Nhà tái định cư bỏ hoang: Đếm dự án, lãi trăm tỷ

Cần phải chấm dứt ngay cơ chế tái định cư vì những nguy cơ lãng phí và trục lợi…

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Đực Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng VN về đề nghị của Hà Nội xin được thực hiện cơ chế đặt hàng nhà thương mại để làm quỹ tái định cư. Theo đề xuất này, dự kiến từ nay đến năm 2020 Hà Nội sẽ đặt hàng 22.300 căn hộ.

Cận cảnh tòa nhà tái định cư bỏ hoang tại Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội

Xóa bỏ cơ chế tái định cư theo bao kiểu bao cấp

Đề xuất trên được xem là bất cập lớn, khi trước đó báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, mỗi năm Hà Nội đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng nhà tái định cư nhưng hiện đang có tới hơn 1.000 căn hộ vẫn bị bỏ hoang do dân không muốn nhận.

Ông Nguyễn Văn Đực nói thẳng, hiện tượng trên là kết quả của một chủ trương phi thực tế.

Ông nêu dẫn chứng từ hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác để khẳng định, cơ chế tái định cư đã thất bại.

Sự thất bại đó là do thực hiện mà không có nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, thực hiện một cách đại trà, máy móc, rập khuôn dựa trên những quan điểm, luật lệ và trí tưởng tượng phi thực tế.

Điều đáng nói, theo ông, sau hàng loạt những thất bại đó nhưng tới nay vẫn chưa thấy có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm hay đưa ra được giải pháp nhằm khắc phục, sửa chữa những thất bại đó.

Ngược lại, vẫn có những đề xuất tương tự tiếp tục muốn lấy hàng nghìn tỉ từ ngân sách để xây những ngôi nhà mà không ai muốn đến ở. Tại sao lại có điều nghịch dị như vậy?

Trả lời cho câu hỏi trên, ông Đực phân tích: “Tôi đã từng nói, với bất kỳ chủ trương xây dựng dự án BĐS nào, kể cả dự án tái định cư luôn có những kẽ hở, tạo cơ hội cho lợi ích nhóm liên kết, trục lợi. Chỉ cần doanh nghiệp có được dự án là có tiền.

Họ kiếm tiền một cách dễ dàng, từ việc liên kết, bắt tay đẩy suất đầu tư lên cao để trục lợi. Ví dụ, suất đầu tư chung cư 20 tầng theo giá thị trường chỉ có 6 triệu/m2, nhưng khi họ thực hiện nó đã bị đẩy lên hơn 10 triệu đồng/m2. Rồi mỗi tòa nhà lại được thiết kế xây dựng vài chục tầng, cứ như vậy là doanh nghiệp đã kiếm lợi không biết bao nhiêu rồi.

Theo dự tính của tôi, nếu Hà Nội bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng xây nhà tái định cư thì số tiền các doanh nghiệp có cơ hội kiếm lợi cũng chiếm 700-800 tỷ đồng . Tất nhiên, trong số đó cũng có phần của một bộ phận cán bộ, cơ quan quản lý đã tiếp tay, móc nối để lấy cho được dự án bất chấp người dân có nhu cầu hay không.

Việc này cũng giống như việc sản xuất giày thời bao cấp vậy. Trách nhiệm của nhà nước và doanh nghiệp là cứ việc sản xuất ra đôi giày, còn có bán được hay không thì đó là trách nhiệm của bách hóa tổng hợp”, vị chuyên gia nói rõ.

Từ nhận định trên, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho rằng, trước hết cần phải đánh giá lại toàn bộ từ chủ trương, chính sách cho tới việc thực hiện các dự án tái định cư nói trên.

Đầu tiên là xác định lại chủ trương xây dựng nhà tái định cư có cần thiết không? Nếu xây thì xây như thế nào và xây ở đâu?

“Một điều buộc phải ghi nhớ khi xây nhà tái định cư là phải gắn nhà tái định cư với cuộc sống, thu nhập cũng như công ăn việc làm của người dân.

Hiện nay đang có tình trạng, xây nhà tái định cư nhưng chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, như tiền đền bù quá thấp, trong khi giá trị ngôi nhà lại quá lớn. Hay, chuyển người dân qua nhà tái định cư nhưng lại không tạo ra công ăn việc làm, người dân không sinh sống được ở nơi ở mới. Rồi cả những chi phí phát sinh, chi phí đi lại… cũng là cả một vấn đề lớn.

Do đó, đã có nhiều người không muốn nhận nhà tái định cư hoặc phải bán lại nhà tái định cư để mua, thuê nhà ở nơi khác.

Cũng có những hộ gia đình nhận nhà tái định cư nhưng chỉ sau một thời gian lại phải bán nhà, chuyển tới nơi khác do không thể sinh sống được”, ông Đực thẳng thắn.

Đền bù theo giá thị trường

Trở lại đề xuất của Hà Nội, khi xin thực hiện cơ chế đặt hàng nhà thương mại để làm quỹ tái định cư. Ông Đực nhắc lại, cơ chế xây nhà tái định cư đã bị thất bại từ nhiều năm qua và bây giờ cũng vẫn chưa thể thay đổi được.

Vì vậy, đề xuất của Hà Nội là không khả thi và khó tránh khỏi những sai lầm cũ.

Do đó, thay vì thực hiện xây dựng những dự án nhà tái định cư thì nhà nước nên xóa bỏ cơ chế này mà thay vào đó là thực hiện tái định cư theo cơ chế thị trường.

Tức là, nhà nước phải đứng ra tổ chức các cuộc khảo sát, điều tra, nghiên cứu kinh tế tâm lý xã hội, dựa trên cơ sở đó sẽ thực hiện chủ trương tái định cư theo nhu cầu, mong muốn của người dân.

“Tôi vẫn cho rằng giải pháp tốt nhất là đền bù GPMB cho người dân theo đúng cơ chế thị trường, thậm chí có thể trả cao hơn 20-30%. Còn lựa chọn nhà nào, ở đâu là quyền quyết định của người dân, không nên áp đặt, buộc người dân phải ở nhà tái định cư.

Vì những lý do trên, tôi vẫn cho rằng cần phải chấm dứt ngay cơ chế tái định cư vì những nguy cơ lãng phí và trục lợi”, ông Đực nói.