Thành tựu 20 năm ngành Xây dựng Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh được tái lập từ ngày 01/01/1997 theo Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà phát triển cho quê hương Bắc Ninh trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh đó, Sở Xây dựng Bắc Ninh cùng các đơn vị trong ngành được hình thành. Những người tham gia đầu tiên đến bây giờ còn nhớ rõ những khó khăn, thử thách to lớn của thời gian đó: Từ con người đến cơ sở vật chất đều hết sức thiếu thốn. Những người Xây dựng cùng với nhân dân trong tỉnh bắt đầu công cuộc tái thiết và phát triển từ một tỉnh nông nghiệp, hệ thống đô thị nhỏ bé và lạc hậu. Đến nay, sau 20 năm, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, bộ mặt đô thị khang trang theo hướng hiện đại, nhiều chỉ tiêu của ngành Xây dựng đạt mức cao so với bình quân cả nước như: Tỷ lệ quy hoạch chung đô thị và nông thôn, diện tích nhà ở, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn được sử dụng nước máy sạch, tốc độ đô thị hóa,v.v…

 

Toàn cảnh trường PTTH Chuyên Bắc Ninh

 

I. Những kết quả chủ yếu đạt được sau 20 năm

Từ khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh đã luôn coi quy hoạch là một nhiệm vụ trọng tâm. Căn cứ Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh qua các kỳ Đại hội và trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, công tác quy hoạch luôn được đi trước một bước. Bộ khung về quy hoạch toàn tỉnh từng bước được hình thành, làm cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, 100% diện tích đất tự nhiên được phủ kín quy hoạch xây dựng, từ vùng tỉnh đến các đô thị, công nghiệp, quy hoạch xã nông thôn mới, trong đó đô thị lõi được quy hoạch với quy mô phát triển thành đô thị loại I. Ba chương trình lớn của tỉnh gồm Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển công nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới đều được xây dựng kế hoạch đồng bộ về nội dung, lộ trình, phương thức thực hiện, đồng thời đảm bảo gắn kết chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện nhằm mục tiêu xây dựng Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015 và xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI theo hướng “Hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa và bền vững”.

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng, các đô thị phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ với tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% năm 1997 lên đến gần 30% năm 2016. Hệ thống đô thị được mở rộng với diện tích khoảng 205 km2 (tăng hơn 8 lần so với năm 1997). Đến nay, toàn tỉnh có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 6 đô thị loại V, gần 64 khu đô thị và hơn 200 khu nhà ở, khu dân cư dịch vụ được quy hoạch với tổng diện tích khoảng 6.700 ha, trong đó nhiều khu đã và đang được xây dựng, đưa vào sử dụng. Quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị được chú trọng với việc hoàn thiện Bộ khung công cụ quản lý từ quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đến các quy định phân công, phân cấp, các quy định về chế tài và quy chế quản lý cho từng đô thị,… nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nhiều tuyến đường chính trung tâm được thiết kế đô thị, chỉnh trang, nhiều tòa nhà tổ hợp đa chức năng được mọc lên cao tầng tại thành phố Bắc Ninh, tạo điểm nhấn về diện mạo kiến trúc. Bộ mặt đô thị thay đổi toàn diện với từng đô thị, khu đô thị, từng khu phố với không gian, kiến trúc, cảnh quan rộng mở, đa dạng theo hướng xanh – sạch – đẹp, khả thi với tương lai trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào những năm 20 của thế kỷ 21.

Toàn cảnh khu tổ hợp SamSung, thuộc khu công nghiệp Yên Phong

 

Description: dsc-5556-jpg

Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được tập trung đầu tư, từng bước đồng bộ và hiện đại, bắt kịp tốc độ đô thị hóa. Khi tái lập tỉnh, hệ thống các công trình hạ tầng manh mún, nhỏ bé, ít ỏi, coi như bắt đầu từ con số không, đến nay đã có trên 400 Km đường đô thị với mặt cắt từ 19,5m trở lên, đô thị nào cũng có đại lộ mặt cắt trên 40 m, đồng bộ về cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại. Công trình thoát nước và xử lý nước thải, xử lý rác thải được đầu tư xây dựng (ĐTXD) mạnh mẽ; đưa vào sử dụng Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho 2 đô thị lớn với tổng công suất xử lý khoảng 30.000m3/ngày đêm; trên 80% các khu công nghiệp (KCN) đã được thu gom và xử lý nước thải. Lĩnh vực cấp nước được xây mới 39 nhà máy cấp nước sạch với tổng công suất 140.000m3/ngày.đêm, đảm bảo 100% đô thị được cấp nước máy sạch với 80% dân số sử dụng; 100% các xã, phường đều có nước máy sạch sử dụng vào đầu năm 2017. Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn cũng được quan tâm đầu tư với 546 điểm tập kết, trung chuyển rác thải nông thôn, trên 95% rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn, 100% rác thải công nghiệp được thu gom; 8 cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt với tổng công suất xử lý là 500 tấn/ngày.đêm, hiện đang thêm 03 khu xử lý rác thải tập trung cấp huyện, khi hoàn thành đảm bảo xử lý trên 95% rác thải đô thị và trên 80% ở nông thôn.

Hệ thống công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, trung tâm thương mại… cũng được đầu tư lớn. 100% các huyện, thị xã, thành phố được nâng cấp bệnh viện theo hướng hiện đại; 80% các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Nhiều công trình quan trọng như: Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Thư viện tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Trường Chuyên Bắc Ninh; công viên Nguyên Phi Ỷ Lan, công viên Văn Miếu, tượng đài Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Đài tưởng niệm các anh hùng Liệt sỹ; nhà thi đấu đa năng tỉnh; các trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện; các toà nhà tổ hợp cao tầng; công sở, văn phòng và nhiều công trình công cộng khác mọc lên đáp ứng nhu cầu mọi mặt của nhân dân, đồng thời tạo nên diện mạo đô thị khang trang với sức sống mới!

Bên cạnh đó, 16 KCN, 30 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó 9 khu hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%, hoạt động kịp thời đã đưa tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Nhiều mô hình công nghiệp – đô thị tiêu biểu như KCN Yên Phong, VSIP, Tiên Sơn, Quế Võ,… đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư và hiệu quả trong sử dụng đất.

Quy hoạch nông thôn cũng được triển khai kịp thời gắn với quy hoạch phát triển đô thị, trung tâm xã được quy hoạch từ những năm 2005 (tỉnh Bắc Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước phủ kín quy hoạch trung tâm xã), quy hoạch toàn xã được hoàn thành 100% vào năm 2013, làm cơ sở cho việc triển khai ĐTXD theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa 58 đơn vị cấp xã, 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ cũng được quy hoạch, đầu tư với các khu đại học, khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm Logistics, cảng ICD, khách sạn, trung tâm thương mại,… làm cơ sở thu hút các loại hình đầu tư vào các lĩnh vực này, góp phần phát triển thương mại, dịch vụ gắn với kinh tế đô thị. Trên cơ sở quy hoạch, phần lớn các đô thị đều có các siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt là hai đô thị lớn đang mọc lên nhiều tổ hợp thương mại, khách sạn, văn phòng với nhiều toà nhà cao tầng, hiện đại, tạo thành những điểm nhấn về kiến trúc đô thị.

Công tác phát triển nhà ở được đẩy mạnh, đặc biệt là Chương trình phát triển nhà ở xã hội. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo ở nông thôn về nhà ở năm 2010 dẫn đầu cả nước với thành tích xây dựng hơn 2000 căn nhà, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch quốc gia; hiện nay đã hoàn thành giai đoạn II với 684 căn nhà, về đích sớm 4 năm so với kế hoạch quốc gia. Công tác hỗ trợ gia đình có công với cách mạng về nhà ở đã hoàn thành xây dựng được hơn 2.300 căn nhà. Trong 20 năm, đã xây dựng và đưa vào sử dụng 196.746m2 nhà ở công nhân, 59.630m2 nhà ở sinh viên, 16.315m2 nhà ở thu nhập thấp đô thị; đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị ĐTXD khoảng 389.512m2 sàn nhà ở xã hội khác. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,2m2 nhà ở/người, cao hơn 20% so với mức bình quân cả nước.

Về vật liệu xây dựng, đã đạt được bước đột phá về hạn chế phát triển vật liệu đất sét nung với việc xoá bỏ loại lò nung gạch thủ công từ năm 2010, chấm dứt phát triển loại lò vòng. Cùng với đó khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu không nung và các loại vật liệu khác. Theo đó, 02 nhà máy sản xuất gạch không nung bằng công nghệ bê tông khí trưng áp với công suất khoảng 210 triệu viên quy chuẩn/năm được xây dựng và phát huy tác dụng. Nhiều nhà máy sản xuất bê tông, cấu kiện xây dựng và vật liệu xây dựng hoàn thiện được đầu tư và hoạt động, đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn.

Với quy mô và tốc độ phát triển như vậy, công tác hướng dẫn triển khai pháp luật và kiểm tra xử lý vi phạm được chú trọng, tăng cường và nâng cao về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác cải cách hành chính với nhiều giải pháp đột phá, nhất là giai đoạn 2011 – 2016, từ việc giải quyết công việc theo cơ chế “Một cửa”, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, đến  việc đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, đối thoại doanh nghiệp cùng với đổi mới phong cách, thái độ làm việc của công chức đã mang lại sự hài lòng của tổ chức, công dân góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Công tác quản lý chất lượng đạt được những kết quả tích cực, sự cố công trình và những vụ việc vi phạm lớn về chất lượng đã được hạn chế đáng kể. Công tác quản lý ĐTXD công trình được điều chỉnh, phân công phân cấp theo hướng sát với năng lực quản lý của từng cấp và tăng cường sự tham gia giám sát của cộng đồng. Các hoạt động xây dựng được tạo điều kiện tham gia theo cơ chế thị trường nhưng cũng được tăng cường quản lý theo các quy định về điều kiện năng lực.

Những con số, kết quả công việc, tất cả đều đã có công sức của những người xây dựng, những con người đầy nhiệt huyết với sự nghiệp xây dựng quê hương. Sau 20 năm phát triển, đội ngũ quản lý đã lớn mạnh thực sự. Riêng Sở Xây dựng đã có 270 kỹ sư, kiến trúc sư (tăng gần 2 lần so với năm 1997), trong đó 69 người có trình độ thạc sỹ (tỷ lệ 25,6%, năm 1997 chưa có) và hàng chục người đang sắp hoàn thành chương trình cao học. Song song với đào tạo, công tác phát triển bộ máy để đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới như: Bổ sung mới các phòng chức năng (phòng Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản, Quản lý Hạ tầng, Chi cục Giám định chất lượng); nâng cấp Thanh tra xây dựng, Trung tâm Kiểm định chất lượng và Kinh tế xây dựng, thành lập Viện Quy hoạch kiến trúc, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị trên cơ sở nâng cấp đơn vị cũ. Ba đơn vị sự nghiệp của Sở phát triển mạnh, đảm đương tốt vai trò phục vụ công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cũng tăng cường bộ phận chuyên môn quản lý nhà nước các công trình xây dựng chuyên ngành. Hệ thống các phòng quản lý xây dựng cấp huyện, cấp xã tuy còn thiếu cán bộ kỹ thuật, năng lực còn hạn chế nhưng những năm gần đây Sở đã tích cực tham mưu Tỉnh, đã được chú ý bổ sung nhân lực, thành lập các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, nhất là thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn.

Description: IMG_4487

II. Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2016 ¸ 2020

Tiếp tục thực hiện phương hướng đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là xây dựng nền tảng để phấn đấu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của Thế kỷ 21, trong giai đoạn 2016÷2020 và những năm tiếp theo, trên cơ sở định hướng phát triển không gian quy hoạch vùng tỉnh, các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch các KCN, Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và Chương trình xây dựng nông thôn mới, chú trọng xây dựng quy hoạch phân khu các khu chức năng, khu đô thị mới và chương trình phát triển cho từng đô thị. Cùng với đó là việc tập trung đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và nông thôn theo hướng “văn minh, hiện đại, hài hòa và bền vững”. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thu hút đầu tư xã hội hóa; gắn kết hiệu quả Chương trình phát triển đô thị và chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển, nâng cấp các đô thị, rút ngắn thời gian hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Những nhiệm vụ lớn cần tập trung như sau:

Một là, từ nay đến hết năm 2018, hoàn thành Bộ Khung Chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị với các quy hoạch phân khu, điều chỉnh quy hoạch chung nông thôn mới tại các địa phương có định hướng phát triển đô thị; xây dựng Chương trình và kế hoạch phát triển đô thị với phương châm nâng lên một tầm cao mới về chất lượng đô thị, thực hiện lộ trình nâng cấp các đô thị.

Hai là, tăng cường quản lý quy hoạch, không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; chú trọng bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống, không gian làng và hệ thống sinh thái tự nhiên; phát triển nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan tạo nên diện mạo mới cho các đô thị, đặc biệt là khu đô thị lõi; kết hợp với chỉnh trang đô thị theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Ba là, phát triển, quản lý các khu đô thị, khu dân cư mới đã và đang xây dựng một cách bài bản, khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ về hạ tầng và nhiều hạn chế về quản lý xây dựng; đồng thời thu hút ĐTXD những khu đô thị mới đạt các tiêu chí hiện đại, sinh thái, thông minh và bền vững; thu hút ĐTXD nhiều khu chức năng như khu đại học, du lịch, văn hóa, thể thao, logistic,v.v…

Bốn là, tiếp tục tập trung cao cho việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị, bao gồm: Các trục chính đô thị, giao thông kết nối trong tỉnh và kết nối Vùng Thủ đô; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; xử lý rác thải; hoàn thành chương trình cấp nước máy sạch đến 100% trung tâm các xã vào giữa năm 2017, tiến tới 100% nhân dân dùng nước máy sạch (chủ yếu từ nguồn nước mặt sông Đuống). Trong thời gian từ nay đến 2020, thực hiện lộ trình đóng cửa các nghĩa trang phân tán, không vệ sinh, thay thế dần bằng nghĩa trang tập trung theo mô hình “Nghĩa trang công viên” và “Nghĩa trang vườn”.

Năm là, đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở, phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 33m2 sàn/người. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân. Bằng nhiều giải pháp, cần có sự đột phá về phát triển nhà ở công nhân với những khu ở có quy mô trung bình trở lên, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trên cơ sở bước đầu đang hình thành nếp sống chung cư đô thị, cần thúc đẩy loại nhà ở này trong những năm tới, vừa đáp ứng nhu cầu ở của nhân dân vừa tăng mật đô dân số đô thị, kích thích dịch vụ và sự sầm uất của đô thị, tạo cho không gian, kiến trúc đô thị tăng sức vóc về phát triển chiều cao.

Sáu là, về lĩnh vực vật liệu xây dựng, thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung, thay thế bằng vật liệu không nung. Thúc đẩy sản xuất các loại vật liệu, vật tư, cấu kiến xây dựng với công nghệ hiện đại, tiên tiến theo hướng tiết kiệm năng lượng, tăng cường quản lý chất lượng vật liệu xây dựng từ khâu sản xuất, lưu thông đến chân công trình.

Bảy là, cùng với quản lý và phát triển đô thị, công tác quản lý xây dựng phải tập trung quản lý thực hiện quy hoạch và phát triển nông thôn gắn với Chương trình phát triển đô thị của tỉnh; kiểm soát quá trình “Đô thị hóa” ở nông thôn theo đúng định hướng phát triển. Khắc phục tình trạng quản lý còn nhiều hạn chế đối với các dự án ĐTXD ở nông thôn.

Để cụ thể hoá các nhiệm vụ trên, ngành Xây dựng tiếp tục tham mưu và thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về xây dựng, từ việc tăng cường cải cách hành chính đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và phối hợp giữa các cấp, ngành và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu…  Song hành với đổi mới công tác kế hoạch và quản lý tuân thủ quy hoạch, kế hoạch, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, phát triển nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng. Phát triển hài hòa nhưng cần tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng đô thị đặc biệt là khu vực đô thị lõi, thích ứng với định hướng phát triển tam giác tăng trưởng Vùng Thủ đô.

Description: du-an-khach-san-chung-cu-royal-park-bac-ninh-4Ngoài ra, cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, thực hiện chính sách pháp luật; triển khai các quy định, đề án, chương trình, dự án theo hướng sát thực, cụ thể, đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu nhằm đạt sự đồng thuận cao của xã hội cùng biết, và cùng làm.

Về bộ máy, con người, cần xây dựng mô hình “Chính quyền đô thị”, trong đó các cơ quan chuyên môn từ cấp tình đến cấp huyện phải được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ lớn và ngày càng phức tạp; đòi hỏi cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý. Bộ máy chính quyền đô thị cấp cơ sở phải được biên chế và bồi dưỡng đủ sức quản lý quy hoạch và trật tự đô thị. Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, cụ thể không chỉ đối với hệ thống quản lý nhà nước mà còn với lực lượng lao động trong Ngành xây dựng với một đòi hỏi cao hơn trong giai đoạn trước, bởi vì 15 năm tới công cuộc xây dựng của tỉnh sẽ có quy mô và tốc độ lớn hơn rất nhiều và không chỉ thế, còn là đòi hỏi của sự theo kịp bước tiến ngày càng tăng tốc của thời đại!

Nhìn lại chặng đường 20 năm, từ một xuất phát điểm thấp, ngành Xây dựng Bắc Ninh đã vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, trưởng thành về lực lượng đội ngũ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp xứng đáng cho những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ngành Xây dựng Bắc Ninh có quyền tự hào để hướng về phía trước, sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ nặng nề hơn, vinh quang hơn và chắc chắn sẽ dành được những kết quả to lớn hơn nữa trong giai đoạn phát triển mới!