Sau 20 năm tái lập tỉnh, từ một địa phương phải dựa vào ngân sách, đến nay, Vĩnh Phúc đã có tổng thu ngân sách đạt 32.500 tỷ đồng. Đó là thành quả từ sự nỗ lực bền bỉ, dám nghĩ, dám làm, vượt khó đi lên, áp dụng thành công bài học “lấy dân làm gốc” của Vĩnh Phúc.
“Bến đỗ” của nhiều nhà đầu tư lớn
Năm 1997, khi tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đang đứng thứ 3 từ dưới lên về thu ngân sách với mức thu chưa đầy 100 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông rất khó khăn; các tuyến đường hầu như chỉ là đường đất; khoảng 15 xã chưa có điện lưới quốc gia; sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế. Sau 20 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã vươn mình với nhiều điểm sáng trong “Câu lạc bộ nghìn tỷ”. Để có được những thành quả đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã nỗ lực bền bỉ, dám nghĩ, dám làm, vượt khó đi lên và áp dụng thành công bài học “lấy dân làm gốc”.
Thành tựu nổi bật sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI phải kể đến lĩnh vực kinh tế. Kết quả của những nỗ lực sát cánh cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp, khai thác tiềm năng du lịch là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,56% – vượt kế hoạch năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách Nhà nước năm 2016 đạt 32.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa hơn 29.000 tỷ đồng.
Theo bà Hoàng Thị Thúy Lan – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Vĩnh Phúc – thành công của Vĩnh Phúc không chỉ dựa vào vị trí địa lý thuận lợi mà còn ở việc thay đổi cách thức tiếp cận, chào mời doanh nghiệp đầu tư. Không phải nghiễm nhiên mà trong một vài năm trở lại đây, Vĩnh Phúc có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng PCI, từ vị trí 26 (năm 2013) lên thứ 6 (năm 2014) và lên thứ 4 (năm 2015).
Công tác đối ngoại và thu hút đầu tư được đổi mới theo hướng có trọng tâm, chọn lọc và hướng tới các đối tác tiềm năng, các nước có nền công nghiệp phát triển. Thu hút đầu tư tăng mạnh với tổng số 886 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 231 dự án FDI (đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 6,6 tỷ USD, 665 dự án DDI (đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký gần 64.500 tỷ đồng. Vĩnh Phúc trở thành “bến đỗ” của nhiều nhà đầu tư lớn đến từ nhiều quốc gia như: Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản), Piaggio (Italia), De Hus (Hà Lan), Patron Vina, Heasung Vina, Bangjoo, Cammsys (Hàn Quốc), Prime Group (Thái Lan)…
Đặc biệt, sau thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay vào tháng 12/2016, Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hai tháng đầu năm 2017, Vĩnh Phúc đã thu hút thêm 60,23 triệu USD từ 5 dự án đầu tư mới FDI và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn. Theo dự tính, từ nay đến cuối năm, đầu tư vào tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao và nhiều khả năng vượt mục tiêu thu hút từ 180-200 triệu USD từ các dự án FDI và khoảng 5.000 tỷ đồng từ các dự án DDI.
Tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch
Trong năm vừa qua, các hệ thống du lịch – dịch vụ trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư. Đối với khu du lịch Tam Đảo, tỉnh chủ trương mở rộng tuyến đường lên thêm 3m, quy hoạch lại con đường, tạo nên điểm nhấn du lịch. Toàn bộ khu du lịch Tam Đảo sẽ quy hoạch lại theo hướng khôi phục lại những nét xưa, từ quảng trường trung tâm đến quy hoạch hệ thống khách sạn, chợ ẩm thực, khu vui chơi giải trí…, đặc biệt hướng tới việc tìm lại, khôi phục các di tích lịch sử cách mạng.
Làm việc với các Bộ, ngành Trung ương, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Vĩnh Phúc đã chính thức khởi công giai đoạn 1 dự án Tam Đảo 2 với mô hình khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm khu vực. Giai đoạn này sẽ hình thành tuyến cáp treo từ dưới chân núi lên khu du lịch Tam Đảo 2. Nhiều nhà đầu tư đánh giá khu du lịch mới nhiều tiềm năng nổi trội với rừng tự nhiên phong phú được bảo tồn.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, tỉnh tập trung nâng cao nhận thức người dân trong việc xây dựng sản phẩm mang tính thương hiệu du lịch. Vĩnh Phúc còn có các khu du lịch nghỉ dưỡng khác như: FLC Vĩnh Thịnh, Flamingo Đại Lải, đầm Vạc… Khu du lịch FLC Vĩnh Thịnh có tiềm năng du lịch thuận lợi bởi nằm sát sông Hồng. Trong chiến lược quy hoạch vùng, khi phát triển thành phố hai bên bờ sông sẽ tận dụng được sông Hồng để xây dựng bến thuyền du lịch.
Một dự án khác cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư là xây dựng trường đua ngựa để tạo điểm nhấn trong thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tới Vĩnh Phúc. Dự án “Khu phức hợp trường đua ngựa quốc tế và công trình thể thao, giải trí” có quy mô 750 ha, tổng vốn đầu tư khoảng là 1,5 tỷ USD. Dự án gồm các hạng mục như trường đua ngựa, sân golf, khu thể thao giải trí, câu lạc bộ cưỡi ngựa, khu nhà ở và biệt thự… Theo kế hoạch, trường đua sẽ xây dựng trên diện tích 200 ha, tổ chức 3 cuộc đua/tuần.
Lấy dân làm gốc!
Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Vĩnh Phúc cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, Vĩnh Phúc sẽ phát triển nhanh và bền vững dựa trên những lợi thế của tỉnh, trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước; một thành phố công nghiệp và dịch vụ, một thành phố hấp dẫn đầu tư. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc luôn trăn trở, với tinh thần sâu sát, lắng nghe tìm hiểu nguyện vọng của người dân; cán bộ tỉnh luôn bám sát, tìm hiểu và giải quyết nhanh chóng tâm tư nguyện vọng của người dân.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát cơ chế, chính sách, tiến hành tổng kết các chương trình, đề án để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, xem xét, giải quyết trực tiếp tại cơ sở các vấn đề phát sinh ở từng lĩnh vực; đồng thời tổ chức các “Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp”, triển khai mô hình “Gặp gỡ doanh nhân” vào chiều thứ 6 hàng tuần nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn liền với chuyển đổi lao động nông thôn, dồn thửa đổi ruộng, thu hút các dự án nông nghiệp, công nghệ cao đã đem đến cho ngành nông nghiệp của tỉnh bước tiến mới. Hiện nay, Vĩnh Phúc đứng thứ hai của cả nước về xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2016, lần đầu tiên sản phẩm thanh long của tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường Malaysia, mở hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc.
Công tác giáo dục luôn được tỉnh quan tâm sát sao. Hệ thống trường chất lượng cao tại các địa phương được chú trọng đầu tư, có cơ chế nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên. Hệ thống bệnh viện tuyến huyện và cơ sở được đầu tư đồng bộ bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế tốt cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh đã và đang triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nhằm sớm xây dựng hai bệnh viện Đa khoa tỉnh và Sản nhi tỉnh với quy mô lớn, hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan chia sẻ: “Trăn trở của tỉnh là phải làm sao tạo ra những loại hình kinh tế phát triển với sự tham gia của người dân tại chỗ để người dân được hưởng lợi, có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Mức sống của người dân phải được nâng lên, bộ mặt đô thị nông thôn phải ngày càng khởi sắc; hướng tới xây dựng Vĩnh Phúc trở thành đô thị văn minh hiện đại, xây dựng Vĩnh Phúc thành nơi đáng sống, người dân được hưởng cuộc sống tốt hơn.”.
Vân Nhi