Không gian đô thị hiện hữu : Những vấn đề cần giải quyết trong phát triển TP Thái Nguyên

Tầm nhìn mang tính chiến lược cho sự phát triển chung của TP Thái Nguyên trong tương lai, tạo tiền đề phát triển bền vững và đáp ứng đô thị hóa ngày càng cao, hướng tới xây dựng TP Thái Nguyên trở thành một đô thị hiện đại xứng đáng với vị thế là đô thị trung tâm, động lực phát triển vùng Trung du miền núi Bắc Bộ… Những vấn đề nêu trên đòi hỏi Chính quyền đô thị TP Thái Nguyên cần có sự quan tâm xứng đáng và giải quyết các vấn đề từ việc cải tạo không gian đô thị trong thời gian quy hoạch đến năm 2035.

Toàn cảnh thành phố Thái Nguyên về đêm

* Quan điểm:

Đô thị Thái Nguyên vẫn đang trong quá trình phát triển, nên việc cải tạo đô thị mang tính từng phần, song hành cùng với tiến trình phát triển đô thị: “Cải tạo đô thị gắn kết với phát triển không gian đô thị, phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng hướng tới phát triển bền vững. Từng bước hoàn thiện đô thị theo hướng đảm bảo các chỉ tiêu xây dựng đô thị tương ứng với cấp đô thị”.

* Mục tiêu tổng quát phát triển Đô thị đến năm 2035:

Tìm ra phương hướng và xây dựng kế hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị hiệu quả nhất. Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị có cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội và hạ tầng kỹ thuật hiện đại, có môi trường đô thị trong sạch, phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, góp phần đẩy mạnh Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Khi xây dựng không gian đô thị mới phải gắn với cải tạo các đô thị hiện hữu để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chung. Chú trọng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái tương đồng giữa không gian đô thị hiện hữu và không gian đô thị mới nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

  • Xây dựng cơ chế khuyến khích và ưu đãi nhằm thu hút các dự án nhà ở xã hội, cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu. Nâng cao chất lượng, cải thiện điều kiện sống của nhân dân trong khu vực hiện hữu tương đương các khu vực mới phát triển.
  • Tập trung đầu tư cải tạo, chỉnh trang các đô thị phát triển lâu đời, xây dựng cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cho cả đô thị cũ cũng như đô thị mới phát triển.
  • Xác định các dự án ưu tiên đầu tư cải tạo, chỉnh trang cho đô thị trung tâm, đô thị điển hình trong giai đoạn đầu.
  • Cải tạo đô thị phải gắn với phát triển đô thị vừa gắn kết, bổ trợ lẫn nhau.
  • Cải tạo đô thị dựa trên quy mô phát triển các ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ để xác định quy mô các khu chức năng, đặc biệt là các khu ở và hệ thống cây xanh để đảm bảo phát triển bền vững.
Phố đi bộ đầu tiên của TP Thái Nguyên, đem lại nhiều giá trị về cải tạo đô thị, thương mại và văn hóa cộng đồng.

* Các giải pháp cần chú trọng cải tạo và phát triển không gian kiến trúc và cảnh quan:

Hướng tới phát triển kiến trúc – quy hoạch phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội nhằm xây dựng các đô thị theo hướng hiện đại, chất lượng cao, bền vững – phục vụ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cụ thể, cần chú trọng những nội dung sau:

  • Tái cấu trúc đô thị từ những khu đất xây dựng không hiệu quả, các khu vực dân dụng xuống cấp, lạc hậu, di dời các nhà máy xí nghiệp ô nhiễm ra khỏi đô thị, tái xây dựng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh,… Khai thác sử dụng các khu đất được chuyển đổi cho mục đích công ích đô thị có kết hợp với các hoạt động tài chính, thương mại, văn phòng, trụ sở,.. nhằm thu hút đầu tư và cải tạo mỹ quan đô thị.
  • Hình thái kiến trúc đô thị phải coi trọng nguyên tắc gắn công trình riêng lẻ với tổng thể kiến trúc của đô thị:
    • Cải tạo và xây mới theo hướng tập trung và hiện đại. Chú trọng phát triển các vùng cảnh quan trong đô thị và kiến trúc các tuyến phố, khu dân cư. Bổ sung các không gian mở, không gian cộng đồng trong các khu vực dân cư đông đúc, hạn chế phát triển thêm công trình nhà ở chung cư, nhà ở chia lô;
    • Khai thác tính thương mại của các khu vực, tuyến đường hiện hữu, kêu gọi đầu tư nhằm gia tăng giá trị thương mại đồng thời cải tạo được hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật. Lấy ví dụ: Tuyến thương mại kết hợp đi bộ đường Ga Thái Nguyên, đường Minh Cầu và phố cà phê Hoàng Hoa Thám được UBND tỉnh Thái Nguyên kêu gọi và giao cho nhà đầu tư khai thác vận hành kinh doanh gian hàng (cấp phép, nâng cao quản lý kinh doanh hàng rong), đồng thời cải tạo hạ tầng (vỉa hè, cống thoát nước, nhà vệ sinh công cộng, ngầm hóa dây điện…) tạo lập cảnh quan (trồng cây xanh, làm cổng chào, đèn trang trí, mở không gian văn hóa cộng đồng,..). Đến nay, dự án đang tiến hành chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật của dự án 3 tuyến phố lâu đời và nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
    • Ưu tiên phát triển kiến trúc hiện đại, cao tầng tại các khu vực đang tái thiết các trục đường lớn, kết hợp nhiều chức năng đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ dịch vụ đô thị cho người dân.
Khu đô thị Đội Cấn
  • Phát triển các khu vực ven đô theo hướng hiện đại, sinh thái kết hợp với tái cấu trúc, giãn dân, nhà ở xã hội nhằm tạo sự cân bằng và giảm tải hạ tầng các khu vực hiện hữu nội đô.
  • Phát triển mô hình khu ở cho xã hội đáp ứng nhu cầu của số đông dân cư trong đô thị cũng như làn sóng di cư cơ học. Một số khu chung cư mới được xây dựng thay thế các khu chung cư cũ xuống cấp của thành phố đã góp phần cải tạo, tái thiết đô thị như chung cư Phủ Liễn – TECCO. Tuy nhiên, khi thu hút đầu tư mạnh các loại hình nhà ở sẽ gây áp lực lên hệ thống hạ tầng các khu vực đô thị hiện hữu, vì vậy cần có quy hoạch nhà ở kết hợp cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu vực này nhằm nâng cao giá trị từ việc cải tạo đô thị.

* Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng

Quy hoạch hạ tầng xã hội:

  • Nhà ở: Lập các chương trình phát triển nhà ở cho các đô thị, đặc biệt là nhà ở cho các hộ có thu nhập thấp, nhà ở cho người nghèo. Khuyến khích các nguồn vốn đầu tư vào nhà ở xã hội, phấn đấu đạt chỉ tiêu nhà ở Đô thị từ 20-25m2 sàn /người vào năm 2020.
  • Công trình công cộng dịch vụ:
    • Tổ chức thành mạng lưới gắn kết các khu chức năng của đô thị và các khu dân cư, có phân cấp phục vụ tương ứng. Chú trọng đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ công cộng, văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, dịch vụ, giải trí… Ưu tiên đầu tư những công trình xã hội cơ bản còn thiếu cho các khu dân cư cũ, đảm bảo bán kính phục vụ theo quy định;
    • Tổ chức các không gian đô thị xanh nhằm cải thiện môi trường không khí, điều kiện sống, thụ hưởng không gian tự nhiên cho người dân đô thị;
    • Tổ chức các không gian sinh hoạt cộng đồng phục vụ nhu cầu văn hoá văn nghệ, kỷ niệm các ngày lễ, ngày hội, sinh hoạt vui chơi giải trí cho các cháu thiếu nhi, thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi và đám cưới, đảm hỏi, đám hiếu,… phù hợp với văn hoá truyền thống dân tộc.
Trung tâm thương mại Đông Á

Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật

  • Giao thông:
    • Hệ thống đường đô thị: Cải tạo, xây dựng các tuyến đường Đô thị theo QH được duyệt theo hướng đồng bộ từ lòng đường, vỉa hè, giải phân cách (nếu có), hệ thống thoát nước, cấp nước, cấp điện. Tập trung thu hút đầu tư tư nhân, vốn tài trợ,kinh phí trung ương, xây dựng các nút giao thông lập thể nhằm giải quyết triệt đề ùn tắc và an toàn giao thông tại các nút giao thông quan trọng của đô thị.
    • Hệ thống đường dân sinh, nội bộ khu dân cư: Căn cứ vào quy hoạch, thiết kế đô thị các khu dân cư hiện hữu và quy định phân cấp, phân loại đường dân sinh được ban hành, chính quyền địa phương lập kế hoạch, bố trí vốn thực hiện nâng cấp các tuyến đường dân sinh, nội bộ khu dân cư hiện hữu. Tập trung hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp sức mở rộng đường ngõ, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh,… đảm bảo tiêu chí tuyến phố văn minh đô thị.
    • Hiện nay Thiết kế đô thị và chỉnh trang một số tuyến đường, khu phố quan trọng của TP Thái Nguyên như Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Minh Cầu,.. đang được lập, thể hiện sự quan tâm, đầu tư của các cấp quản lý đối với công tác cải tạo chỉnh trang đô thị hiện hữu. Bên cạnh đó, Dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị TP Thái Nguyên thuộc dự án nâng cấp các đô thị miền núi phía Bắc Việt Nam vốn vay Ngân hàng thế giới WB đã và đang thực hiện tốt góp phần cải tạo, đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng ở một số tuyến phố nội đô TP Thái Nguyên.
    • Tiếp tục đẩy mạnh, hoàn thiện hệ thống xe buýt công cộng. Phát triển thêm các loại hình vận tải công cộng hiện đại, thân thiện với môi trường.
    • Cải tạo và phát huy năng lực vận tải của hệ thống đường sắt, giao thông đường thuỷ nội địa.
Trục đường Hoàng Văn Thụ

Chào mừng 55 ngày thành lập TP Thái Nguyên và thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TP Thái Nguyên, hy vọng rằng những ý kiến đóng góp sẽ hữu ích đối với các cấp quản lý đô thị TP Thái Nguyên để đề xuất được những quan điểm, giải pháp và sự quan tâm đúng mức trong cải tạo đô thị, thực hiện Quy hoạch mở rộng TP Thái Nguyên, xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, bền vững.