Theo thông báo kết quả phiên họp tổng kết tháng 4 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh yêu cầu 5 huyện Bình Xuyên, Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc phải giải quyết dứt điểm tồn tại về đất dịch vụ trong năm 2018.
Các huyện khác như Tam Dương, Tam Đảo, Phúc Yên, Vĩnh Yên phải giải quyết xong ít nhất 75%, còn 25% giải quyết trong năm 2019.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu gắn trách nhiệm cá nhân cấp ủy, người đứng đầu trong giải quyết đất dịch vụ. UBND tỉnh sẽ công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về sự chậm trễ giải quyết của sở, ngành, huyện.
Trước đó, tại cuộc họp cuối tháng 3, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc đã cho rằng tiến độ giải quyết đất dịch vụ cho người dân trên địa bản tỉnh trong thời gian qua còn chậm, chưa có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ giải quyết, ban hành nhiều văn bản về giải quyết đất dịch vụ khi xây dựng khu giãn dân, đấu giá quyền sử dụng đất.
Một trong những địa phương mà gần đây báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh về vướng mắc trong giải quyết đất dịch vụ cho người dân là ở Tây Thiên (Tam Đảo).
Nhiều năm nay, chính quyền huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và hơn 200 hộ dân ở thôn Đồng Thỏng (xã Đại Đình) vẫn chưa thể thống nhất được việc bồi thường tái định cư để di dời phục vụ dự án Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên. Đây là những gia đình sinh sống nhiều đời xung quanh khu vực Đền Thỏng (một trong quần thể tâm linh Tây Thiên).
Từ lâu người dân ở đây đã sinh nhai bằng kinh doanh hàng quán, dịch vụ. Đặc biệt những năm gần đây, khi du lịch tâm linh phát triển, hàng quán càng trở thành phương tiện kiếm sống quan trọng với họ.
Những người dân này yêu cầu chính quyền địa phương phải bồi thường cho họ đất ở vị trí để có thế kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, vị trí tái định cư mà huyện bố trí lại nằm khuất một góc không hề có sự giao thương nào. Dự định xây dựng khu bãi xe, chợ nông sản để cấp cho những người dân này hiện vẫn chỉ là lời hứa hẹn chứ chưa có văn bản quyết định nào.
Cũng tại cuộc họp cuối tháng tư, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chi đạo về công tác dồn thửa, đổi ruộng. Thời gian qua, tỉnh này đang thí điểm dồn thửa, đổi ruộng ở 2 xã Cao Đại và Ngũ Kiên (huyện Vĩnh Tường). Tỉnh Vĩnh Phúc giao huyện Vĩnh Tường trong năm nay thực hiện dồn thửa, đổi ruộng đạt 50% số xã. UBND tỉnh giao Sở GTVT, Sở NN&PTNT và các cơ quan rà soát, thực hiện. Mức kinh phí hỗ trợ trong dồn thửa, đổi ruộng không quá 30 triệu đồng/ha.