Diện tích nhỏ nhất Việt Nam nhưng tỉnh Bắc Ninh là địa phương có nhiều dự án BT bậc nhất cả nước. (Ảnh: Internet)
Bắc Ninh: Một ngày ký 3 Quyết định phê duyệt 3 dự án BT |
Theo Nghị quyết số 89/NQ-HĐND về việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) trên địa bàn tỉnh của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII, kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh này đã quyết nghị phê duyệt danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, với tổng số 120 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 42.750 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất đối ứng dự kiến khoảng 2.599 ha.
Nghị quyết được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII, kỳ họp thứ Sáu thông qua ngày 08/12/2017 và có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2020.
Nội dung Nghị quyết được ban hành xét trên Tờ trình số 393/TTr-UBND ngày 24/11/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế – ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
Nghị quyết này đã thay thế Nghị quyết số 30/NQ-HĐND18 ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn tỉnh.
Trong khi chỉ một năm trước, ngày 08/12/2016, tại kỳ họp thứ Ba, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh Khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-HĐND18, phê duyệt danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn tỉnh năm 2017 với tổng số “chỉ” 77 dự án, và tổng mức đầu tư khoảng 32.408,65 tỷ đồng, thanh toán bằng quỹ đất đối ứng với tổng diện tích đối ứng dự kiến khoảng 2.646,1 ha.
Có nghĩa, sau tròn 12 tháng, danh mục dự án BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã tăng thêm 43 dự án (từ 77 lên 120), với tổng mức đầu tư tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng (+32%).
Nhìn bề ngoài, tổng diện tích quỹ đất mà tỉnh dự kiến sẽ sử dụng để thanh toán cho các nhà đầu tư để “đổi hạ tầng”, dù có giảm nhẹ từ quy mô khoảng 2.646,1 ha (tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND18) về còn khoảng 2.599 ha (tại Nghị quyết số 89/NQ-HĐND).
Nhưng lưu ý rằng, danh mục dự án đầu tư theo hình thức BT đính kèm Nghị quyết số 89/NQ-HĐND còn có tới hơn 50 dự án chưa tính toán diện tích đất đối ứng dự kiến, và được ghi chú “chưa dự kiến diện tích đất đối ứng”/“chưa dự kiến TMĐT và diện tích đất đói ứng”/“chưa xác định được CQNN có thẩm quyền/“dự án chuyển đổi; chưa dự kiến diện tích đất đối ứng”…
Như vậy, sau khi xác định đầy đủ diện tích đất đối ứng cho hơn 50 dự án này, chắc chắn quy mô đất mà Bắc Ninh sẽ đem đi “đổi lấy hạ tầng” sẽ còn cao hơn rất nhiều con số dự kiến khoảng 2.599 ha nêu tại Nghị quyết số 89/NQ-HĐND.
BT nhà văn hóa thôn, trường mầm non xã, nghĩa trang nhân dân,…
Danh mục dự án đính kèm cho thấy mức độ đa dạng về hình thức, quy mô cũng như địa phương triển khai các công trình, dự án BT tại Bắc Ninh.
Cụ thể, cả 8/8 huyện, thị, thành phố của Bắc Ninh đều có các dự án BT: từ TP. Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Thuận Thành, huyện Tiên Du, huyện Quế Võ, huyện Gia Bình, huyện Lương Tài. Tập trung nhiều nhất ở các vùng đông dân, kinh tế phát triển như thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong.
Hình thức các dự án BT cũng rất phong phú. Không chỉ là các dự án giao thông huyết mạch, các công trình trọng điểm, Bắc Ninh còn rất tích cực khai thác mô hình BT trong các dự án nhỏ và có phần “bình dân” như: trụ sở làm việc xã, nhà văn hóa thôn/xã, đường liên thôn/xã, trường mầm non/trường tiểu học xã/phường, nghĩa trang nhân dân xã, đài tưởng niệm, công viên xã…
Trích Danh mục các dự án BT trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
|
Chẳng hạn như dự án ĐTXD trụ sở làm việc xã Văn Môn (tổng mức đầu tư dự kiến: 69,85 tỷ đồng); Dự án ĐTXD Trung tâm văn hóa, thể thao, trường tiểu học và các tuyến đường xã Văn Môn (585,12 tỷ đồng); Dự án ĐTXD công trình văn hóa, thể thao, nghĩa trang, đường giao thông các thôn xã Đông Tiến, huyện Yên Phong (100,71 tỷ đồng); Dự án trường mầm non Phong Khê (70 tỷ đồng); Dự án ĐTXD Đài tưởng niệm huyện Thuận Thành (54,91 tỷ đồng); Dự án Trường Tiểu học xã Nam Sơn (120 tỷ đồng); Dự án ĐTXD trường mầm non phường Tiền An (41 tỷ đồng); Dự án ĐTXD trung tâm xã Tam Đa (280 tỷ đồng); Dự án ĐTXD Hồ điều hòa thị trấn Phố Mới (500 tỷ đồng); Dự án ĐTXD nghĩa trang nhân dân thị trấn Lim, trung tâm văn hóa thể thao Lũng Giang, cải tạo nâng cấp trụ sở UBND thị trấn Lim (120 tỷ đồng); Dự án ĐTXD trường học và trường giao thông và nghĩa trang nhân dân xã Hoàn Sơn (350 tỷ đồng); Dự án ĐTXD nạo vét, cải tạo ngòi Con Tên (800 tỷ đồng); Dự án ĐTXD Trường mần non Song Hồ, huyện Thuận Thành (43 tỷ đồng);…
Dự án BT có quy mô đầu tư nhỏ nhất tại Bắc Ninh là Dự án ĐTXD trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thuận Thành, có tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, với diện tích đất đối ứng dự kiến khoảng 2,15 ha.
Còn “khủng” nhất là Dự án ĐTXD tuyến đường dọc kênh B2, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4.656,04 tỷ đồng và diện tích đất đối ứng dự kiến khoảng 475 ha.
Phần lớn các dự án BT của Bắc Ninh có quy mô trăm tỷ đồng, nhưng cũng có không ít dự án với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới cả nghìn tỷ đồng. Bên cạnh Dự án ĐTXD tuyến đường dọc kênh B2 vừa nêu, còn có thể kể đến Dự án ĐTXD đường Trịnh Xá – Đa Hội (1.388,63 tỷ đồng); Dự án ĐTXD cải tạo nâng cấp TL 295B (1.488,12 tỷ đồng); Dự án ĐTXD đường TL.277B (2.100 tỷ đồng).
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án BT tại Bắc Ninh khá đa dạng, không chỉ là UBND tỉnh và các sở ngành thuộc tỉnh, mà chức năng này còn được “phân vai” cho nhiều địa phương, tùy theo tính chất và mức độ của mỗi dự án.
Đáng chú ý khi xu thế BT tại Bắc Ninh vẫn có chiều hướng tiếp tục củng cố. Mới đây, tại kỳ họp thứ Bảy, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII đã lại ban hành Nghị quyết số 108/NQ-HĐND ngày 17/4/2018, trong đó quyết nghị phê duyệt danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên địa bàn tỉnh.
Lần này, số lượng và quy mô các dự án lại mở rộng đáng kể so với 4 tháng trước đó (Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 08/12/2017): “Tổng số 140 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 46.143,5 tỷ đồng; trong đó có: 130 dự án đầu tư theo loại hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất đối ứng với diện tích đất đối ứng dự kiến khoảng 2.604 ha; 02 dự án đầu tư theo loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT); 01 dự án đầu tư theo loại hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ (BTL); 07 dự án đầu tư chưa xác định loại hợp đồng”./.
Cần thiết phải khẳng định rằng, bản chất của chủ trương BT hay “đổi đất lấy hạ tầng” là minh bạch và tích cực. Trong bối cảnh căng thẳng ngân sách, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển là rất lớn và khó có thể trì hoãn, thì BT là một giải pháp phù hợp, nhiều khi là cần thiết.
Tuy nhiên, do hành lang pháp lý còn tồn tại những khoảng trống, ý thức tuân thủ pháp luật BT còn hạn chế nên theo một số chuyên gia, tại không ít địa phương, hình thức BT đang bị lạm dụng, “biến dạng”, không những không phát huy hiệu quả mà còn gây lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước, thậm chí tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm, chủ nghĩa thân hữu. Trong một bài viết trên VietTimes mới đây, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá: Điều cần làm hiện nay là hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT dưới dạng một Nghị định của Chính phủ dưới ô của Luật Đầu tư công 2014 hoặc dưới ô của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt khác, việc thực thi pháp luật cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Theo GS. Võ, Nhà nước cần giới hạn lại phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT: chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. Tại các địa phương này, không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo các hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng. “Dự án BT thường chỉ nên áp dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt khi ngân sách nhà nước hạn hẹp và hạ tầng quá yếu kém. Nhược điểm chủ yếu là làm cạn kiệt nguồn lực đất đai. Khi áp dụng, cần hoàn thiện cơ chế xác định giá trị công trình hạ tầng, giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư và chi tiết hóa hợp đồng BT theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, mọi dự án công tư đối tác phải được công khai toàn bộ, có sự tham gia giám sát của người dân và cơ quan nhà nước có liên quan phải thực hiện đúng trách nhiệm giải trình trước các ý kiến giám sát của dân. Đây là những nguyên tắc cơ bản của một hệ thống quản trị tốt”, GS. TSKH Đặng Hùng Võ lưu ý./. |