Qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn Vĩnh Phúc đã thay đổi nhanh chóng, toàn diện, tạo tiền đề cho khu vực nông nghiệp nông thôn ở Vĩnh Phúc phát triển mọi mặt.
Hiện hầu hết các kênh loại I, II và loại III của tỉnh đều được kiên cố hóa. Tất cả các hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; các phòng học, trường học các cấp ở 112 xã được xây mới, cải tạo đạt chuẩn, nâng số trường học đạt chuẩn quốc gia lên 348/390 trường chiếm 89,2%. Cùng đó, 71/112 xã có trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn; 1.072 thôn có nhà văn hóa (trong đó 936 thôn chiếm 87,31% có đủ cả nhà văn hóa và sân thể thao đơn giản đạt chuẩn).
Vĩnh Phúc cũng đã đầu tư kinh phí cho 100 xã xây dựng trạm y tế, công trình phụ trợ; 15 công trình xử lý nước thải khu dân cư, 400 nghĩa trang; 59 chợ nông thôn được đầu tư; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và hạ tầng kỹ thuật viễn thông… Hầu hết các con đường thôn, xã, giao thông nội đồng hiện được phủ bê tông sạch bóng, tạo điều kiện cho người dân đi lại và từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Cơ sở hạ tầng nông thôn thay đổi nhanh đã tạo tiền đề cho kinh tế – xã hội phát triển. Một trong những trọng tâm được tỉnh chú trọng thực hiện là dồn thửa đổi ruộng nhằm hướng tới sản xuất tập trung để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2017, Vĩnh Phúc thực hiện dồn thửa đổi ruộng ở hai xã điểm là Ngũ Kiên và Cao Đại (Vĩnh Tường) đã thành công tốt đẹp. Tính đến tháng 3/2018 xã Ngũ Kiên và Cao Đại đã thực hiện dồn thửa đổi ruộng và bàn giao đến từng hộ 386,7 ha. Sau dồn thửa đổi ruộng 2 xã còn 4.141 thửa, giảm 11.993 thửa.
Mỗi hộ còn 1,7 thửa, giảm 4,7 thửa so với trước khi dồn thửa đổi ruộng. Tỉnh đang tiếp tục triển khai ở hàng loạt xã khác trên địa bàn. Vĩnh Phúc cũng có chính sách hỗ trợ người dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp để giải phóng sức lao động cho người dân, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc có 91/112 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó, có 77 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2020, Vĩnh Phúc phấn đấu có 100% xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng kinh phí đã huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2016 là gần 8.968 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và lồng ghép từ các chương trình dự án khác… Dự kiến, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình xây giai đoạn 2017- 2020 trên 4.000 tỷ đồng…/.
Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN