Sau 70 năm giành độc lập, diện mạo Hải Dương – tỉnh Đông nghèo xưa kia nay đã đổi thay, làm ngỡ ngàng nhiều người đi xa lâu mới trở lại…

Sau 70 năm giành độc lập, diện mạo Hải Dương – tỉnh Đông nghèo xưa kia nay đã đổi thay, làm ngỡ ngàng nhiều người đi xa lâu mới trở lại…

Đường Trường Chinh mới được xây dựng, trở thành một tuyến đường trục chính của TP Hải Dương

Phát triển theo quy hoạch

Gần 20 năm sau ngày tái lập tỉnh, cùng với công tác quy hoạch, tỉnh ta đã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng các đô thị hạt nhân, trong đó xây dựng TP Hải Dương đạt đô thị loại II, xây dựng Chí Linh đạt đô thị lại III và phát triển huyện Kinh Môn lên thị xã.

Từ cuối năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 24-2-2012, đồ án chính thức được công bố. Đây chính là cơ sở định hướng cho sự phát triển các đô thị Hải Dương tới năm 2030, một số đô thị có tầm nhìn tới năm 2050. Trên cơ sở quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương, tới năm 2020, tỉnh tập trung các nguồn lực hoàn thiện phát triển cơ sở vật chất cho 5 đô thị động lực của tỉnh gồm: TP Hải Dương lên đô thị loại I, thị xã Chí Linh lên thành phố trực thuộc tỉnh, huyện Kinh Môn thành thị xã, thị trấn Gia Lộc và thị trấn Kẻ Sặt trở thành đô thị loại IV.

Hướng tới mục tiêu đó, TP Hải Dương đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian rộng gấp 4 lần thị xã trước đây. Thành phố xây dựng 3 khu đô thị mới phía đông, phía tây và phía nam cùng hàng chục khu đô thị vừa và nhỏ khác, tổng diện tích các khu đô thị mới lên tới trên 1.500 ha. Thành phố đã ký hợp đồng tư vấn với nhà thầu Niken Sekei (Nhật Bản) điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng TP Hải Dương trở thành đô thị loại I, đặc trưng “xanh, văn minh, hiện đại”. Thành phố được mở rộng về 5 hướng theo hình ngôi sao với 5 đô thị vệ tinh là Gia Lộc, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và Lai Cách (Cẩm Giàng). Thành phố mới sẽ phát triển dọc theo 2 con sông chính là sông Thái Bình và sông Sặt. Dự kiến giai đoạn từ năm 2015 -2020, thành phố sẽ đầu tư trên 13.000 tỷ đồng để đạt các tiêu chí đô thị loại I trước năm 2020.

Từ khi được Chính phủ nâng cấp thành thị xã (tháng 12 – 2010), gần 5 năm qua, thị xã Chí Linh đã quy hoạch mở rộng đô thị Sao Đỏ, Phả Lại và Bến Tắm. Thị xã đã huy động hơn 6.000 tỷ đồng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, chủ yếu ở đô thị lõi, khu vực thị trấn Sao Đỏ trước đây và một số khu vực lân cận. Thị xã cũng quy hoạch và xây dựng 5 khu đô thị mới với tổng diện tích gần 200 ha. Hiện nay, khu công nghiệp Cộng Hòa bắt đầu thu hút nhà đầu tư. Khu du lịch tâm linh Côn Sơn- Kiếp Bạc, khu tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An với các dự án trọng điểm về du lịch theo định hướng của Chính phủ đang phát triển tốt. Bộ Xây dựng vừa quyết định công nhận thị xã Chí Linh là đô thị loại III.

Những năm gần đây, chuỗi thị trấn Kinh Môn – Minh Tân – Phú Thứ (Kinh Môn) đã được quy hoạch và kết nối hạ tầng để đạt các tiêu chí đô thị loại IV. Các thị trấn trong huyện đang được đô thị hóa cao, là tiền đề để Kinh Môn trở thành thị xã trong thời gian tới. Cùng với Kinh Môn, theo định hướng của tỉnh, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) cũng sẽ mở rộng ra 5 xã lân cận với diện tích gấp 10 lần hiện nay, tích cực thu hút nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển thành đô thị loại IV.

Tiếp tục mở rộng

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Kinh Môn sắp trở thành thị xã. Ảnh: Thành Chung

Hiện nay toàn tỉnh có 13 đô thị. Theo quy hoạch đến năm 2020 sẽ có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I là TP Hải Dương, 1 đô thị loại III (TP Chí Linh), 3 đô thị đạt tiêu chí loại IV (Kinh Môn, Kẻ Sặt, Gia Lộc), 13 đô thị loại V, trong đó có 8 thị trấn cũ là: Cẩm Giàng, Lai Cách, Phú Thái, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và 5 thị trấn mới là Thái Học (Bình Giang), Tân Trường (Cẩm Giàng), Nghĩa An (Ninh Giang) và Nguyên Giáp, Hưng Đạo (Tứ Kỳ).

Từ năm 2016, TP Hải Dương sẽ chuyển trục giao thông khi tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hoàn thành. Phía tây thành phố phát triển mạnh trên các trục đường Trường Chinh, đường 62 m. Khu vực tiếp giáp giữa TP Hải Dương và huyện Gia Lộc sẽ đô thị hóa nhanh. Trung tâm y tế, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ, đô thị… phía nam sông Sặt đang hình thành và phát triển. Chính phủ đã cho phép nơi đây được quy hoạch xây dựng thêm các khu công nghiệp, khu đô thị mới sẽ thúc đẩy đô thị hóa khu vực xung quanh thị trấn Gia Lộc nhanh hơn.

Để đến năm 2020 trở thành  thành phố thuộc tỉnh, dự kiến 5 năm tới, thị xã Chí Linh sẽ huy động các nguồn lực, đầu tư gần 10.000 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Khi tuyến cao tốc Nội Bài – Hạ Long với nút giao Chí Linh hoàn thành đưa vào sử dụng cũng là cơ hội phát triển mới phát triển cho vùng đất này.

Dự kiến đến khi được công nhận trở thành thị xã, Kinh Môn sẽ có quy mô dân số trên 10 vạn người. Thị trấn Kẻ Sặt mở rộng, kết hợp với các khu vực phát triển công nghiệp, dịch vụ trong khu vực phía tây của tỉnh sẽ phát triển thành đô thị loại IV và thành thị xã vào năm 2020, quy mô dân số khoảng 5 -7 vạn người. Thị trấn Phú Thái (Kim Thành) phát triển thành đô thị loại IV trước năm 2025 với quy mô dân số khoảng 5 – 7 vạn người. Thị trấn Ninh Giang phát triển dọc lên phía bắc theo hướng quốc lộ 37 đến Nghĩa An, phấn đấu lên đô thị loại IV, trở thành thị xã vào năm 2025. Thị trấn Thanh Miện trước hoặc sau năm 2025 có thể phát triển lên đô thị loại IV. Các đô thị trong giai đoạn này được tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp để đạt tiêu chuẩn theo 49 tiêu chí quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 7-5-2009 của Chính phủ về phân loại đô thị.

Theo dự kiến, đến năm 2025 tỉnh ta có 21 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I (TP Hải Dương), 2 đô thị loại III (Chí Linh, Kinh Môn), 5 đô thị loại IV (Kẻ Sặt, Gia Lộc, Lai Cách, Phú Thái, Nam Sách), 13 đô thị loại V (gồm 10 đô thị hiện tại là: Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Thái Học, Tân Trường, Nguyên Giáp, Nghĩa An, Hưng Đạo và 3 đô thị mới dự kiến nâng cấp là Thanh Quang, Đoàn Tùng, Dân Chủ).

Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tâm của tam giác tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nằm trong hành lang giao thương quốc tế, có hệ thống đô thị phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại… Mạng lưới đô thị Hải Dương đã và đang tạo dựng được tiền đề để trong tương lai là vùng công nghiệp, du lịch, dịch vụ quan trọng của cả nước.