Quy hoạch Xây dựng – Kiến tạo sự hấp dẫn của đô thị Thái Nguyên

Đô thị “sống tốt” níu giữ những bước chân của cư dân đến ở và sinh sống, thu hút những nhà đầu tư, níu giữ bước chân du khách và nếu thực sự hấp dẫn, nó sẽ bắt người ta phải quay lại nhiều lần. Nhiều ví dụ cho ta thấy, trên thế giới hiện có nhiều đô thị như vậy như: Québec, Vancouver (Canada) London, Birmingham (Anh), Paris (Pháp)… trong nước cũng có nhiều ví vụ: TP HCM, TP Đà Nẵng, TP Vũng Tàu… Với lực hút thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – xã hội, tạo sự gia tăng cơ học về dân số… có thể khẳng định đây là những đô thị “sống tốt”.

1.

Đô thị “sống tốt” phải có sự hấp dẫn của phần “cứng”: Có vị trí địa lý tốt, có quy hoạch xây dựng tốt, có sự ưu đãi của thiên nhiên…

Đô thị “sống tốt” phải có được sự hấp dẫn của phần “mềm”: Đó là nếp sống, văn hóa, văn minh đô thị, thể chế quản lý đô thị, môi trường xã hội đô thị, cơ hội phát triển …

Cả hai yếu tố trên đều quan trọng.

Trong sự hấp dẫn của phần “cứng” có vai trò vô cùng quan trọng của quy hoạch xây dựng và xây dựng phát triển đô thị, trong đó quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước.

Với các tiêu chí trên, dưới góc nhìn “sống tốt” để đánh giá TP Thái Nguyên là đô thị đang phát triển, khởi đầu bằng đầu tư xây dựng khu công nghiệp Gang Thép bắt đầu vào năm 1959, đến năm 1962 Thái Nguyên được công nhận là thành phố, đến 1996 được đô thị loại III trực thuộc tỉnh, lên đô thị loại II vào năm 2002 và là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010. TP Thái Nguyên có lợi thế về vị trí địa lý cùng với lợi thế về cảnh quan, về quỹ đất, sự thu hút nhân lực… đã tạo cho mình một vị thế trung tâm cấp vùng. Tuy nhiên, với sự phát triển của đô thị TP Thái Nguyên, trong thời gian qua có ý kiến cho rằng chưa hiện đại, chưa bản sắc, chưa xứng tầm… Phải chăng, đó là lỗi của quy hoạch xây dựng?

2.

Thành lập từ năm 1962, nhưng đến năm 1996, lần đầu tiên quy hoạch chung TP Thái Nguyên mới được lập. Đến năm 2005, đồ án quy hoạch chung được điều chỉnh, định hướng phát triển tới 2020; Do yêu cầu thực tế khách quan, năm 2013 đồ án điều chỉnh lần 2 được lập và phê duyệt vào tháng 12/2016. Các đồ án ấy đã làm cơ sở cho đô thị TP Thái Nguyên có được diện mạo như hôm nay.

Ở đây, không tiếp cận vấn đề chất lượng của các đồ án quy hoạch, nhìn nhận dưới con mắt khách quan, không gian đô thị TP Thái Nguyên hiện hữu ít nhận được lời khen đánh giá là thành phố đẹp, thành phố đáng nhớ, mặc dù xây dựng TP Thái Nguyên phát triển nhanh, chúng ta đã có quỹ đô thị, quỹ xây dựng không phải là nhỏ. Vai trò của quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, làm tiền đề cho sự phát triển. Đến năm 1996 mới có đồ án quy hoạch chung để quản lý và xây dựng. Tuy có nhiều lý do, nhưng sau 34 năm việc này mới được thực hiện thì quả là chậm so với yêu cầu thực tế.
Thời hạn quy hoạch chung theo quy định là 20 – 25 năm, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Thái Nguyên lần đầu là sau 9 năm, năm 2005 với tiêu chí phát triển đến năm 2020 và đến năm 2016 tức là sau 10 năm tiếp theo đã được lập và phê duyệt điều chỉnh lần thứ 2 với tiêu chí hướng tới năm 2035. Việc lập lại là cần thiết để đảm bảo sự phù hợp yêu cầu thực tiễn và đáp ứng tiêu chí phát triển. Ở đây, “tầm nhìn” và chất lượng trong các đồ án là vấn đề cần xem xét.

3.

TP Thái Nguyên đang được hình thành trên cơ sở các đồ án được duyệt, nhưng TP quả là thiếu các trục giao thông chính của đô thị; trục xuyên suốt Bắc – Nam là đường Dương Tự Minh – Bắc Kạn – CMT8 chỉ khiêm tốn ở mặt cắt tối thiểu 27m – 30m (theo quy chuẩn có thể rộng đến 80m). Trục đường Lương Ngọc Quyến – đường Thống Nhất tương tự như vậy nó có 27m. Đoạn rộng nhất của giao thông đô thị thành phố là đường Đội Cấn cũng chỉ rộng 66m, dài 750m.

Sắp tới, khi cầu Bến Tượng hoàn thành, đưa vào vận hành còn chưa dự báo được việc kết nối giao thông sẽ như thế nào? Sự xung đột về giao thông giữa nút vào cầu và đường Bến Tượng rất dễ xảy ra. Trục ngang chính của thành phố là đường Hoàng Văn Thụ hiện rộng 41m, theo quy chuẩn nó có thể rộng từ 70m đến 80m, ở 2 đầu lại thắt lại là đường Quang Trung hiện rộng 27m, đường Bến Oánh 22,5m, theo quy chuẩn thì mặt cắt của trục này tối thiểu là 30m, tối đa phải đạt được là 80m; Trục mới là đường Việt Bắc mới được đầu tư, là một con đường đẹp, ta mơ ước từ lâu, nhưng đáng lẽ phải là 46m giờ chỉ là 22,5m với vỉa hè giáp đường tàu khô cứng chỉ có 4m, không cây xanh. Đi trên đường Hoàng Văn Thụ, một loạt “họng” giao thông để chờ nhưng không được kết nối với đâu cả. Đây chính là hiện tượng chúng ta thiếu đường nội thị, hiệu ứng phường “rỗng bụng”, “làng” trong phố là hệ lụy tất yếu mà việc khai thác quỹ đất lại không hiệu quả. Với tất cả lý do trên, việc tắc đường, xung đột giao thông của thành phố cũng là chuyện đương nhiên phải xảy ra, mặc dù dân số đô thị ở Thái Nguyên chưa thực sự là đông.

4.

TP Thái Nguyên đang phát triển về phía Đông, dòng sông Cầu sẽ là chủ thể của đô thị – Đó là cái được của đồ án quy hoạch 2016 đã điều chỉnh so với các đồ án trước, hy vọng chúng ta sẽ có được đô thị hiện đại, bản sắc, có được thành phố nhìn ra sông, nhưng hình như 2 công viên mỗi khu rộng 100ha bên phía Đông, quy hoạch trước đã được điều chỉnh về phía Động Linh Sơn và về phía phường Cam giá, xã Đồng Liên thì phải. TP Thái Nguyên vốn được nhìn nhận là thiếu cây xanh đô thị, cây chưa có bản sắc, đặc biệt là chưa có công viên. Một TP không có công viên là TP thiếu sức sống và vì thế sẽ thiếu độ hấp dẫn, thu hút để phát triển.

TP Thái Nguyên có đường cao tốc xuyên qua giữa thành phố về mặt hình học. Sự kết nối Đông – Tây giữa hai nửa thành phố chỉ có thể bằng cầu vượt, cầu chui. Đường Bắc Sơn kết nối lên Núi Cốc, chắc chắn sẽ phải làm nút giao với đường cao tốc, vì nút giao Thịnh Đán chỉ có 4 làn xe và toàn tuyến chỉ có 14 cống chui rộng 3,75m. Chưa kể là đường cao tốc chiếm mất quỹ đất đô thị (mất khoảng 200ha) và kinh phí chắc không nhỏ khi làm đường gom mà hiệu quả không cao về mặt phát triển không gian đô thị. Đành rằng tuân thủ quy hoạch giao thông quốc gia, nhưng sao ta không dự báo “tầm nhìn” tránh về phía Đông hoặc phía Tây, có thể đến năm 2035 hoặc xa hơn, vừa có cơ hội phát triển đô thị tốt, vừa là cơ hội cho sự phát triển cho những khu vực có đường tránh đi qua. Hiện đường tránh của ta lại đi qua giữa “nhà”.

TP Thái Nguyên phát triển bắt đầu từ công nghiệp nặng, ta có được khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên, nhà máy Cán thép Gia Sàng, Nhà máy điện Cao Ngạn, Mỏ than Khánh Hòa… ta có được sự phát triển, nhưng về quy hoạch thì có vấn đề: Trước mặt có khu Gang Thép, sau lưng có nhà máy điện, giữa đô thị có Cán thép Gia Sàng – Đã từng có những giai đoạn bụi công nghiệp phủ lên không gian ở và không khí đô thị (mặc dù chưa có số liệu đo). Có lẽ cũng phải đặt ra cho một “tầm nhìn” trong quy hoạch xây dựng phát triển thành phố. Việc di dời các khu công nghiệp ra khỏi TP là tất yếu trong tương lai, các nước công nghiệp phát triển đều phải trải qua. Các vấn đề như: Tái sinh khu đất thải mỏ than Khánh Hòa, giao thông tĩnh trong đô thị (bãi đỗ xe), vỉa hè đô thị, điểm cây xanh, mặt nước trong đô thị… cũng chưa bao giờ được đặt ra để nghiên cứu thấu đáo để giải quyết triệt để bài toán này.

Cảnh quan Đô thị Thái Nguyên

5.

Các yếu tố phần “cứng”, phần “mềm” liên quan đến quy hoạch xây dựng TP Thái Nguyên là vấn đề lớn, mang tính chất bao trùm, cần một tầm nhìn xuyên suốt, dài hạn. Trong giới hạn một bài báo, chỉ có thể “tiếp cận” sới nên vài ý, làm rõ hơn trách nhiệm của quy hoạch xây dựng cùng những người quản lý, những người làm nghề và cộng đồng. “Phát triển TP Thái Nguyên bền vững, hiện đại, xứng tầm là Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên và vùng trung du miền núi Bắc Bộ, để Thái Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm Bắc thủ đô Hà Nội và trong tứ giác tăng trưởng kinh tế ở phía Bắc” – Nội dung này luôn được nêu trong các nghị quyết và trong quyết định của các đồ án quy hoạch được duyệt. Chúng ta có chủ trương đúng là điểm tựa, vấn đề còn lại là chuyên môn sâu về quy hoạch xây dựng, cần những người làm nghề tham mưu đúng để lãnh đạo có những chủ trương quyết sách phù hợp – Để chúng ta có một đô thị thu hút, đô thị “Sống tốt”, tạo động lực để TP Thái Nguyên phát triển bền vững.