– Dự án thành phần 1 Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 105,8 tỷ đồng được thi công trong thời gian 2 tháng (từ 28/11/2012 đến 28/1/2013), với một khối lượng công việc rất lớn.
Tỉnh thanh toán “nhầm” cho dự án trị giá hàng trăm tỷ Tại tỉnh Vĩnh Phúc, doanh nghiệp thực hiện dự án BT được phép rút tiền mỗi khi cần vốn, khi công trình chưa được bàn giao và nghiệm thu |
Ngay sau khi VietNamNet đăng tải bài viết ‘Tỉnh thanh toán “nhầm” cho dự án hàng trăm tỉ đồng’, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã có văn bản 1627/SXD-HTKT phản hồi.
Theo văn bản này, ngày 21/11/2012, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần thương mại Sông Hồng Thủ đô đã ký hợp đồng BT số 199/2012/HĐBT về việc triển khai dự án quảng trường.
Văn bản này cũng cho rằng, việc thực hiện và thanh toán vốn đầu tư của dự án được tiến hành như sau:
Dự án thành phần 1- Khu quảng trường phía Bắc đường Hai Bà Trưng được nhà đầu tư bàn giao cho Sở Xây dựng vào ngày 28/1/2013 và bắt đầu thanh toán vào ngày 4/2/2013. Các lần thanh toán tiếp theo vào các ngày 8/2/2013, 3/6/2014.
Dự án thành phần 1 Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 105,8 tỷ đồng được thi công trong thời gian 2 tháng (từ 28/11/2012 đến 28/1/2013), với một khối lượng công việc rất lớn. |
Riêng dự án thành phần 2- Khu công viên phía Nam đường Hai Bà Trưng được nhà đầu tư bàn giao cho Sở Xây dựng vào ngày 9/10/2013; bắt đầu thực hiện thanh toán cho Nhà đầu tư vào ngày 18/10/2013. Các lần thanh toán tiếp theo vào các ngày 04/11/2013, 27/6/2014, 23/8/2014.
“Việc thanh toán vốn đầu tư cho Nhà đầu tư đều phù hợp với quy định tại thông tư 166/2011/TT-BTC ngày 27/11/2011 của Bộ Tài chính. Lần thanh toán đầu tiên đều sau khi Nhà đầu tư hoàn thành công trình, bàn giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền” – văn bản này khẳng định.
Dự án trọng điểm thi công “thần tốc”
Từ thông tin của Sở Xây dựng Vĩnh Phúc và tài liệu PV thu thập được có thể thấy nhiều điều liên quan đến dự án này.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được các cấp có thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt là gần 280 tỉ đồng, nhưng sau đó lại được chia tách ra thành 2 thành phần để thực hiện và thanh toán theo kiểu ‘cuốn chiếu’.
Dự án thành phần 1 Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc có tổng mức đầu tư 105,8 tỷ đồng với một khối lượng công việc rất lớn, như: xây dựng cống ngầm bê tông cốt thép rộng 6m, cao 3,8 m thoát nước khu vực, tuyến cống chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng hiện có; xây dựng hệ thống cống bê tông cốt thép D400, D600, D800; xây dựng hệ thống rãnh thoát nước B400xH600, B600xH800 và hệ thống hố ga, cửa xả; xây dựng hệ thống thoát nước thải độc lập, nước thải trong các công trình được xử lý cục bộ qua các bệ tự hoại sau đó thoát vào hệ thống cống thoát nước thải chung; bố trí đèn chiếu sáng tại các khu vực quảng trường, công viên quảng trường, khu vực nhà hát và các công viên nhà hát…
Tất cả những hạng mục này đã được doanh nghiệp thực hiện trong khoảng thời gian̉ 2 tháng (từ 28/11/2012 đến 28/1/2013 – ngày bàn giao). Ngay sau đó, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc – đại diện tỉnh Vĩnh Phúc và một số cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán cho nhà đầu tư.
Trong văn bản ngày 1/2/2013 do bà Dương Thị Tuyến – Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ký duyệt cho thấy, khối lượng hoàn thành mới đạt trên 74,9 tỷ đồng, tức là chưa đạt khối lượng với tổng mức đầu tư của dự án thành phần 1 là trên 105,8 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có chủ trương thanh toán cho Nhà đầu tư ngay từ thời điểm chưa hoàn tất việc nghiệm thu dự án.
Trong khi đó, tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, dự án Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc là “dự án trọng điểm của tỉnh”. Thế nhưng, các hạng mục với khối lượng thi công khổng lồ như vậy chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định việc thực hiện dự án Khu Công viên Quảng trường tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện trong bối cảnh “ngân sách Nhà nước rất khó khăn” nên phải lựa chọn hình thức BT.
Tuy nhiên, ngay sau khi mỗi thành phần được hoàn thành, các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành nghiệm thu thanh toán ngay?!
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao có sẵn “tiền tươi” để thanh toán cho nhà đầu tư, tỉnh Vĩnh Phúc không lựa chọn hình thực đấu thầu rộng rãi mà lựa chọn chỉ định thầu để thực hiện theo hình thức BT?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Thông tư 166, hồ sơ đề nghị thanh toán một lần bằng tiền trong dự án BT sau khi công trình hoàn thành, bàn giao gồm: biên bản nghiệm thu công trình BT, bàn giao tiến độ cam kết, biên bản xác định giá trị phát sinh khối lượng ngoài hợp đồng được cơ quan nhà nước chấp thuận, đề nghị thanh toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo cáo quyết toán hợp đồng hoàn thành, báo cáo kiểm toán, báo cáo quyết toán hợp đồng dự án hoàn thành; phê duyệt quyết toán hợp đồng dự án hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư này cũng quy định: Trường hợp thanh toán nhiều lần thì phải có biên bản nghiệm thu công trình BT hoàn thành, bàn giao theo tiến độ cam kết tại hợp đồng dự án; biên bản xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận (nếu có); đề nghị thanh toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trường hợp thanh toán lần cuối, hồ sơ thanh toán bổ sung thêm báo cáo quyết toán công trình BT hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt, báo cáo quyết toán hợp đồng dự án hoàn thành.
Như vậy, có nghĩa là sau khi dự án hoàn thành, các bên liên quan sẽ phải hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ, nhưng dự án này lại được làm một cách “nhanh chóng” ?!
Liên quan đến vụ việc, được biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc để xác minh làm rõ nhiều điểm tại một số dự án thực hiện theo hợp đồng BT trên địa bàn.