(TN&MT) – Nạn khai thác cát sỏi trên sông Cầu đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên đã được chính quyền từ tỉnh đến xã kiên quyết ngăn chặn, giữ gìn môi trường cho dòng sông yên ả nhiều năm nay. Tuy nhiên, mới đây, theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường thì hoạt động khai thác cát sỏi trái phép lại tái diễn.
Theo chỉ dẫn của nhân dân các xã Thượng Đình, xã Nhã Lộng và Bảo Lý, huyện Phú Bình, phóng viên của Báo Tài Nguyên và Môi trường đã đến được bờ sông Cầu đoạn chảy qua soi cát xóm Đồi, xã Nhà Lộng để ghi trực tiếp hình ảnh sôi động hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên dòng sông Cầu. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng máy nổ rền vang khúc sông Cầu uốn lượn nên thơ. Tới gần, tàu cuốc đang vung gầu thép cào cấu, moi gan, móc ruột lòng sông. Nước đục ngầu. Sỏi, cát theo gầu chảy thẳng xuống xà lan đã há miệng đợi sẵn kế bên tàu cuốc. Cứ như vậy, nhóm người lao động rất hối hả đẩy xà lan về phía bến cát. Họ nhanh chóng đến vội vã xúc lên băng tải, chuyền thẳng lên thùng xe tải đã đợi sẵn.
Do mùa này sông vẫn ít nước, nên những người khai thác cát sỏi đã đắp sẵn con đường đá sỏi nổi gồ khá công phu và quy mô trên lòng sông dài hàng trăm mét để cho xe vận tải cõng sỏi, cát lên bờ. Sau khi nắm được hình ảnh, phóng viên đã thông tin tới ngành chức năng của huyện Phú Bình. Ngay tức khắc, lãnh đạo phòng tài nguyên và môi trường huyện Phú Bình đã bốc máy gọi ríu ran cho cơ sở để kiểm chứng thông tin và hình ảnh do phóng viên nêu. Thấy nghi vấn nên đồng thời các ông trưởng và phó phòng tài nguyên và môi trường huyện Phú Bình đã gọi báo cho công an huyện phối hợp với cán bộ phòng cùng phóng viên đến hiện trường.
Vào thời điểm đoàn liên ngành của huyện Phú Bình tiếp cận hiện trường khai thác cát sỏi, phát hiện cán bộ, những người trực tiếp tham gia khai thác lập tức lên thuyền nhỏ di tản rất nhanh sang bờ bên kia sông Cầu. 2 xe tải trực tiếp tham gia vận chuyển cũng nổ máy di chạy. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã kịp ngăn chặn, tạm giữ lại lập biên bản hiện trường. Chủ tàu quốc đã xuất hiện. Ông Nguyễn Bá Hải ở xóm Đồi, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình là chủ của tàu quốc, các xà lan, băng tải tời cát, 2 xe ô tô tải. Ông Hải đã cho biết lí do khai thác cát sỏi: “Do gia đình cần cát sỏi để đổ 1 cột điện nên ra sông, đoạn đất của gia đình lấy tự nhiên nhưng không báo chính quyền. Hành vi này là sai nên xin đoàn liên ngành tha cho lần đầu.”
Bị bắt quả tang thì người vi phạm có muôn ngàn lí do để nêu ra. Tuy nhiên căn cứ vào thực tiễn và quá trình theo dõi nắm bắt thông tin từ nhân dân cho biết thì hoạt động khai thác cát sỏi đã diễn ra không phải chỉ ngày 4/4/2018 như lời ông Hải nói. Căn cứ vào hiện trường khu vực khai thác, con đường vận chuyển, phương tiện khai thác, phương tiện vận chuyển đều rất hiện đại có quy mô công nghiệp. Điều đáng nói ở đây là hoạt động rầm rộ này, với nhiều xe tải vận chuyển chạy quay khu dân cư lại không được chính quyền, hoặc lực lượng chức năng nào phát hiện trước khi có sự phản ánh của phóng viên.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên khẳng định như đinh đóng cột: “Chính quyền cấp cơ sở không nắm được thông tin tại địa bàn có hoạt động khai thác cát sỏi trái phép. Nếu có hiện tượng khai thác cát sỏi trái phép thì chúng tôi vào cuộc xử lí ngay.”
Được biết và ghi nhận thời gian qua, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên cùng các huyện đã tích cực đôn đốc, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sỏi tại các điểm nóng ở nhiều khu vực trên sông Cầu và sông Công. Tuy nhiên, đối với xã Nhã Lộng thì sự việc nêu trên không phải mới diễn ra lần đầu tiên hay lần thứ hai. Việc chính quyền cấp xã thờ ơ, buông lỏng quản lí, cố ý làm ngơ cho cát tặc lộng hành tại địa bàn là điều khiến nhân dân nghi ngờ? Sự tích cực của cấp huyện cũng rất đáng nể vì sau nhiều lần xử lí ngăn chặn “cát tặc” thì vẫn còn nguyên hiện trường tàu quốc và phương tiện hỗ trợ khai thác chưa được tháo dỡ. Đây là điều kiện lí tưởng cho việc tái diễn khai thác cát sỏi trên dòng sông Cầu. Mặt khác, căn cứ nội dung Đề án tăng cường quản lí nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã nêu rõ, nếu địa phương nào để xảy ra nạn khai thác khoáng sản trái phép thì lãnh đạo cấp xã phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện, lãnh đạo cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh.v.v. Vậy nhưng cái sự chịu trách nhiệm ấy hình như chỉ có trong đề án?
Được biết thêm, dòng sông Cầu đoạn chảy qua địa phận tỉnh Thái Nguyên đã được khoanh vùng cấp phép khai thác mỏ cát sỏi làm vật liệu xây dựng cho khá nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ. Cũng nhờ cách thức cấp mỏ cho doanh nghiệp để dễ quản lí mà tình trạng khai thác cát sỏi trái phép đã thuyên giảm nhưng chưa phải đã hết. Nhiều vấn đề phức tạp vẫn nảy sinh xung quanh các mỏ khai thác cát sỏi khiến nhân dân bức xúc. Do vậy rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thái Nguyên để đảm bảo an ninh trật tự địa phương, tạo lòng tin cho nhân dân. Đồng thời góp phần bảo vệ đất đai, soi bãi và môi trường lưu vực sông Cầu.