Nghịch lý nhà tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội

Những ngày này dư luận không khỏi ‘chấn động’ trước đề xuất phá bỏ 3 tòa nhà tái định cư (TĐC) thuộc khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên) của Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3). Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ chưa phải là trường hợp duy nhất liên quan đến quỹ nhà tái định cư bị hoang hóa do người dân không đến ở.

3 tòa nhà với 150 căn hộ nhà tái định cư ở Sài Đồng (Long Biên) đang được chủ đầu tư đề xuất phá dỡ.

Hàng nghìn căn hộ tái định cư nằm “đắp chiếu”

Ba tòa nhà được xây dựng ở khu đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) với quy mô 150 căn hộ nhằm mục đích làm nhà tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng phục vụ mở rộng tuyến phố Sài Đồng. Dự án do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3) làm chủ đầu tư, đã hoàn thành từ năm 2006 nhưng bị người dân phản đối, không nhận nhà nên bỏ không từ đó đến nay. Sau hơn 10 năm bỏ không, mới đây chủ đầu tư đã đề nghị thành phố cho phá bỏ 3 tòa nhà để xây nhà ở thương mại phục vụ tái định cư, đáp ứng nhu cầu người dân.

Không chỉ riêng dự án của HANCO3, ngay phố Tạ Quang Bửu sầm uất nằm giữa trung tâm thủ đô, một khối chung cư 20 tầng được xây dựng khang trang nhưng cũng không bóng người đến ở. Đây là dự án tái định cư với gần 150 căn hộ do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư.

Tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố giao lưu được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn thưa thớt người ở. Khoảng 50% số căn hộ trong tình trạng cửa đóng then cài hoặc niêm phong. Có những tầng không một bóng người, nhiều tầng chỉ có 1, 2 căn hộ được sử dụng. Người dân ở đây cho biết, do chất lượng xây dựng chung cư quá kém, tình trạng thấm dột, thang máy hay hỏng… khiến nhiều người không muốn về ở. Hay khu chung cư tái định cư Hoàng Cầu với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 về cơ bản đã hoàn thiện nhưng mỗi tòa chỉ có vài hộ về ở.

Hiện, Hà Nội đang trong quá trình tái thiết đô thị mạnh mẽ. Trong giai đoạn tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành GPMB khoảng 2.700 dự án với diện tích thu hồi đất gần 6.000ha, liên quan tới trên 80.000 hộ dân, trong đó cần bố trí tái định cư cho hơn 19.000 hộ. Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mỗi năm Hà Nội đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà tái định cư. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại Hà Nội còn khoảng hơn 1.000 căn hộ tái định cư đã xây xong nhưng người dân không đến nhận nhà. Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện, như dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng), đường sắt trên cao tuyến Nhổn – ga Hà Nội, một phần đường vành đai 3.

Theo giải trình của UBND thành phố Hà Nội, quy định tại Nghị định 197/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ, trước khi tiến hành GPMB, phải công bố công khai quỹ nhà TĐC và giá bán nhà TĐC cho các hộ dân. Do vậy, với các dự án lớn, việc chuẩn bị đủ quỹ nhà TĐC để công bố công khai trước khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là một khó khăn lớn đối với Hà Nội. Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện GPMB của một số dự án trọng điểm còn chậm so với kế hoạch nên rất nhiều căn hộ TĐC đã giới thiệu cho các chủ đầu tư nhưng không được đưa vào khai thác sử dụng.

Nghịch lý nhà tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội - Ảnh 2

Tình trạng hoang hóa, xuống cấp của nhà tái định sau 10 năm không có người đến ở.

Xóa “bầu sữa” ngân sách đối với việc xây nhà tái định cư

TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng cho rằng, có nghịch lý trên là do chủ trương chưa gắn liền với thực tế. Trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng thành phố, chính sách tái định cư là rất cần thiết, tuy nhiên, nhà tái định cư lại chưa phù hợp, chưa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường.

“Hiện nay, nhà tái định cư vẫn đang được quan niệm như một sản phẩm đầu tư của nhà nước, đầu tư bằng tiền ngân sách. Mà tất cả những gì được đầu tư bằng tiền của ngân sách thì có nhiều người hăng hái, nhiều người thích làm cho bằng được. Vì vậy, mới có chuyện nhiều dự án tái định cư được vẽ ra theo trí tưởng tượng của các cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý…chứ không phải xây dựng dựa trên nhu cầu thực sự của người dân” – TS Phạm Sỹ Liêm nói.

Theo TS Liêm, quy hoạch khu tái định cư phải thiết kế khu nhà ở đa chức năng, bao gồm từ chức năng sống, dịch vụ cho tới giải quyết công ăn việc làm… Tuy nhiên, hiện nay, những khu đất vàng hầu hết đều bị quy hoạch, phát triển nhà cao tầng, còn người dân bị quy hoạch tới một khu vực cách nơi sinh sống tới cả mấy chục cây số. Cuộc sống của người dân đã rất khó khăn mà hàng ngày lại mất thời gian đi lại, xăng xe, khói bụi… rất nhiều thứ khiến người dân chán nản, không muốn nhận nhà.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cần thực hiện theo Luật Nhà ở, dần dần tiến tới thị trường hóa lĩnh vực tái định cư, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân. “Hiện nay vẫn cứ “hàng đổi hàng” nghĩa là thu nhà và trả lại căn nhà khác nhưng thậm chí chất lượng kém hơn, không có trường học, không có chợ búa, không có đường vào… thế thì không ai có thể ở được. Đây là hạn chế ở chính sách đền bù giải phóng mặt bằng hiện nay”, ông Hà nói.

Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, khi dự án được xây dựng với mục đích nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải chú trọng đến chất lượng công trình, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng đảm bảo hơn, đồng thời chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, giữ gìn tòa nhà của mình. “Trước đây, nhà TĐC làm từ ngân sách nhà nước, đơn vị thi công xong bàn giao nhà cho ban quản lý. Sau đó, Ban quản lý giao lại cho Cty Quản lý nhà Hà Nội. Giữa các đơn vị không thống nhất, khiến nhiều khu TĐC rơi vào cảnh “đem con bỏ chợ”. Nay TĐC được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa, UBND TP mua lại giá rẻ nên chủ đầu tư cũng không thể làm với chất lượng tốt nhất”, vị này nói.