Tình hình kinh tế sút giảm cùng thị trường bất động sản đóng băng đã khiến cho các nhà thầu xây dựng lao đao trong vòng hơn hai năm qua.
Anh Luận, chủ một công ty chuyên tư vấn – thiết kế – xây dựng ở quận 7, vẫn lái chiếc Mercedes C300 đi tìm đối tác, gặp bạn bè. Ít người biết công ty của anh chỉ còn… một nhân sự duy nhất là chính anh Luận, vừa là giám đốc vừa là nhân viên. Từ hai năm nay, anh đã phải giải tán văn phòng ở quận 3, trả lại mặt bằng do quá ít khách hàng. Danh nghĩa công ty vẫn còn nhưng không hoạt động. “Bạn bè, đối tác cũ gọi. Cái nào thấy đáng thì làm”, anh tâm sự về cách “sống qua ngày” hiện nay.
Theo số liệu của bộ Xây dựng trong năm 2012 có 17.000 doanh nghiệp xây dựng làm ăn thua lỗ và có 2.110 doanh nghiệp xây dựng giải thể trên cả nước. Tình hình xây dựng sa sút theo đà trượt dốc bắt đầu từ 2010 khi thị trường bất động sản chựng lại, kinh tế khó khăn người dân không đầu tư cho nhà cửa và bất động sản.
Riêng thị trường xây dựng dân dụng ở Tp.HCM, nhiều nhà thầu cho biết hoạt động của họ trượt dốc dài, năm sau kém hơn năm trước. Có nhà thầu cho biết năm 2011 sút giảm khoảng 20 – 30% so với năm 2010, năm 2012 khoảng 30 – 40% so với 2011, sáu tháng đầu năm 2013 tiếp tục sút giảm đến 40 – 50% so cùng kỳ 2012.
Nhiều nhà thầu cho biết, có việc làm cũng lo vì tình trạng khách hàng chậm trả nợ gia tăng. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Thanh Hảo |
Nuôi thợ cũng khó
Anh Bảo một thầu xây dựng trụ sở ở quận Bình Thạnh cho biết ở công ty của anh số lượng công trình năm 2012 giảm 30%. Trong sáu tháng đầu năm 2013 đã giảm tiếp khoảng 20%. “Chưa biết từ đây đến cuối năm tình hình sẽ ra sao”, anh Bảo nói. Công ty anh có bốn đội xây dựng, công trình ít nên chỉ duy trì các thợ chính, còn các thợ phụ chỉ tuyển khi có công trình. Các công trình ít nên có các khoảng trống giữa hai công trình, để duy trì thợ anh nhận các sửa chữa lặt vặt – việc mà trước đây anh ít khi nhận làm. Đầu năm 2013 anh nhận một vài công trình với giá hầu như không lời, với mục đích duy trì và có việc cho thợ làm. Công việc khan hiếm nên sự cạnh tranh cao, có các nhóm xây dựng nhận giá thấp, nên anh cũng phải hạ giá mặc dù không có lời. Khi nhận được hợp đồng những năm trước có thể mức lời là 15 – 20% năm nay nếu công trình nào được giá chỉ hy vọng mức lời là 10%.
Anh Hoàng, giám đốc công ty Bảo Lâm cho biết anh cùng với một người bạn chung nhau mở công ty xây dựng đã tám năm, công việc đến thời điểm 2010 vẫn tốt. Công ty anh nhận được nhiều căn biệt thự lớn mức lời ổn định, thậm chí còn có công trình ở Campuchia. Đến năm 2011, công ty bị giảm công trình khoảng 30% và đến 2012 giảm đến 70%. Do khách hàng của anh là các doanh nghiệp có cơ sở làm ăn lớn, khi kinh tế sút giảm chính họ cũng lao đao vì thiếu vốn, nên không thể đầu tư về nhà cửa. Anh mất đi lượng khách hàng chủ lực. Hiện nay bạn chung vốn của anh chán nản, nghỉ việc và chuyển qua lĩnh vực khác. Anh Hoàng cố cầm cự với kiểu làm “du kích”: không thuê văn phòng, nhân viên chỉ có một người làm tại nhà. Chính anh phải tự mình làm rất nhiều việc như giám sát, coi dự toán, tham gia vào chỉnh sửa thiết kế. Các công việc khác đều thuê người làm theo dạng gia công. Để tồn tại anh mở rộng sang làm nội thất. Anh Hoàng cho biết hiện nay nhân công xây dựng không được trả lương tháng, chỉ khi nào có công trình, mới quy tụ thợ lại. Thợ chính khi không có công trình cũng phải đi kiếm việc bên ngoài. Còn thợ phụ đa số là người ở ngoài quê, khi không có việc hầu hết họ về quê, khi có việc mới vào thành phố.
Nhà thiết kế bỏ công ty
Việc nợ lương, không tăng lương và không có chính sách khác dẫn đến tình trạng nhân viên chán nản và nghỉ việc diễn ra phổ biến trong ngành xây dựng, kiến trúc sư cũng chung số phận. Anh Khánh một kiến trúc sư đang làm tự do vì mới nghỉ việc ở một công ty nước ngoài cho biết: “Hiện nay tình trạng nợ lương ở các công ty thiết kế và xây dựng là… bình thường. Vì chính các công ty đó cũng khó khăn, không có việc làm do công trình và dự án đình trệ, trong khi họ cũng bị khách hàng nợ”.
Các công ty về xây dựng và thiết kế kiến trúc trong năm 2012 đã phải giảm bớt nhân viên, thu bớt mặt bằng vì thu không đủ bù chi và có nhiều công ty phải đóng cửa. Anh Tuấn, giám đốc công ty xây dựng ở quận Tân Bình cho biết công ty anh từng ăn nên làm ra, có năm anh nhận được 25 công trình. Tuy nhiên trong vài năm gần đây số lượng hợp đồng giảm sút nhanh, anh đã phải trả văn phòng mặt tiền, thuê mặt bằng chung với bạn trong hẻm nhưng vẫn không đủ chi phí. Một số khách hàng còn nợ tiền đòi không được, cuối 2012 anh quyết định đóng cửa công ty và chuyển sang làm việc khác.
Anh Hùng một kiến trúc sư làm giám đốc công ty thiết kế và xây dựng ở quận 10 cho biết, hiện nay tình hình công ty anh rất khó khăn tuy đã giảm bớt nhân viên, văn phòng chỉ gói gọn trong một căn phòng. Từ đầu năm đến giờ anh gặp và làm việc với ba khách hàng nhưng sau khi thiết kế sơ phác, khách hàng đều cầm bản sơ phác ra đi không quay lại. Có khách hàng dùng bản sơ phác lấy ý tưởng của anh cho nhà thầu xây dựng luôn và không thuê anh làm tiếp. Trước tình hình đó, anh cho biết sẽ cố cầm cự hết năm nay, nếu không đỡ hơn anh sẽ phải đóng cửa và xin làm nhân viên cho các công ty kiến trúc khác.
Anh Dũng giám đốc công ty thiết kế và xây dựng ở quận 7 vẫn nhận được hợp đồng thiết kế và xây dựng đều đều. Tuy nhiên, từ cuối năm 2012 anh cũng phải chạy ngược chạy xuôi vay nợ trả cho nhà thầu và nhân viên do khách hàng nợ lâu khó đòi. Đến thời điểm này anh vẫn tiếp tục vừa làm, vừa đi đòi nợ và anh cũng là con nợ phải lo trả nợ.