Thời gian qua, tình trạng xuống cấp nhanh chóng tại nhiều tòa nhà chung cư tái định cư tại Hà Nội khiến hàng nghìn người dân thấp thỏm, bất an. Cứ nói đến nhà tái định cư là nhiều người lắc đầu ngán ngẩm, bởi người dân đã bị rơi vào cảnh “đem con, bỏ chợ” với hàng loạt chung cư tái định cư xuống cấp không được tu sửa, hay nếu có tu sửa thì cũng qua loa cho xong.
Sau hơn 10 năm xây dựng, chung cư tái định cư tại Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) không có người ở.
Trước tình trạng nhà xây dựng xong hơn 10 năm nhưng người dân không nhận nhà. Mới đây Cty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) vừa đề xuất phá bỏ 3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng với 150 căn hộ thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) sau 10 năm không có người ở.
Được biết, việc xây dựng 3 tòa nhà này với mục đích tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Tuy hoàn thiện hơn 10 năm nay, 3 tòa nhà 6 tầng, với 150 căn hộ này vẫn bị bỏ hoang.
Còn dự án mở rộng tuyến đường kết nối khu đô thị Sài Đồng ra bên ngoài vẫn “đắp chiếu”. Hiện cả ba tòa nhà đã xuống cấp, xung quanh cây, cỏ dại mọc um tùm, rác thải chồng chất. Các phần tường, móng đã hoen ố, xập xệ, nứt nẻ. Các cánh cửa ra vào tòa nhà vẫn trong tình trạng khóa chặt, tầng một của tòa nhà cũng ngổn ngang đồ đạc.
Tại khu vực vườn hoa của khu nhà, hiện đang được người dân sinh sống gần đó tận dụng làm nơi trồng rau. Tại tòa nhà có ký hiệu No4C hiện đang được cho Cty chuyên sản xuất cửa nhựa thuê làm nhà xưởng và giải quyết chỗ ăn ngủ của công nhân tại tầng 2 của tòa nhà.
Nhiều hạng mục tại khu chung cư xuống cấp.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Ngọc Đạm – Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trước đề xuất của Cty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội, thành phố đã giao cho Sở Xây dựng và một số đơn vị khác xem xét. Thành ủy Hà Nội cũng đã yêu cầu Chủ đầu tư lập hai phương án, trong đó có cải tạo, sửa chữa khu nhà để làm nhà ở xã hội hoặc là phá bỏ hoàn toàn để xây dựng quỹ nhà mới.
Cũng theo ông Đạm cho biết, trong cuộc họp mới đây, liên ngành thành phố cũng đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tình hình giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 100 hộ dân khi làm tuyến đường nối khu đô thị Sài Đồng ra bên ngoài. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư làm việc với các đơn vị tư vấn nghiên cứu lập hồ sơ theo hai phương án mà Thành ủy yêu cầu. Sau khi có hai phương án đó, liên ngành sẽ tiếp tục xem xét.
Được biết, lý do 3 tòa nhà 6 tầng với hơn 150 căn hộ bị bỏ hoang hơn 10 năm là các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường không đồng ý tái định cư bằng nhà, mà họ đòi tái định cư bằng đất.
Ngoài ra, Chủ đầu tư mong muốn phá bỏ tòa nhà để xây dựng chung cư thương mại cao tầng là vì không có thang máy, nên không phù hợp với điều kiện hiện nay. Việc này được thực hiện theo chủ trương của thành phố đặt hàng nhà thương mại để tái định cư các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Tiếc đất bỏ không, người dân đã “tận dụng” vườn hoa làm nơi trồng rau.
Không riêng gì 3 tòa nhà tái định cư cao 6 tầng tại Khu đô thị mới Sài Đồng – quận Long Biên, mà hiện nay tại “vị trí vàng” của quận Hai Bà Trưng, 155 căn hộ thuộc khối nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu cũng đang bị “bỏ hoang” hơn chục năm.
Được biết, Chủ đầu tư xây dựng khối nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu là Cty CP Tu Tạo và phát triển nhà, do chưa đảm bảo về mặt pháp lý, dự án đã phải dừng xây dựng khoảng 10 năm nay, khối nhà này do đó cũng chưa được đưa vào sử dụng.
Thông tin từ phía Đội Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng thì dự án nêu trên hiện vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên không đủ điều kiện đưa vào sử dụng. Trước đó Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, dự án nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu được xây trên 20 tầng nên buộc phải có nghiệm thu công trình thì mới được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện Cục chưa nhận được bất cứ công văn nào từ phía ban quản lý dự án này.
Trước đó, khu tái định cư Đồng Tàu nằm trên địa bàn phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) được thiết kế gồm 10 tòa nhà và được đưa vào sử dụng từ năm 2006 phục vụ di dân dự án mở rộng nút giao thông Ngã Tư Sở, cải tạo ven sông Tô Lịch. Tuy nhiên sau khi hoàn thành thì dân “không chịu” về ở, sau nhiều năm thì khu tái định cư này cũng lấp được kha khá căn hộ có người ở, thế nhưng chỉ sau vài năm sử dụng, khu nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Rõ ràng chủ trương của thành phố Hà Nội là đời sống người dân sau khi tái định cư tại nơi ở mới phải cao hơn hoặc bằng nơi ở cũ vẫn chưa “đi vào cuộc sống” bởi trước hàng loạt những bất cập của nhà tái định cư đang khiến người dân “quay lưng” với loại nhà này.
Có lẽ Hà Nội cần nhìn nhận và họp bàn nghiêm túc về việc không nên tiếp tục xây dựng loại nhà tái định cư, cần có chính sách phù hợp để cho người dân tự tìm mua nhà phù hợp với yêu cầu của chính họ.