Thái Nguyên: Sự cần thiết thực hiện Dự án tôn tạo Khu di tích lịch sử TNXP Đại đội 915

(Xây dựng) – Mặc dù giai đoạn 2 Dự án Xây dựng Khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915 tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên mới đang trong quá trình hoàn thiện nhưng đã bộc lộ nhiều vấn đề đòi hỏi phải tiếp tục trùng tu tôn tạo để tương xứng với giá trị lịch sử vốn có.


Phối cảnh công trình tôn tạo Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915.

Khu di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 (phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên) là một trong những chứng tích hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nơi đây ghi dấu sự hy sinh của 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Thái Nguyên (trước là Bắc Thái) tại ga Lưu Xá, đêm Noel năm 1972, trong khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ, vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam chống đế quốc Mỹ.

Năm 2008, Khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2009, Đại đội 915 được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – đơn vị có thành tích đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Với ý nghĩa là nơi tham quan, chiêm bái, tưởng nhớ các liệt sỹ TNXP, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, năm 2010, Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích được tỉnh phê duyệt có diện tích 1.746,3m2 với các hạng mục như xây dựng: Đền thờ liệt sĩ, nhà phụ trợ, phù điêu, lầu chuông và một số hạng mục quan trọng khác với tổng mức kinh phí dự kiến khoảng 95 tỷ đồng.

Giai đoạn I, Dự án được giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Nguyên làm chủ đầu tư triển khai thi công từ năm 2012 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 04 hạng mục: Nhà tưởng niệm; nhà bia; lầu chuông, lầu khánh và sân hành lễ với tổng kinh phí đầu tư hơn 34,5 tỷ đồng.

Giai đoạn II của Dự án gồm các hạng mục: Xây dựng quảng trường trung tâm với diện tích 4.500m2; 6 trụ huyền thoại bằng đá nguyên khối; hồ nước và cầu đá bắc qua hồ với diện tích khoảng 1.000m2; nhà bảo vệ; am hóa vàng; nhà vệ sinh… và các hạng mục phụ trợ khác như: bãi đỗ xe, sân đường nội bộ, cổng, tường rào, hệ thống cấp thoát nước ngoài nhà, bể chứa nước, hệ thống cấp điện trong và ngoài nhà, bồn hoa, cây xanh… được giao cho Tỉnh Đoàn Thái Nguyên thực hiện với tổng kinh phí 26,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp cho Trung ương Đoàn.


Lễ khởi công Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích TNXP Đại đội 915 giai đoạn 2 năm 2016.

Tính tới tháng 3/2018 các hạng mục thuộc dự án giai đoạn 2 đã hoàn thiện khoảng 90%, bao gồm: hồ nước; nhà bảo vệ; cổng, sân vườn; bể nước ngầm; hệ thống điện tổng thể; cấp thoát nước; phòng cháy, chữa cháy… Các hạng mục chưa hoàn thiện gồm: trụ huyền thoại; rãnh thoát nước; hàng rào và nhà vệ sinh.

Ngày 19/3/2018, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên có Thông báo số 1530/TB/TU về chủ trương định hướng tôn tạo, phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915.

Tiếp đó, UBND tỉnh Thái Nguyên và các ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, trong đó tổng mặt bằng Khu di tích sẽ được điều chỉnh mở rộng từ 1,45ha hiện tại lên 4,8ha kết nối với Đền thờ Túc Duyên (thờ phu nhân Dương Tự Minh) tạo thành quần thể di tích lịch sử, tâm linh TP Thái Nguyên.

Trước luồng ý kiến lo ngại về việc triển khai dự án nói trên, chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rằng: Mặc dù Giai đoạn 2 Dự án Xây dựng Khu di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên mới đang trong quá trình hoàn thiện nhưng đã bộc lộ nhiều vấn đề đòi hỏi phải tiếp tục trùng tu tôn tạo để tương xứng với giá trị lịch sử vốn có.


Nhà tưởng niệm không đảm bảo tiếp cận cho người tàn tật.

Cụ thể, về tổng thể: Do Khu di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 và Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên nằm trong một tổng thể về quy hoạch hạ tầng, không gian. Các công trình của Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên có khối tích lớn, ngôn ngữ kiến trúc không đồng điệu với các hạng mục kiến trúc của Khu tưởng niệm đang ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan kiến trúc chung. Không những thế, các hoạt động của thanh thiếu nhi tại Trung tâm như vui chơi, múa, hát, bơi… không phù hợp với tính chất trang nghiêm của Khu tâm linh.

Khu di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 nằm gần với đền Túc Duyên cũng là một công trình tâm linh quan trọng của TP Thái Nguyên nhưng chưa tạo được sự gắn kết về không gian kiến trúc và hạ tầng cơ sở nhằm phát huy những giá trị lịch sử hiện hữu để có thể trở thành một quần thể Khu du lịch tâm linh mang tầm cỡ quốc gia.

Về kiến trúc công trình hiện tại: Ý tưởng khai thác kiến trúc nhà sàn dân tộc là ý tưởng tốt (khác với ý tưởng lấy ngôn ngũ đình – chùa); tuy nhiên nhà sàn không dùng cột vuông, ngói vẩy, bậc đi (ở bên hông nhà) ở giữa.

Bên cạnh đó, công trình hiện tại không đảm bảo tiếp cận cho người tàn tật – trong khi khu thắp hương thờ tự lại nằm tại tầng 2 cao so với mặt sân tới gần 4m. Vật liệu ngoại thất chủ yếu bằng đá và thép chưa tạo được sự hài hòa, độ ấm của không gian tâm kinh. Trục tổ chức không gian đâm thẳng tạo cảm xúc không tốt.

Trong khi đó, quần thể thiếu các hạng mục công trình hỗ trợ như chỗ đỗ xe, nhà tiếp đón, nhà truyền thống và thông tin, nơi trưng bày các di vật để người đến tham quan dâng hương được tìm hiểu kỹ hơn về lịch sử của Khu tưởng niệm…


Liền kề với không gian tâm linh – nơi thắp hương thờ tự là một không gian sôi động – Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên.

Với những lý do nêu trên, có thể thấy việc trùng tu, tôn tạo toàn thể Khu di tích lịch sử TNXP Đại đội 915 là cần thiết.

Mặc dù đã có một phương án được chọn, tuy nhiên, một số chuyên gia xây dựng vẫn cho rằng tỉnh Thái Nguyên cần cân nhắc kỹ để có một thiết kế tổng thể hài hòa, tránh việc sẽ phải tiếp tục tôn tạo Khu di tích lịch sử TNXP Đại đội 915; hướng tới một Khu di tích sinh động, có sức truyền cảm cho khách tham quan…


Một trong nhiều phương án kiến trúc được các KTS Thái Nguyên thể hiện.

Nguyễn Thành