Khu A trong công trường khai quật khu vực xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới có chiều dài theo hướng Bắc – Nam 140,14m, chiều rộng theo hướng Đông Tây 37,85m, gồm các hố được ký hiệu từ A1 đến A22.
Đây là khu vực có nhiều phế tích kiến trúc tiêu biểu đáng cho chúng ta lưu ý.
Giai đoạn đầu, tại các hố A1, A1MR, A2, A2MR, A3, A4, A9, A10, A11, A12, A13 trong các lớp đất ở độ sâu trung bình trên dưới – 1,50m so với “cốt” cao độ của mặt bậc thềm đá Đoan Môn, (được lấy làm “cốt” chuẩn 0.00 cho cả khu vực khai quật) xuất lộ những ô sỏi trộn lẫn đất sét. Sỏi ở đây khá thống nhất về kích thước, chỉ khoảng bằng hoặc to hơn đầu ngón chân cái, chứng tỏ đã được chọn lọc. Hiện vật thu được trong các lớp đất này được xác định có niên đại thời Lý. Các ô sỏi này thường có hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 1,30m và ăn sâu xuống các lớp dưới, dày trên dưới 1,00m. Điều này chứng tỏ đây là các hố đào có chủ đích để đầm – nhồi sỏi cuộn với đất sét. Đáy của các hố sỏi này nằm trong lớp đất chứa các hiện vật được xác định có niên đại Đinh – Tiền Lê.
Các ô sỏi nói trên xuất hiện trong các hố từ A1 đến A18. Tổng cộng có tất cả 40 ô sỏi, xếp thành 04 hàng dọc (hai hàng phía đông có 10 ô trong một hàng, hai hàng phía tây mỗi hàng chỉ có 09 ô). Chúng tôi cho rằng đây chính lá các hố sỏi gia cố dưới các chân tảng đá kê dưới chân các cột. Nói chính xác, theo ngôn ngữ kiến trúc – xây dựng, đó là các móng trụ. Kết quả đo đạc đã giúp khẳng định đây là phế tích của một kiến trúc có bộ khung chịu lực bằng gỗ có 04 hàng chân cột. Khoảng cách giữa các cột Quân với các cột Cái là khoảng 3,00m. Khoảng cách giữa các cột Cái là khoảng 6,00m. Từ Bắc xuống Nam đã xác định được 10 vì, nghĩa là ít nhất kiến trúc này có 09 gian. (Chúng tôi chưa thể khẳng định về số gian bởi dấu vết của kiến trúc này còn phát triển kéo dài về phía Bắc, ngoài khu vực khai quật).
Bước gian (khoảng cách giữa hai vì) của kiến trúc này rất lớn, khoảng 5,80m – 6,00m. Trên thực tế, bước gian của các di tích kiến trúc bằng gỗ cổ truyền hiện còn đứng vững trên mặt đất thường nhỏ hơn. Tuy nhiên, theo PGS. Trần Lâm Biền hai di tích chùa Thầy (Hà Tây) và đền Lê (Thanh Hoá) cũng có bước gian 6,00m.
Chưa lý giải được nguyên nhân của sự chênh lệch về số lượng các móng trụ của các hàng móng trụ phía Tây nhưng theo chúng tôi ở đây chắc chắn đã có 04 móng trụ sỏi gia cố cho 01 chân tảng cột Cái và 03 chân tảng cột Quân. Khoảng cách giữa hai hàng móng trụ sỏi cuối cùng chỉ là 4,1m chứng tỏ đây chính là không gian của chái phía Nam.
Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía Đông khoảng 4,5m và chạy dài suốt chiều rộng của “toà nhà nhiều gian” nói trên còn thấy xuất lộ một cống thoát nước được xây-xếp bằng gạch (hoàn toàn không thấy dấu vết của chất kết dính dạng vôi vữa), lòng cống rộng 0,17m – sâu 0,20m. Ngoài lớp gạch đặt nằm làm đáy, hai bên thành của rãnh thoát nước này được xếp nghiêng hai lớp gạch. Kích thước trung bình của gạch ở đây là 0,36m x 0,20m x 0,05m). Về phía Đông, sát cạnh cống thoát nước này là một thềm gạch rộng 0,76m chạy dọc suốt chiều dài đường cống. Gạch lát thềm là gạch vuông 0,38m x 0,38m x 0,07m. Có chỗ còn lát lẫn cả gạch in hoa.
Cách tim của các móng trụ gia cố chân tảng cột Quân phía tây khoảng 2,5m cũng xuất lộ một cống thoát nước khác. Dấu vết của cống phía tây bị đứt quãng ở góc Tây Nam “toà nhà nhiều gian”, khu vực bị mất 04 móng trụ gia cố chân tảng. Gạch xây-xếp cống thoát nước này là loại chuyên dụng, được sản xuất chỉ để dùng làm cống-rãnh. Các viên dùng lát đáy có mặt cắt hình thang cân (cạnh ngắn 0,16m – cạnh dài 0,22m – dầy 0,08). Những viên dựng hai bên thành có hình bình hành (cạnh ngắn 0,07m, cạnh dài 2,44m). Với hình dáng đặc biệt như vậy nên chỉ cần đào rãnh, đặt các viên gạch chuyên dụng này xuống là thành cống (đáy rộng 0,22m – miệng rộng 0,32m – sâu 0,30m).
Cách tim của các hố sỏi gia cố chân tảng cột Quân phía nam khoảng 4,5m lại cũng xuất lộ một đoạn cống xây xếp bằng gạch chuyên dụng tương tự. Các đoạn cống xây xếp bằng gạch chuyên dụng phía tây và phía nam “toà nhà nhiều gian” nếu còn nguyên vẹn sẽ “bắt” vuông góc chái Tây Nam.
Theo chúng tôi, các đường cống này chính là các rãnh thoát nước mưa của “toà nhà nhiều gian”. Các cống này đều không có nắp để có thể hứng nước mưa rơi thẳng xuống từ hàng ngói lợp cuối cùng của mái (dân gian thường gọi là giọt gianh). Nghĩa là các rãnh thoát nước mưa này chính là giới hạn của mặt bằng mái. Nói cách khác, số đo giữa các rãnh thoát nước này cho biết về chiều rộng và chiều dài của công trình kiến trúc. Khoảng cách từ tim rãnh thoát nước phía Tây đến tim rãnh thoát nước phía Đông là 17,65m. Đó chính là kích thước chiều rộng của “toà nhà nhiều gian” này. Chiều dài của kiến trúc này hiện chưa khẳng định được. Nhưng nếu giả định “toà nhà nhiều gian” có 09 gian thì kích thước này sẽ là khoảng 67m.
Theo số đo, phế tích này cho thấy một công trình kiến trúc to lớn theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên chưa thể xác định công năng của kiến trúc này. Chỉ biết rằng “toà nhà nhiều gian” này chạy dài theo trục Bắc – Nam, mở cửa ra cả hai hướng Đông và Tây.