Phương án nào ‘giải cứu’ tuyến đường BOT Thái Nguyên – Chợ Mới?

(Chinhphu.vn) – Bộ GTVT vừa công bố phương án xử lý khó khăn, vướng mắc của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 theo hình thức hợp đồng BOT.

Thu 1 trạm chỉ đạt 12,4% doanh thu dự kiến

Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 75 – Km 100 có tổng mức đầu tư ban đầu là 2.746,3 tỷ đồng do liên danh Cienco4 – Tuấn Lộc – Trường Lộc làm chủ đầu tư.

Trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư xây dựng đường Thái Nguyên – Chợ Mới, đơn vị tư vấn đã xem xét phương án đầu tư theo hướng mở rộng Quốc lộ 3 hiện tại từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, đặt trạm trên Quốc lộ 3 để hoàn vốn. Tuy nhiên, do đường hiện hữu qua nhiều khu đông dân cư, nhiều đoạn có địa hình đặc biệt khó khăn, kinh phí đầu tư lớn (khoảng 3.600 tỷ đồng), tổng chi phí người sử dụng sẽ cao hơn.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT thống nhất với các địa phương liên quan, báo cáo cấp  có thẩm quyền phương án đầu tư phân kỳ đường Thái Nguyên – Chợ Mới theo quy mô 2 làn xe kết hợp cải tạo, nâng cấp một số đoạn trên Quốc lộ 3 hiện hữu để cùng khai thác. Vị trí đặt trạm thu phí sử dụng đường bộ đã được sự thống nhất của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Bắc Kạn và Bộ Tài chính. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án được triển khai xây dựng từ tháng 9/2014 và đưa vào khai thác từ ngày 18/5/2017.

Để hoàn vốn cho dự án, nhà đầu tư được sử dụng 2 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Km 72+930) và trên Quốc lộ 3 hiện tại (Km 77+922) để hoàn vốn trên cơ sở sự thống nhất cao của liên bộ: Tài chính, GTVT và 2 tỉnh là Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Tuy nhiên, do có sự không đồng thuận của một số người dân, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu phí trên đường Thái Nguyên – Chợ Mới và trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên để hoàn vốn.

Để có cơ sở quyết định, Bộ GTVT đã cho phép nhà đầu tư thu phí tại trạm trên đường Thái Nguyên – Chợ mới từ ngày 25/1/2018. Đồng thời, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) giám sát chặt chẽ, minh bạch doanh thu sau 3 tháng để có số liệu khoa học nhằm xây dựng phương án thu phí cho dự án phù hợp.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng doanh thu sau 3 tháng chỉ đạt khoảng 6,7 tỷ đồng (tương đương 12,4% so với doanh thu theo hợp đồng), thiếu hụt so với phương án tài chính tại hợp đồng khoảng 47,5 tỷ đồng (87,6%). Như vậy, nếu chỉ thu phí tại trạm Thái Nguyên – Chợ Mới sẽ không khả thi, phá vỡ phương án tài chính của dự án.

Giảm tối đa mức phí cho phương tiện đi qua trạm trên QL3

Trên cơ sở các phương án đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, đề xuất, các bộ, ngành liên quan đã phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án.

Cụ thể, đối với phương án bỏ trạm thu phí trên QL3, cho phép nhà đầu tư thực hiện mở rộng, hoàn thiện tuyến đường Hà Nội – Thái Nguyên đáp ứng tiêu chuẩn cao tốc và đặt trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường Thái Nguyên – Chợ Mới hoặc có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách  cho nhà đầu tư với phần doanh thu bị giảm do bỏ trạm thu phí trên Quốc lộ 3.

Phương án này được nhận định là không khả thi do việc cải tạo, nâng cấp và đặt trạm thu phí trên đường hiện hữu (tuyến đường Hà Nội – Thái Nguyên) không phù hợp với Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của UBTVQH. Đồng thời, tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 23/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận “không sử dụng ngân sách bù đắp hoặc mua lại các dự án”.

Còn đối với phương án giữ nguyên trạm thu phí trên Quốc lộ 3, thực hiện giảm phí cho các phương tiện và bổ sung nâng câo cải tạo Quốc lộ 37 đoạn từ Đèo Khế đến Bờ Đậu cũng được nhận định là không khả thi. Do việc cải tạo, nâng cấp đường hiện hữu (Quốc lộ 37) bằng nguồn vốn BOT không phù hợp với Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của UBTVQH.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan đã thống nhất lựa chọn phương án giảm tối đa mức phí cho các phương tiện khi đi qua trạm Quốc lộ 3.

Cụ thể, giảm từ 50-100% phí đối với phương tiện của người dân thuộc khu vực lân cận trạm; Giảm 30% phí đối với các phương tiện khác (ngoài khu vực lân cận trạm).

Đối với việc cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn từ Đèo Khế đến Bờ Đậu, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ khẩn trương nghiên cứu phương án triển khai bằng vốn bảo trì.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên sớm có văn bản thống nhất về phương án giảm phí tại trạm Quốc lộ 3 gửi Bộ GTVT. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, hướng dẫn các chủ phương tiện kê khai, đăng ký giảm phí theo phương án đã thống nhất.

UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động người dân chấp hành đúng chủ trương về đầu tư BOT nói chung và việc thu phí hoàn vốn cho dự án nói riêng. Có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực trạm theo Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với nhà đầu tư, Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương cập nhật giá trị đầu tư, phương án giảm phí, xác định lại thời gian hoàn vốn của dự án, báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, trình Bộ GTVT quyết định. Nhà đầu tư cũng phải làm việc với các địa phương thuộc khu vực giảm phí, thống kê đầy đủ các phương tiện của chủ sở hữu thuộc khu vực lân cận trạm, hướng dẫn các chủ phương tiện kê khai, đăng ký giảm phí theo phương án đã thống nhất.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam trên cớ sở báo cáo của nhà đầu tư, khẩn trương rà soát phương án giảm phí, thời gian hoàn vốn của dự án, trình Bộ GTVT trong tháng 6/2018. Giám sát chặt chẽ doanh thu tại trạm Quốc lộ 3 trong vòng 3 tháng (kể từ ngày bắt đầu thu), tổng hợp kết quả, báo cáo Bộ GTVT xem xét, quyết định.

Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh hợp đồng BOT đã ký với nhà đầu tư, theo hướng xem xét dỡ bỏ trạm thu phí Bờ Đậu tại Km 77+922,5 Quốc lộ 3 đoạn qua TP. Thái Nguyên cho phép nhà đầu tư mở rộng, hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, đặt hai trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và đường Thái Nguyên – Chợ Mới và có chính sách đặc thù hỗ trợ từ ngân sách cho nhà đầu tư phần doanh thu bị giảm do bỏ trạm thu phí trên, để tránh nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư…

Còn theo đại diện chủ đầu tư, việc chỉ được thu giá tại trạm Km 72+930 tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới dẫn đến các phương tiện đổ dồn vào tuyến Quốc lộ 3 (hiện vẫn bỏ ngỏ khả năng thu giá). Trong khi đó, tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới xây dựng 4 làn xe chỉ hút được một phần xe con – loại xe có giá dịch vụ thấp nhất trong 5 loại xe chịu phí.

Phan Trang