(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Bản sắc và hiện đại là một chủ đề được đề cập nhiều thời gian qua. Cùng với xu thế đô thị hóa, hội nhập toàn cầu hóa, kiến trúc đô thị, đặc biệt là các đô thị “truyền thống” đứng trước những ảnh hưởng của kiến trúc mới từ các nước bên ngoài được du nhập vào, tạo ra một cuộc đấu tranh khốc liệt giữa bản sắc và hiện đại với các kiểu loại hình kiến trúc mới. Tuy nhiên trên góc nhìn tổng thể, không thể phủ nhận những đóng góp kiến trúc ngoại nhập với nhiều ưu thế tiên phong về công nghệ, tổ chức không gian, trong khi đó yếu tố bản sắc vẫn có thể được kế thừa và lưu giữ bắt đầu từ quy hoạch đô thị.
Vai trò của quy hoạch đô thị với phát huy giá trị bản sắc kiến trúc
Bản sắc có trong cả kiến trúc truyền thống và kiến trúc mới. Giữa chúng luôn có một cuộc đấu tranh nội tại diễn ra một cách tự nhiên, âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Trong suốt quá trình phát triển và tiếp nhận những yếu tố ngoại nhập, đô thị như một nội hàm chứa tất cả các tác động tích cực và tiêu cực. Quy hoạch đô thị với vai trò định hướng, phát triển đô thị luôn là nền tảng để đô thị có lựa chọn tiếp thu các kiến trúc mới (bao gồm cả kiến trúc mới ngoại nhập) cũng như phát huy các giá trị bản sắc kiến trúc – văn hóa bản địa.
Bản sắc kiến trúc tự thân đã là một khái niệm đang trong quá trình nghiên cứu, một thành phần trong tổng thể bản sắc văn hóa. Đặc biệt, bản sắc đô thị nói chung hay kiến trúc đô thị đặt ra trong cuộc đấu tranh giữa “bản địa” và “ngoại nhập” hiện nay vẫn còn là một vấn đề cần làm rõ. Đặc biệt, sự gia tăng, phát triển mạnh mẽ các đô thị lớn hiện nay với những đòi hỏi phát triển bền vững đã trở thành vấn đề toàn cầu, là thách thức không chỉ với các đô thị đã hình thành mà với cả các đô thị đang trong quá trình hình thành và mở rộng. Trong bối cảnh như vậy, cần phải thấy rõ những đặc thù riêng của bản sắc kiến trúc, mà quy hoạch đô thị cần kế thừa và phát huy.
– Cấu trúc đô thị: Rất nhiều các nghiên cứu đã chỉ ra Cấu trúc đô thị (Urban Form) không chỉ phản ánh sự chuyển động của các hoạt động kinh tế – đời sống mà còn bao gồm nội hàm triết lý văn hóa – xã hội của cộng đồng. Ở các đô thị Việt Nam, cấu trúc đô thị phản ánh rõ quá trình chuyển tiếp từ nếp sống nông thôn sang nếp sống công nghiệp và quan niệm phong thủy, tâm linh trước lối sống hiện đại. Cấu trúc đô thị là yếu tố tiên quyết đầu tiên để có thể tiếp thu kiến trúc mới một cách hài hòa với bảo tồn các nét bản sắc truyền thống.
Trong một thời gian dài trước đây, các lý thuyết về quy hoạch đô thị ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới đều chỉ ra những quan điểm cho rằng cần một cấu trúc đô thị mới tương ứng, bởi các mô hình định cư truyền thống của đô thị trong quá khứ không còn phù hợp với phương thức sản xuất và lối sống công nghiệp hiện nay. Chính điều này, khi ứng dụng một cách khiên cưỡng đã tạo nên các mô hình đô thị toàn cầu hóa, chối bỏ lịch sử và bản sắc bản địa.
Tại Việt Nam, thời gian qua cũng đã có không ít các cảnh báo của chuyên gia quy hoạch về hiện tượng phát triển các đô thị “nhập ngoại” với mô hình quy hoạch và kiến trúc nhang nhác với các đô thị Âu Mỹ, thiếu hẳn một bản sắc và tính nhận diện về bản địa. Quy hoạch cấu trúc đô thị kiểu “dập khuôn” và “nhập ngoại” không tính đến các yếu tố bản sắc, vô tình chỉ “hỗ trợ cho các kiểu tổ chức không gian và loại hình công trình kiến trúc mới mà không tạo được các bệ đỡ cho các yếu tố kiến trúc bản địa phát triển, mở đường cho các kiến trúc lai căng, thiếu các yếu tố tiếp nhận và Việt hóa một cách có khoa học và chọn lựa.
Bài học từ cuối thế kỷ 20 đã được thế giới tổng kết và khẳng định rằng “chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống ngay từ công tác quy hoạch đô thị” mới tạo lập được cấu trúc đô thị hiện đại để đô thị phát triển bền vững và có bản sắc.
Xem xét quy hoạch Thành phố Hà Nội qua các thời kỳ phát triển có thể nhận thấy rõ sự tiếp thu kiến trúc mới (ngoại nhập) và bảo tồn các giá trị bản sắc từ mô hình quy hoạch đô thị. Hà Nội có thể được xem là một đô thị điển hình về quá trình diễn biến trong cấu trúc đô thị. Giai đoạn trước thế kỷ 18, khu phố cổ được hình thành với hệ thống đường ô cờ với cấu trúc mô phỏng các làng nông thôn là nhà ống (Tube Maison) trên cơ sở kế thừa hệ cấu trúc khung gỗ trong kiến trúc truyền thống đồng thời có các cải tiến tạo nên phần không gian sản xuất nghề thủ công truyền thống và dịch vụ trên mặt tiền giúp tạo thành phố nghề vốn còn tồn tại một phần cho đến ngày nay.
Thời kỳ thuộc địa, với bản quy hoạch mới của kiến trúc Ernest Hébrard, cũng đã cho phép mở thêm các vành đai bao quanh khu phố cổ cùng hệ thống đường ô cờ với mặt cắt lớn hơn và hệ thống hạ tầng đồng bộ. Từ đó, mở ra các khu nhà biệt thự, nhà công sở hành chính theo phong cách kiến trúc thuộc địa mới (cơ bản du nhập từ kiểu kiến trúc vùng Địa Trung Hải miền nam nước Pháp). Tuy nhiên, chúng cũng được Việt hóa để phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội Việt Nam, trở thành một mốt kiến trúc thời thượng cho đến tận ngày nay.
Thời kỳ mở cửa, cấu trúc đô thị Hà Nội được mở rộng và tổ chức theo hệ thống vành đai với các đường xuyên tâm trục lớn tạo nên sự đột biến lớn về diện tích 3.340 km2. Hà Nội trở thành đô thị có diện tích lớn nhất cả nước, và là một trong 12 thủ đô có quy mô lớn trên thế giới. Cách làm này phù hợp với cấu trúc của các đô thị mới hiện đại cho phép tổ chức các hệ thống công trình cao tầng hiện đại với các chức năng căn hộ chung cư, văn phòng làm việc dọc theo các trục chính. Tuy nhiên, do một số hạn chế về tổ chức quy hoạch nên dường như quy hoạch chưa thực sự là “bệ đỡ” cho kiến trúc truyền thống. Cụ thể như quy hoạch kiểu phân lô, không xem xét đến hướng và các yếu tố tự nhiên dẫn đến kiểu kiến trúc dập khuôn, khó phát huy các yếu tố truyền thống trong kiến trúc như chọn hướng tốt, tổ chức các điều kiện vi khí hậu, đồng thời làm “gia tăng” nhu cầu sử dụng các vật liệu và công nghệ thông gió, chiếu sáng cưỡng bức…
– Môi trường sinh thái đô thị: Trong giai đoạn những năm 1960, các quốc gia phương Tây đã nghiên cứu và chỉ ra một khái niệm có tính chất đa ngành về “nhận thức môi trường” (Environmental Perception) với các nhận diện về cách thức và quy luật cảm nhận và cảm thụ không gian của con người. Đây có thể coi là một trong những cơ sở đầu tiên giúp xác định các yếu tố môi trường sinh thái đô thị như là một thành tố tạo nên bản sắc đô thị thông qua sự nhận diện và cảm thụ của người dân. Điều này hoàn toàn khác biệt với các quan niệm đang thịnh hành trước đó của Chủ nghĩa hiện đại (Modernism) với những giải pháp không gian mang tính “mô đun hóa” tạo ra một ngôn ngữ đồng hóa, bỏ qua hoàn toàn những khác biệt về địa điểm và văn hóa.
Các nghiên cứu sau đó như “Hình ảnh đô thị – Image of City (1960)”, “Managing the Sense of a Region” (1976), hay “Good City Form” (1981) và “City Sense and City Design: Writings and Projects of Kevin Lynch” (1990)” đã cho thấy rõ sự quan trọng của quy hoạch tạo lập hình ảnh và bản sắc đô thị.
Với trường hợp đô thị Hà Nội, trong các khu phố cổ, phố cũ có môi trường sinh thái đô thị với đầy đủ các yếu tố trong cấu trúc đô thị truyền thống Việt Nam, như cảnh quan thiên nhiên (cây xanh, sông, hồ…), không gian tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng (như quảng trường, công viên cây xanh…). Cấu trúc này đã tạo điều kiện để các kiến trúc truyền thống (kiểu nhà ống khu phố cổ và kiến trúc “ngoại nhập” theo phong cách kiến trúc Đông Dương (French Colonial Architecture)) bao gồm các kiểu nhà biệt thự, nhà công sở cùng tồn tại. Mô hình quy hoạch tổ chức môi trường sinh thái đô thị cho phép cùng lúc dung hòa cả các di sản đô thị dân gian, cận hiện đại chịu ảnh hưởng của văn hóa châu Âu, cùng các truyền thuyết, huyền thoại, nếp sống văn hóa truyền thống song luôn phát triển với đặc trưng văn hóa riêng. Các không gian cảnh quan kiến trúc đô thị, các loại hình kiến trúc công trình từ làng cổ, phố cổ, khu phố cũ được gìn giữ và chuyển hóa thích hợp. Tất cả được đan xen hài hòa để tạo thành một tổng thể thích hợp, hòa quyện với cảnh quan, cây xanh, mặt nước.
Phát huy giá trị bản sắc kiến trúc từ quy hoạch đô thị
Tổng thống Pháp Francois Mitterand – nhà chính trị hàng đầu nhưng cũng là người rất quan tâm đến kiến trúc đô thị trong chiến dịch quy hoạch tái thiết thủ đô Paris năm 2006 đã nhận định: “Sự hài hòa trong thành phố không phải tự nhiên mà có. Di sản và quá khứ chỉ lưu lại trong đô thị nếu nhận biết và có kế hoạch thực hiện ngay từ khâu quy hoạch đô thị. Hãy biết tôn tạo, vì tương lai không thể tự đến mà đô thị phải chuẩn bị. Không một kiến trúc nào chỉ giới hạn trong việc phản ánh một cách thụ động cái xã hội sản sinh ra nó, không có một công trình đền đài nào lại chỉ có mục đích sử dụng đơn thuần. Tất cả các công trình đó đã ghi dấu ấn vào không gian và thời gian một ý tưởng nào đó về sự hữu ích, về cái đẹp, về cuộc sống ở đô thị và cả về mối quan hệ giữa người với người”.
Tại Việt Nam, mỗi đô thị trong lịch sử hình thành và phát triển đều chứa đựng bản sắc riêng về kiến trúc. Để tạo lập bản sắc cho đô thị cũng cần hình thành bộ mặt kiến trúc cảnh quan, kiến trúc đô thị và kiến trúc công trình để tạo nên hình ảnh đô thị tương xứng trên cơ sở quy hoạch tổ chức không gian có thể nhận diện và tổ chức cái tinh hoa bản sắc, đồng thời tiếp thu các yếu tố hiện đại tiên tiến trên thế giới.
Kiến trúc đô thị Việt Nam nói chung đã có những chuyển biến, song cũng phải thừa nhận rằng còn thiếu tính xác lập các yếu tố cốt lõi để tạo lập bản sắc đô thị hiện đại trên cơ sở kế thừa các yếu tố truyền thống và chọn lọc các tinh hoa của kiến trúc thế giới. Các bài học kinh nghiệm quốc tế kiến trúc thế kỷ 20 đã được tổng kết và khẳng định “chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống ngay từ công tác quy hoạch phát triển đô thị” mới tạo lập được kiến trúc đô thị hiện đại để phát triển bền vững, trên cơ sở nâng tầm và tạo lập mối quan hệ tương hỗ giữa những người làm công tác quy hoạch xây dựng với KTS thiết kế công trình và các nhà quản lý thông qua công tác quy hoạch định hướng phát trển đô thị.
– Quy hoạch bảo tồn các giá trị bản sắc trong việc lựa chọn các phương án quy hoạch, thiết kế kiến trúc và xây dựng.
Các KTS thường hay định nghĩa quy hoạch là: “nghệ thuật tổ chức không gian”, “Nghệ thuật sắp xếp và bố cục không gian” (Le Corbusier). Từ định nghĩa này chúng ta có thể hiểu các nhà quy hoạch, các KTS chính là tác giả của những vách ngăn tạo ra những hộp, những ô, những ống mà trong không gian bốn chiều đó con người và những linh hồn của họ tồn tại và vận động. Chính họ góp phần có thể làm cho con người gần gũi nhau hơn hay xa lánh nhau hơn, làm cho cuộc sống dễ chịu hơn hay mệt mỏi hơn.
Từ cách tiếp cận này, quy hoạch và kiến trúc có một vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống và tiếp thu kiến trúc mới trong xã hội hiện đại. Văn hóa truyền thống Việt Nam đề cao, liên kết cộng đồng, đề cao gia đình, kính trọng người già, tôn trọng trật tự xã hội, thân thiện với thiên nhiên nhưng trong xu thế kiến trúc nhà ở hiện nay đã làm giảm sút và mất đi giá trị này.
Lối quy hoạch triệt tiêu các không gian giao tiếp như công viên, vườn dạo, đường đi bộ, hành lang, tiền sảnh chung cư, thậm chí là không có câu lạc bộ, nơi hội họp, nhà tang lễ như ở hầu hết các chung cư ở TPHCM hiện nay là mẫu hình của kiểu kiến trúc phi văn hoá, phá bỏ tính kết nối cộng đồng truyền thống. Các quy hoạch phân lô với các hàng rào sắt và bê tông kiên cố thay cho những hàng rào gỗ, dâm bụt có tính ước lệ mang ý nghĩa trang trí hơn tất nhiên tạo ra các kiểu kiến trúc nhà ở theo hướng thờ ơ lãnh đạm, đôi khi là kênh kiệu. Kiểu cấu trúc thường thấy ở những ngôi nhà cao tầng hình ống trong các đô thị hiện nay khiến cho người già cảm thấy bơ vơ và trống vắng hơn, trong nhiều trường hợp cha mẹ già trở thành người coi nhà, trông xe. Đối với đô thị Việt Nam cần loại bỏ những kiểu quy hoạch vừa cho phép tổ chức thiết kế các loại hình nhà ở “thụ động” vừa có những kiểu kiến trúc tạo ra kiểu “mạnh ai nấy sống” cho dù có cùng huyết thống và sống chung trong một mái nhà.
Trong định hướng phát triển đô thị Việt Nam, không thể xác định mẫu “cấu trúc điển hình” cho các đô thị mà mỗi đô thị phải từ nhận diện quỹ di sản của mình để tạo lập cấu trúc đô thị có bản sắc riêng phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên, đặc trưng dân số, trình độ khoa học kỹ thuật, văn hóa lịch sử của từng địa phương.
– Quy hoạch đô thị tạo dựng các không gian văn hoá cộng đồng để kiến trúc truyền tải các yếu tố bản sắc truyền thống trong các đơn vị ở hiện đại.
Một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất của thành phố nhân văn được nêu trong tuyên ngôn “Đô thị thế kỷ XXI” của các nhà đô thị học châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2002 là coi “sự đa dạng văn hoá như là tất yếu và là niềm tự hào, vẻ đẹp của đô thị hiện đại”. Các yếu tố văn hoá – kiến trúc muốn được duy trì thì phải có được không gian lãnh thổ – văn hoá đủ để duy trì và nuôi dưỡng nó. Để duy trì được những yếu tố bản sắc văn hoá truyền thống trong kiến trúc như nhà ở, cảnh quan cộng đồng (cổng, tường rào, tượng đài, vườn cây), các không gian chuyển tiếp, các công trình cộng đồng (chùa, thánh đường, nhà thờ) cần có các phương án quy hoạch không gian đô thị hướng đến tạo dựng một “tiểu môi trường” trong đó có sự tồn tại của chủ thể cùng các thiết chế văn hoá của họ trong một thể thống nhất con người – môi trường – kiến trúc.
Đô thị với hệ thống chức năng đa dạng, đan kết của nhiều khu chức năng được xem là hệ sinh thái riêng – hệ sinh thái đô thị có sự tương hỗ giữa cấu trúc đô thị và môi trường thiên nhiên và là hệ sinh thái “động” có chuyển hóa nội tại. Với lịch sử phát triển của các đô thị Việt Nam cần phải xem xét đến yếu tố liên kết giữa hệ sinh thái đô thị với hệ sinh thái nông thôn – sinh thái thiên nhiên của ngoại thành, ngoại thị và của vùng xung quanh.
Kiến trúc đô thị Việt Nam nói chung đã có những chuyển biến, song cũng phải thừa nhận rằng còn thiếu tính xác lập các yếu tố cốt lõi để tạo lập bản sắc đô thị hiện đại trên cơ sở kế thừa các yếu tố truyền thống và chọn lọc các tinh hoa của kiến trúc thế giới. Các bài học kinh nghiệm quốc tế kiến trúc thế kỷ 20 đã được tổng kết và khẳng định “chỉ có bảo tồn, phát huy các giá trị di sản truyền thống ngay từ công tác quy hoạch phát triển đô thị” mới tạo lập được kiến trúc đô thị hiện đại để phát triển bền vững, trên cơ sở nâng tầm và tạo lập mối quan hệ tương hỗ giữa những người làm công tác quy hoạch xây dựng với KTS thiết kế công trình và các nhà quản lý thông qua công tác quy hoạch định hướng phát trển đô thị. |
Để tạo lập bản sắc đô thị cần nhận diện và bảo vệ hệ khung thiên nhiên của đô thị: rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vườn Quốc gia, sông hồ cây xanh và tạo lập vùng ngoại thành, ngoại thị thích hợp với đô thị trung tâm. Vấn đề đặt ra là ngoại thành, hệ sinh thái nông nghiệp được phát triển thế nào để phù hợp với chức năng từng đô thị và xây dựng nông thôn mới ngoại thành, ngoại thị không chỉ theo định hướng xây dựng nông thôn mới nói chung mà còn cần xác định các tiêu chí đặc thù cho đô thị.
Kinh nghiệm từ một số đô thị phát triển trên thế giới như Singapore, Paris (Pháp), các bản sắc của cộng đồng dân cư được xác lập rất rõ ràng trong hệ thống không gian đô thị bởi một quy hoạch đô thị hợp lý. Các khu Hoa Kiều (Chinatown), Ấn Độ (Indiatown), được quy hoạch tổ chức không gian có quy mô dù lớn dù nhỏ nhưng đều mang đậm dấu ấn tổ chức hệ thống không gian đặc trưng, kèm theo đó là các hệ thống nhà ở, dịch vụ, đặc biệt là các không gian cộng đồng với các yếu tố đặc thù như phố đi bộ, chợ truyền thống, không gian kiến trúc tôn giáo tâm linh.
Với trường hợp ví dụ tại TPHCM, có nhiều cộng đồng dân cư đặc trưng như người Hoa ở Quận 5 và Quận 6, người Chăm ở Quận 8 và Quận 3 hay người Khmer ở Quận 1, để tạo điều kiện về vật chất, chính sách thích hợp cũng như khuyến khích các cộng đồng dân cư nhỏ duy trì và phát triển văn hoá của riêng mình với một diện mạo kiến trúc riêng, thiết kế quy hoạch đô thị cần xác lập các định hướng để có thể hỗ trợ các cộng đồng dân cư một cách tự nhiên việc chọn lựa và truyền tải những yếu tố của văn hoá truyền thống sang “ngôn ngữ kiến trúc” (không gian, đường nét, màu sắc, họa tiết) thông qua việc thiết kế những kiểu nhà ở, các biểu trưng, các đường nét thể hiện được dấu ấn văn hoá của họ. Bên cạnh đó việc duy trì có cân nhắc những chợ nhỏ, những quán xá vỉa hè, những khu phố cổ, những không gian văn hoá của nhóm dân cư có nguồn gốc xuất cư khác nhau như quán ăn Quảng Nam, nhà vườn kiểu Huế tại TPHCM hay Hà Nội cũng chính là tạo điều kiện cho các tiểu văn hoá bản sắc tồn tại và phát triển góp phần làm phong phú hơn bức tranh văn hoá đô thị, cho dù sự đa dạng của các thành phố Việt Nam chủ yếu là “đa dạng văn hoá nội địa”.
– Truyền tải những nét văn hoá tuyền thống quan trọng và có ý nghĩa vào trong ngôn ngữ kiến trúc.
Thế kỷ 21, hiện đại hoá là một xu thế không thể cưỡng lại. Quy hoạch đô thị cần là cơ sở để chọn lựa các loại hình công trình kiến trúc tiêu biểu có ý nghĩa nhất. Công tác quy hoạch cần nhận diện và loại bỏ các yếu tố thông thường mà bảo tồn các giá trị cốt lõi nhất của bản sắc đô thị, dành một phần không gian để tiếp thu các loại hình kiến trúc mới đương đại và của tương lai. Có thể xem đô thị là một cơ thể sống, với các phần cũ thoái hóa mất đi, các phần mới phát triển. Một quy hoạch đô thị sẽ bị phá vỡ nếu ôm đồm quá nhiều cái cũ và cái mới một cách lộn xộn, thiếu chọn lọc. Đô thị chỉ nên giữ lại những gì tinh túy nhất của quá khứ và những dấu ấn tiêu biểu của lịch sử.
Các đô thị Việt Nam dù lớn như TPHCM, Hà Nội với sức sống năng động và trẻ trung phải mở cửa để đón cái mới, để hội nhập. Do vậy, việc bảo tồn nguyên trạng và toàn bộ là điều không thể. Nhiều KTS đã cố gắng copy những đầu đao, con rồng, mái dốc hay bố cục theo phong thủy vào trong các công trình của mình và coi đó là bản sắc văn hoá dân tộc trong kiến trúc nhưng đều thất bại bởi cấu trúc quy hoạch đô thị mới không cho phép có đủ các yếu tố để một công trình kiến trúc truyền thống tồn tại như trước do thiếu các yếu tố không gian, quỹ đất, cảnh quan. Chính vì thế ở các đô thị lớn người ta cần phải chọn cái gì trong văn hoá truyền thống để đưa vào kiến trúc nhưng vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ, sự hài hòa và không làm giảm đi các công năng cần có. Những chi tiết này có thể ở trong trang trí nội thất, những đường nét bên ngoài mặt tiền và cũng có khi ở các sắp đặt cảnh quan ngoại thất như tượng, phù điêu, cây cảnh, bậc thang, tường bao che, v.v… /.
Ths. Kts Nguyễn Chí Hùng
Viện Quy hoạch đô thị nông thôn Quốc gia
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hãy giữ bản sắc kiến trúc và hồn đô thị Hà Nội – KTS Nguyễn Hữu Thái
– Tạo lập bản sắc đô thị trong quá trình đô thị hóa – TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam)
– Một số giải pháp kiến trúc gắn bó với khí hậu châu Á.Tạp chí Kiến trúc số 4, 1996 – Nguyễn Hồng Thục
– Tạp chí Kiến trúc số 4, 1995, trang 27
– Bàn về vấn đề dân tộc và hiện đại trong kiến trúc Việt Nam. NXB xây dựng, 1999, trang 124.
– Bàn về vấn đề Dân tộc và Hiện đại trong kiến trúc Việt Nam. NXB Xây dựng. 1999,trang 188, Viện nghiên cứu kiến trúc.
– Kiến trúc với văn hoá và xã hội. NXB Xây dựng, 2002, trang 125, Lưu Trọng Hải