Xây nhà tái định cư là một chính sách rất đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người dân. Thực hiện chủ trương này, tại các tỉnh, thành trong cả nước đã có nhiều tòa nhà với hàng chục ngàn căn hộ được xây dựng cho mục đích tái định cư. Tuy nhiên, trong số đó có rất nhiều căn hộ bị bỏ không, thậm chí nhiều tòa nhà chưa được sử dụng bị bỏ không hàng chục năm và đang xuống cấp, thậm chí đang được đề nghị phá bỏ như Khu nhà tái định cư ở Sài Đồng – Hà Nội.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội thì, đây là dự án nhà tái định cư được triển khai từ năm 2001 – 2006 do Handico3 làm chủ đầu tư dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng. Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay và dự án mở rộng đường phố Sài Đồng cũng “dậm chân tại chỗ”.
Một dự án tái định cư khác tại số 4A phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) cũng đã nhiều năm đắp chiếu, mặc dù nay đã đưa vào khởi động lại nhưng cũng đang có nguy cơ không ai đến ở.
Giải thích nguyên nhân tại sao các khu Chung cư tái định cư lại không thu hút được sự quan tâm của người dân, TS Phạm Sỹ Liêm – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, có nghịch lý trên là do chủ trương chưa gắn liền với thực tế, như chất lượng xây dựng thấp, các dịch vụ: Giao thông, điện, nước, cơ sở giáo dục… chưa đồng bộ. Ngoài ra còn có những lý do khác như vướng về thủ tục pháp lý, tiêu chuẩn được giao nhà… Đặc biệt là các khu nhà tái định cư hiện nay mới chủ yếu giải quyết được nhu cầu ăn ơ, chứ chưa gắn với sinh kế của các hộ dân tái định cư.
“Trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng thành phố, chính sách tái định cư là rất cần thiết, tuy nhiên, nhà tái định cư lại chưa phù hợp, chưa tuân theo những quy luật của cơ chế thị trường. Một lý do nữa cũng là nguyên nhân chính khiến người dân “chối bỏ” nhà tái định cư, đó là việc xây dựng tách rời nhà ở với nơi kiếm sống của người dân. Đó là sai lầm, dẫn đến việc thất thoát tiền của và gây lãng phí rất lớn” – ông Phạm Sỹ Liêm phân tích.
Rõ ràng ở đây đang có sự lệch pha, chưa có tiếng nói chung giữa nhà đầu tư dự án xây dựng khu tái định cư với người sử dụng. Các nhà quy hoạch, các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc hoàn thành công trình và giao nhà, chứ chưa thực sự chú ý đến nhu cầu, đòi hỏi chính đáng của các hộ dân sẽ về đó sinh sống. Đấy là chưa kể vẫn còn những rào cản về chính sách khiến không ít hộ dân có nhu cầu nhưng không thể tiếp cận được những căn hộ loại này.
Nói về tình trạng này, Sở Xây dựng TP Hà Nội nêu quan điểm cho rằng, tính trạng trên xảy ra có cả trách nhiệm của chủ đầu tư và của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, đây là dự án có vốn của doanh nghiệp nên trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư trong triển khai dự án và phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng.
Được biết, Sở Xây dựng đã giới thiệu người dân một số dự án GPMB vào nhưng người dân vẫn từ chối không nhận quỹ nhà này. Nguyên nhân do đến nay những căn hộ này đã không phù hợp về thiết kế, hạ tầng, chất lượng xây dựng.
Xem ra, quả bóng trách nhiệm dường như lại bị đá qua đá lại, không đến được đúng chân người trong cuộc. Cần lưu ý rằng, đây không phải là một trường hợp cá biệt của sự lãng phí trong đầu tư xây dựng. Và cũng không phải là trường hợp duy nhất ở ngay giữa thủ đô. Nhiều dự án tái định cư cũng đang lâm cảnh “cô quạnh” không khác gì dự án của Handico3.
Đơn cử như khu tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa) với 4 tòa nhà cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên số người dân về ở lại chỉ lác đác, đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay còn tới gần 1000 căn hộ tái định cư đã xây xong từ lâu nhưng chưa bàn giao được cho người dân. Nguyên nhân do nhiều dự án giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, khiếu kiện như dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng), đường sắt trên cao tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, một phần đường vành đai 3.
Xây nhà tái định cư nhưng nhiều năm không có người đến ở, xây nhà tái định cư rồi lên phương án đập bỏ là sự lãng phí quá lớn không thể nào chấp nhận được. Để giải quyết tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng trước hết cần phải làm tốt công tác quy hoạch, nghĩa là làm sao cùng với việc tái định cư người dân cũng có việc làm để sinh sống. Cùng với đó là việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tránh tình trạng nhà xuống cấp quá nhanh hoặc thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như điện, nước, đường sá… có như vậy mới lấy được lòng tin của người dân đối với các căn hộ tái định cư.
Một số Dự án tái định cư “Xây xong rồi bỏ đó” tại Hà Nội
Tòa tái định cư gần 20 tầng, số 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) được hoàn thiện năm 2015, đến nay chưa có người ở. Đây là dự án TĐC với gần 154 căn hộ do Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư và có vị thế đẹp nhất nhì Hà Nội.
Dự án tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa) do UBND quận Đống Đa làm chủ đầu tư với 4 tòa CT2A, CT2B, CT2C và CT3 màu trắng đã cơ bản hoàn thiện, nhưng số người về ở khá khiêm tốn.
Toàn bộ 3 khối nhà CT1 A, B, C của Khu tái định cư Thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn thưa thớt người ở.
Video: Trường mầm non Xuân Phương đổ sập trong đêm khi đang xây dựng
Liên quan tới thực trạng các khu tái định cư vắng người ở, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) phân tích, theo quy định của pháp luật là phải có nhà cho người dân rồi mới có thể di chuyển người dân để giải phóng mặt bằng. Như vậy, nếu làm trước được các khu nhà ở cho người dân là tốt.
Tuy nhiên, lý do khiến nhà tái định cư bỏ trống là không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của những người giải phóng mặt bằng. Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng lại bố trí tái định cư tận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng đưa người dân tái định cư sang Gia Lâm… đi vài chục cây số mới tới nơi thì không phù hợp, nên người dân không nhận tái định cư hoặc có nhận thì cũng không ở.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho rằng cần thực hiện theo Luật Nhà ở, dần dần tiến tới thị trường hóa lĩnh vực tái định cư, đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà phù hợp với điều kiện của người dân.