Vĩnh Phúc sắp xây “siêu nghĩa trang” gần 700 tỷ đồng

UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Ban thường vụ Tỉnh ủy vừa thông qua việc triển khai dự án xây dựng khu công viên nghĩa trang tại khu vực rừng phòng hộ núi Ngang

 Ảnh minh họa

Dân phản đối, chính quyền vẫn thông qua

Ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Tờ trình số 02/TTr-UBND do ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đề nghị cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang (xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo).

Tiêu dùng & Dư luận - Vĩnh Phúc sắp xây “siêu nghĩa trang” gần 700 tỷ đồng (Hình 2).
Tiêu dùng & Dư luận - Vĩnh Phúc sắp xây “siêu nghĩa trang” gần 700 tỷ đồng (Hình 3).

 Tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc xây dựng nghĩa trang tại khu vực núi ngang

Nội dung Tờ trình thể hiện, từ tháng 6/2016, Công ty Bình Minh Xanh có văn bản đề xuất với UBND tỉnh dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang.

Dự án dự kiến có tổng vốn đầu tư 685 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý I năm 2017 đến năm 2025.

Địa điểm thực hiện dự án được nhắm tới là 153ha đất tại khu núi Ngang, trong đó đất dự kiến xây nghĩa trang chiếm khoảng 105,5ha. Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng đáp ứng được quy mô mộ phần nêu trên.

Đáng nói, địa điểm dự kiến xây nghĩa trang chính là khu vực rừng phòng hộ mà Nhà nước đã giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002.

Dự án trên không những xoá sổ hàng trăm hecta đất rừng phòng hộ mà việc sắp triển khai xây dựng “siêu nghĩa trang” tại khu vực núi Ngang, khiến hàng nghìn hộ dân sống tại xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo) lo lắng, bởi những hệ lụy vệ sinh môi trường trong đời sống. Người dân cho rằng, nếu dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong xã; ảnh hưởng đến dự án nước sạch ở đầu cầu Liễn Sơn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương)…

Những bức xúc của người dân cũng được thể hiện tại Tờ trình số 02/TTr-UBND ngày 04/1/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Trước đó, tại Văn bản số 8771/UBND-CN1 ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thừa nhận: “… Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã nhiều lần có ý kiến nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn do chưa được dự ủng hộ của nhân dân địa phương”.

Thế nhưng, chỉ sau 02 ngày nhận được tờ trình, vào ngày 6/1/2017, Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp và thống nhất với tờ trình về quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Bồ Lý. Và ngày 9/1/2017, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã có văn bản số 652-TB/TU về việc đồng ý với chủ trương xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang.

Tiêu dùng & Dư luận - Vĩnh Phúc sắp xây “siêu nghĩa trang” gần 700 tỷ đồng (Hình 4).

Vết xe đổ

Còn nhớ, tháng 2/2015, UBND Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đầu tư số 19121000666 cho công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn để xây dựng Công viên nghĩa trang Thiên An Viên tại phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án này lại không nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, tại Mục g, Điều 8, Quyết định số 1183/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 26/10/2011 với nội dung “Định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030” có nêu rõ việc xây dựng nghĩa trang tại Vĩnh Phúc nêu rõ: “Nhu cầu xây dựng đến năm 2030 là 200ha; Địa điểm xây dựng: Khu vực huyện Tam đảo 100 hecta; Khu vực huyện Bình Xuyên 100 hecta.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sau đó đã phải ra quyết định thu hồi dự án Công viên nghĩa trang Thiên An Viên đã giao cho công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn.

Từng trả lời báo Tiền Phong, ông Vũ Quang Các – Vụ trưởng Quản lý Quy hoạch (Bộ KH&ĐT) cho biết: “Dự ánlàm nghĩa trang cần lấy ý kiến của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng, phải được người dân đồng thuận, tránh việc phản đối khi thực hiện như nhiều địa phương gặp phải”.

Song dường như chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đang “đốt cháy” giai đoạn khi bỏ qua bước lấy ý kiến người dân. Cả dự án Công viên nghĩa trang Thiên An Viên trước đây cũng như dự án xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang vừa được UBND tỉnh đề xuất chưa được sự đồng thuận của người dân.

Một câu hỏi được hàng nghìn người dân xung quanh dãy núi Ngang đặt ra là, nguồn nước uống và sinh hoạt sẽ ra sao? Sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng thì ai phải chịu trách nhiệm?