vượt tầng tại 8B Lê Trực thì đến nay các lực lượng tham gia thực hiện theo đúng quyết định cưỡng chế mới chỉ xử lý xong việc “cưa ngọn” giai đoạn 1 là cắt tầng 19. Công trình này vẫn đang “đắp chiếu” chờ xử lý tiếp theo.
Theo thông tin chúng tôi nhận được thì hiện Hà Nội đang chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình tiếp tục xử lý giai đoạn 2 của công trình sai phạm. Sở Xây dựng đang làm việc với công ty tư vấn của trường Đại học Xây dựng để đưa ra phương án tiếp tục thực hiện xử lý giai đoạn 2 theo đúng chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Cắt ngọn là giải pháp xử lý đối với các công trình vượt tầng mà Hà Nội thực hiện trong nhiều năm qua như: công trình sai phép tại số 221, 223 Bạch Mai; số 99 Trích Sài… Đấy là những công trình bị phát hiện sai phạm, còn nhiều công trình nhỏ không bị phát hiện thì vẫn ngang nhiên mọc lên. Điều đặc biệt là nhiều công trình phát hiện vi phạm lại không phải cơ quan chức năng mà do người dân phản ánh.
Công trình 8B Lê Trực mới cắt ngọn xong giai đoạn 1.
Điển hình là công trình chung cư Cảnh sát 113 (CS 113), phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Bà Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Ban quản trị chung cư cho biết: “Chủ đầu tư đã tự ý cơi nới cải tạo bố trí trái phép 3 hộ sinh sống ở tầng tum của tòa nhà. Đồng thời xây dựng trái phép nhà điều hành của Ban quản lý dự án chiếm dụng vào phần diện tích đất sân vườn, giao thông, cảnh quan của tòa nhà…”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Đội phó Đội Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy thì khi nhận được đơn phản ánh của người dân, đoàn kiểm tra của Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra hiện trạng, phát hiện có người sinh sống trong 3 tum của tòa nhà. Trong đó có 1 tum tăng chiều cao trục 1-3, a-c thêm 1m so với hồ sơ được duyệt.
“Việc xây dựng sai chiều cao không thay đổi công năng, kiến trúc của diện tích sàn. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới cung cấp một phần hồ sơ nên phải chờ khi có đủ hồ sơ thì cơ quan chức năng sẽ có căn cứ xử lý. Việc này đội đã báo cáo UBND quận, Sở Xây dựng để xử lý tồn tại mà cư dân đang kiến nghị” – ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn thì việc chủ đầu tư xây nhà điều hành (nhà 3 tầng) vào diện tích phục vụ cho hạ tầng kỹ thuật là đúng như người dân phản ánh. Theo giải thích của chủ đầu tư thì đây là nhà tạm để phục vụ dự án. Hiện nhà điều hành này để cho Ban quản trị chung cư sử dụng. Đoàn kiểm tra lập biên bản và yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ.
Qua trao đổi với phóng viên, phía chủ đầu tư cho biết, UBND quận Cầu Giấy chưa có phương án xử lý có cho tồn tại nhà điều hành hay không. Nếu không cho tồn tại thì chủ đầu tư muốn tặng ngôi nhà này cho một đồng chí thương binh nặng hoặc người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, theo Thanh tra xây dựng quận Cầu Giấy thì chưa có quy định nào về việc cho tặng nhà điều hành này. Trước những khiếu nại và thắc mắc của người dân, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy cho biết, quận đã chỉ đạo các đơn vị và các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại, nếu vấn đề nào vượt thẩm quyền xử lý sẽ báo cáo Sở Xây dựng.
Nâng cao chế tài xử lý
Xây dựng sai phép, không phép, gây ảnh hưởng đến công trình bên cạnh là những vi phạm thường thấy trong trật tự xây dựng hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề xử lý các công trình này thường kéo dài do chế tài chưa đủ sức răn đe.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh thanh tra xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) thì trong 9 tháng đầu năm 2017, Hà Nội không có nhiều công trình xây dựng vi phạm lớn. Lực lượng Thanh tra xây dựng đã kiểm tra 1.400 công trình thì có 1.200 trường hợp vi phạm, trong đó công trình sai phép là 290, còn lại là các vi phạm như xây dựng không phép, xây dựng gây ảnh hưởng đến công trình bên cạnh, xây dựng trên đất nông nghiệp… Trong 290 công trình xây dựng sai phép chủ yếu là sai công năng sử dụng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng chiều cao tầng…
Theo ông Hùng thì sau công trình vượt tầng 8B Lê Trực, các đội Thanh tra xây dựng đã thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra địa bàn nên đã kịp thời phát hiện vi phạm, thiết lập hồ sơ để chính quyền địa phương xử lý. Do vậy, trong 9 tháng đầu năm Hà Nội không có công trình nào xây vượt tầng phải cắt ngọn.
Là đơn vị được thành phố Hà Nội giao “cắt ngọn” nhiều công trình vượt tầng, theo ông Đàm Văn Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phương Bắc thì việc cắt ngọn công trình vi phạm chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Bởi trên thực tế, cắt ngọn công trình này thì công trình sai phép khác vẫn mọc lên. Do vậy, cơ quan chức năng cần xây dựng quy định mới, đưa ra chế tài xử phạt đủ nặng, đủ sức răn đe hơn là việc cắt ngọn và chế tài xử phạt như hiện nay.
Trước khi có quy định mới, tất cả các phần sai phép của các công trình sai phép, chủ đầu tư phải nộp cho ngân sách nhà nước theo giá bất động sản trên thị trường hoặc đơn giá nhà nước những mét vuông sai phạm. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ thu được số tiền rất lớn, thay cho việc cắt ngọn rất lãng phí tài sản xã hội, ô nhiễm môi trường.