Tam Đảo rất gần tới chuẩn nông thôn mới

Tam Đảo là huyện điển hình miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc. Điểm nổi bật của Tam Đảo là có vườn Quốc gia (VQG) được coi là “Đà Lạt của miền Bắc” nằm trên địa bàn huyện.

Đường rộng thoáng

Mới thành lập năm 2003, Tam Đảo còn bộn bề công việc và bộn bề khó khăn. Địa hình dốc cao, dân cư thưa thớt, trình độ canh tác lạc hậu, nhất là ở các xã có nhiều bà con người dân tộc thiểu số sinh sống. Đó chính là cái khó lớn nhất, khi Tam Đảo bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhưng Tam Đảo cũng được trời phú cho nền khí hậu tuyệt vời để phát triển SX nông nghiệp, nhất là cây trồng ưa lạnh…

Tam Đảo có tổng diện tích 23.469,88 ha, trong đó diện tích SX nông nghiệp chỉ có 5.417 ha. Diện tích lâm nghiệp chiếm 14.725,34 ha. Dân số có 80.041 người, với 21.520 hộ. Hộ sống ở khu vực nông thôn 21.252 hộ. Hộ ở khu vực thành thị chỉ có 268 hộ. Là huyện miền núi cao, có rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, như Mán, Nùng, Dao… Đặc biệt đông nhất là dân tộc Sán Dìu. Ở tất cả các xã, dân tộc Kinh cùng sinh sống với các dân tộc anh em.

Cũng vì đại đa số là cư dân ở khu vực nông thôn, kể cả khu vực núi cao, phần lớn đất bạc màu, manh mún, nhỏ lẻ, nên canh tác đa phần lạc hậu, năng suất thấp. Một cố gắng lớn của Tam Đảo, là quyết tâm xây dựng giao thông nông thôn, để khắc phục tình trạng xa cách, đi lại khó khăn, cản trở SX nông nghiệp và làm kinh tế ở địa phương.

Mấy năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã bắt đầu thuận tiện, đảm bảo kết nối với các xã. Số km đường huyện được cứng hóa đạt tỷ lệ 100% và đạt chuẩn theo quy hoạch. Có bến xe khách tại trung tâm huyện, có điểm dừng, đỗ xe buýt dọc theo quốc lộ qua địa bàn huyện, đạt tiêu chí theo quy định.

Là một huyện chủ yếu SX nông nghiệp, nên Tam Đảo trong mấy năm gần đây, đã có sự bứt phá, đầu tư cây, con đặc sản để đưa ra thị trường trong, ngoài tỉnh. Ngoài các sản phẩm độc đáo, có giá trị tại địa phương như mật ong rừng, đặc sản thú rừng nuôi thả vườn, mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Bồ Lý, Tam Đảo còn có một sản phẩm “độc đáo” chỉ riêng Tam Đảo mới có, hay nói đúng hơn, mới là đặc sản, khác hẳn được trồng ở nơi khác.

Đó là rau su su Tam Đảo. Hiện nay huyện đã có mô hình HTX rau Thanh Hà, SX rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Hồ Sơn, liên kết SX theo chuỗi giữa các hộ dân, ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Hiện nay HTX rau Thanh Hà đã có nơi chế biến, bảo quản rau đông lạnh để xuất khẩu ra nước ngoài. Rau su su của Tam Đảo được coi là “Vua của các loại rau” đảm bảo độ thơm ngon với hương vị đặc biệt, độc đáo, nhờ được trồng ở nơi có khí hậu lạnh, không khí trong lành của vùng núi cao, mà chỉ riêng Tam Đảo mới có.

10-43-47_img_0004
Sản xuất nông nghiệp ở Tam Đảo

Trong quá trình xây dựng NTM, ngày 15/3/2018 vừa qua, Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM huyện tổ chức hội nghị để xét và công nhận các xã đạt chuẩn NTM năm 2017. Toàn huyện đã có 5/8 xã đạt chuẩn NTM.

Trong 3 xã đang về đích, thì 2 xã đã đạt 19/19 tiêu chí, chuẩn so quy định, là xã Tam Quan và xã Đại Đình (các xã này còn nợ đọng xây dựng cơ bản, nên chưa được chính thức công nhận). Còn lại, xã Đạo Trù đạt 17/19 tiêu chí. Theo tiến trình xây dựng NTM, thì khả năng đến hết quý II/2018, sẽ có 100% số xã ở Tam Đảo đạt chuẩn NTM theo quy định.