Thành công nhờ sự đồng thuận

Từ một tỉnh nghèo, lạc hậu nhưng sau 18 năm tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã thực sự thay da, đổi thịt và đạt được những con số ấn tượng về phát triển kinh tế. Có được thành công trên là do Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết một lòng thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế mà địa phương đề ra.

Vĩnh Phúc ngày một đổi mới và phát triển

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khi mới tái lập tỉnh năm 1997, từ một tỉnh nghèo, thuần nông, thu ngân sách chưa đạt 100 tỷ đồng, thu nhập bình đầu người chỉ đạt gần 140 USD/năm, bằng 48% bình quân chung cả nước.

Để tìm hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của tỉnh, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn, trong đó có chủ trương lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch làm mũi nhọn, coi trọng phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Từ chủ trương đúng đắn, xác định bước đi phù hợp, tìm ra các giải pháp đột phá, tạo môi trường thuận lợi nhất để giải phóng sức sản xuất của mọi thành phần kinh tế, thu hút mạnh các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong các tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp, có tổng thu ngân sách nội địa cao nhất cả nước, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới.

“Từ quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, với định hướng và bước đi phù hợp đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhiều năm đạt mức cao, có những năm tăng trên 20%, bình quân 18 năm (1997-2014) tăng gần 14,8%/năm. Đến năm 2014, tổng thu ngân sách của tỉnh vượt qua mốc 20 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước về số thu và thứ 2 miền Bắc về thu nội địa. Dự kiến năm 2015, toàn tỉnh đạt trên 22.000 tỷ đồng.”- bà Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh.

Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, từ cơ chế “khoán hộ” những năm 1966-1968 tạo đà cho nông nghiệp phát triển thì đến năm 2006, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tạo đà cho nông nghiệp phát triển. Năm 2015, Vĩnh Phúc sẽ có 2 huyện đạt chuẩn NTM, với 72 xã đạt chuẩn, trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng NTM.

Đến năm 2017, Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành tỉnh NTM. Các lĩnh vực khác như văn hóa – xã hội cũng được tỉnh quan tâm toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, dự kiến năm 2015 còn 2,5%.

Từ những chính sách, chỉ đạo chung, MTTQ và các tổ chức thành viên cũng đã đưa ra các giải pháp tuyên truyền thích hợp, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương; từ đó dẫn dắt các phong trào, các CVĐ đi sâu, đi sát cơ sở, góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy sức mạnh tiềm tàng trong nhân dân.

Đặc biệt, khi địa phương xây dựng NTM, MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng NTM”, vận động các nguồn lực và sự tham gia đóng góp của nhân dân, xây dựng và duy trì hoạt động của nhóm nòng cốt xây dựng NTM ở địa bàn KDC. Từ 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 200 nhóm nòng cốt được nhân rộng từ 38 nhóm do UBMTTQ tỉnh thành lập.

Thành công đã cho thấy bài học to lớn trong việc làm thế nào để phát huy sức mạnh trong nhân dân, trở thành kim chỉ nam xuyên suốt giúp tỉnh Vĩnh Phúc vững bước trên con đường phát triển.

Nguồn:daidoanket.vn