Căn bếp dù ở thời đại nào cũng là nơi sum vầy ấm áp của mọi thành viên trong gia đình, và đó cũng là nguồn cảm hứng để các nhà thiết kế nội thất được thỏa sức sáng tạo, thể hiện những ý tưởng vượt lên trên những quan niệm thông thường về một không gian nấu nướng, đồng thời vẫn đảm bảo đầy đủ công năng.
Những ý tưởng độc – lạ
Chia sẻ về các bài dự thi cuộc thi “Ý tưởng cho căn bếp hiện đại” diễn ra trên báo điện tử VnExpress vừa qua, ông Đoàn Kỳ Thanh – Trưởng Ban giám khảo cuộc thi cho biết “Nhiều bài dự thi có phương án thiết kế khá táo bạo về hình khối, về chất liệu, xử lý không gian, và rất bắt mắt về mặt thị giác. Hầu hết các thiết kế đều không bị gò bó vào những khuôn phép thông thường mà thể hiện được trí sáng tạo bay bổng.”
Một trong những căn bếp rất ấn tượng của cuộc thi có thể nói tới tác phẩm “Vẻ thuần khiết và thanh tao trong gian bếp” của tác giả Lê Thị Phương Thảo. Lấy cảm hứng từ những đài sen thanh khiết, tác giả đã cách điệu đường nét của loài hoa với những cạnh khối mạnh mẽ gợi lên nét phá cách riêng của gia chủ. Tổng thể căn bếp với bố cục ấn tượng nằm trong một không gian mở mang lại cảm giác sống giữa thiên nhiên cây cỏ.
Hình tượng bông sen được cách điệu với những cạnh khối mạnh mẽ và phá cách
Lấy ý tưởng từ các bộ phim khoa học viễn tưởng, nhóm tác giả Kiều Diễm – Thành Đạt – Trung Kiên đem lại thiết kế “Căn bếp tương lai của người trẻ cá tính”. Mặt bếp được tạo hình uốn lượn ba chiều độc đáo, console với chân đỡ chữ V đặc biệt khiến quầy bar trông như một phi thuyền trong tương lai. Hơi thở tương lai cũng được thể hiện trong chiếc tủ kệ được sắp xếp tối giản, chất liệu laminate bóng kính, tông màu trắng đen sang trọng và những chiếc đèn led ngẫu hứng giúp không gian trở nên rộng rãi và sáng sủa. Trần nhà được phủ bởi mảng xanh cây cối rủ xuống được thiết kế với công nghệ tiên tiến, đem lại nguồn sinh khí lan tỏa.
Căn bếp tương lai với đảo bếp hình phi thuyền và mảng cây xanh đầy sáng tạo
Gian bếp tiện dụng, đủ công năng
Mỗi không gian nhà theo thiết kế đều ứng với mỗi khu vực chức năng khác nhau, bếp có thể “mở” và cũng có thể “kín”. Có thể tiện nghi cao cấp hoặc cũng có thể đơn giản chỉ với những phụ kiện, nội thất cần thiết phục vụ cho việc bếp núc, nhưng trên hết vẫn phải tạo sự thoải mái, linh hoạt khi sử dụng.
Ông Kỳ Thanh cho biết: “Ban giám khảo đánh giá cao những bài vừa mang tính sáng tạo, thẩm mỹ, vừa đảm bảo các công năng sử dụng, tính thực tiễn phù hợp với môi trường Việt Nam”. Không nằm ngoài kỳ vọng đó, những mẫu thiết kế chẳng những thể hiện sự sáng tạo bay bổng, mà còn đảm bảo đầy đủ công năng và tạo sự thuận tiện tối đa cho người sử dụng.
Với điểm nhấn là hình tượng chú chim trong mưa, mẫu thiết kế “Bức tranh gian bếp tổ chim gần gũi thiên nhiên” của tác giả Lê Đình Ngọc Đức tối ưu hóa sự gọn gàng, giản đơn mang lại cảm giác thư giãn cho gia chủ. Đảo bếp được thiết kế rộng rãi với các ngăn kéo tạo thêm không gian lưu trữ đồ đạc.
Không gian thoáng đãng và tiện dụng với đảo bếp được tích hợp bồn rửa tiện lợi
Mẫu thiết kế của tác giả Trần Lê Duy Khánh là minh chứng cho thấy dù ở diện tích nào căn bếp cũng có cách bài trí hợp lý. Bếp được thiết kế theo hình chữ L, kết hợp với đảo bếp hình vòng cung tạo thế cân bằng giữa 3 khu vực chính trong bếp: tủ lạnh – bồn rửa – bếp. Tông màu trắng – xanh tạo cảm giác thoáng mát về thị giác, cân bằng sức nóng vật lý từ bếp.