Phát huy những tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, lưu thông hàng hóa và thu hút đầu tư, những năm qua trên các lĩnh vực: Thương mại-Dịch vụ, Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp theo hướng công nghệ cao, Giao thông-Xây dựng và phát triển Du lịch… của thành phố luôn đạt mức tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 12,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, tỷ trọng thương mại-dịch vụ và công nghiệp-xây dựng chiếm 98,7%, nông nghiệp còn 1,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 21.645 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng đạt 77.245 tỷ đồng. Thu ngân sách địa phương đạt trên 2.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt trên 5.600 USD/năm (124 triệu đồng/năm), gấp 2,47 lần bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021). Giải quyết việc làm mới cho 5.350 lao động.
Ngày 25/12/2017, tại Quyết định số 2088/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn là sự khẳng định nỗ lực của cán bộ, đảng viên và người dân thành phố trong nhiều năm qua.
Mục tiêu cao nhất trong xây dựng đô thị thông minh, thành phố đáng sống được lãnh đạo thành phố quan tâm, hướng tới 3 đối tượng phục vụ chính là: Chính quyền-Người dân-Doanh nghiệp. Theo đó, Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như: dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội… Đối với Doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến mọi đối tượng khách hàng. Đối với Chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, tạo niềm tin với người dân.
Chính những bước đột phá trong lề lối làm việc của chính quyền thành phố, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, môi trường đô thị sáng-xanh-sạch đẹp-văn minh, bảo đảm phát triển bền vững đã góp phần kiến tạo nên sức hấp dẫn riêng có ở Bắc Ninh.
Ảnh: TRẦN QUÝ
Hiện thành phố có 2 Khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp, làng nghề, thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Thương mại – dịch vụ phát triển hết sức sôi động, nhất là dịch vụ tài chính với 20 Ngân hàng và 26 Quỹ tín dụng. Trong tổng số khoảng 1800 doanh nghiệp, có 56% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ với nhiều nhà đầu tư lớn như: Vincom, Viglacera, APEC, Mường Thanh, Media Mart, Trần Anh, Apolo… Số lượng khách sạn từ 3 sao trở lên tăng 18% (từ 22 lên 28 khách sạn); siêu thị tăng 33% (từ 6 lên 8 siêu thị); nhà hàng tăng 13,4% (từ 164 lên 186 nhà hàng); dịch vụ lưu trú cho người nước ngoài tăng 24,8% (từ 145 lên 181 cơ sở).
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội phát triển toàn diện. Giáo dục – đào tạo được đặc biệt quan tâm, luôn giữ vị trí đứng đầu tỉnh, hệ thống cơ sở vật chất các cấp học được đầu tư nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Cụm trường Mầm non-Tiểu học-THCS Suối Hoa, trường THPT Chuyên Bắc Ninh-ngôi trường được đầu tư với quy mô hiện đại nhất Việt Nam và đứng thứ nhì Đông Nam Á. Hiện tại, thành phố quản lý 71 trường học (Mầm non, Tiểu học, THCS). Ngoài ra còn có 33 cơ sở giáo dục đào tạo từ Trung cấp đến Đại học và tăng lên theo hàng năm. Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, với 34 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 11 Bệnh viện đa khoa và chuyên ngành, số giường bệnh trên 1 nghìn dân là 11,04 giường; bình quân có khoảng 9 bác sĩ/1 vạn dân. Toàn thành phố có hơn 175 nghìn người tham gia mua thẻ Bảo hiểm y tế (đạt 90,6% người dân có thẻ); 77,1% người dân tại các xã, phường được khám, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân.
An sinh xã hội được chú trọng, các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo được chăm lo. Các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương được quan tâm gìn giữ và phát triển, nhất là Dân ca Quan họ và các lễ hội truyền thống. Thành phố đầu tư khu vui chơi miễn phí lớn nhất (từ nguồn xã hội hóa) cho trẻ em tại Công viên Nguyễn Văn Cừ và Công viên Hoàng Quốc Việt, các Khu đô thị mới Phúc Ninh, Hồ điều hòa Văn Miếu. Đầu tư xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao, tổ chức lắp đặt máy tập thể dục thể thao miễn phí tại các vườn hoa, công viên ở các khu dân cư. Các công trình văn hóa tâm linh như: Chùa Hàm Long, Chùa Dạm, Khu Thủy tổ Quan họ, đền Bà Chúa Kho… được trùng tu, tôn tạo, xây dựng khang trang.
An ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như mỗi người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Thành phố đang hướng dần đến tiêu chí là nơi đáng sống, không chỉ của người dân mà còn là lựa chọn cư trú hấp dẫn cho người nước ngoài khi đến sinh sống và làm việc tại tỉnh Bắc Ninh hoặc các địa phương lân cận. Đến nay, thành phố có khoảng 6.000 người nước ngoài đến cư trú và làm việc. Ngoài việc triển khai xây dựng khoảng 30 công trình khách sạn, chung cư căn hộ khách sạn, nhà ở xã hội (cao từ 20 tầng trở lên) gắn liền với xây dựng hạ tầng giao thông, cảnh quan kiến trúc hiện đại và truyền thống, thành phố chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ đáp ứng các yêu cầu cấu thành đô thị thông minh. Hiện hệ thống Wifi miễn phí phủ rộng khắp các khu vực trung tâm. Trong tương lai không xa, khi xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố thông minh thì mỗi trụ điện, trụ đèn đường đều có thể trở thành các trạm thông tin hoặc điểm phát wifi tốc độ cao. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dân sẽ không chỉ nắm bắt thông tin từng phút, từng giờ mà còn kết nối trực tuyến với các cơ quan nhà nước hay phục vụ các nhu cầu thiết yếu của bản thân, gia đình. Hiện thành phố đang tập trung xây dựng chính quyền điện tử thông qua Trung tâm Hành chính công (giảm thủ tục, bớt phiền hà cho người dân trong thủ tục hành chính), từng bước tiến tới quản lý hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, chất thải, đảm bảo an sinh xã hội…thông minh và hiệu quả.