Việc quản lý, quy hoạch đô thị của thành phố Hải Dương những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, xứng đáng là đô thị loại 2, đô thị vệ tinh quan trọng của thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo đó, thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung, các khu đô thị (KĐT) mới, do đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội được cải thiện, không gian đô thị mở rộng, diện mạo thành phố ngày một khang trang. Việc quản lý, quy hoạch đô thị có nhiều chuyển biến tích cực đã góp phần giữ gìn bản sắc riêng cũng như trật tự phát triển đô thị hiện đại, xứng đáng là đô thị loại 2.
Năm 2005, thành phố đã xây dựng quy hoạch chung phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020. Theo đó, nhiều đường phố được làm mới, nâng cấp, cải tạo, hình thành 4 KĐT, mở rộng quy mô thành phố gấp đôi so với trước đây. Đến nay, 4 KĐT đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích hơn 600 ha. Trong quy hoạch tổng thể còn có dự án lớn là xây dựng kè hai bên bờ sông Thái Bình dài 14 km. Trên cơ sở quy hoạch chung đến năm 2020, thành phố đã tiến hành lập, hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đối với các phường. Đặc biệt, sau điều chỉnh địa giới hành chính, tổng diện tích tự nhiên của thành phố là 7.143 ha, dân số 279.291 người với tổng số đơn vị hành chính lên 21 phường, xã.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, công trình mang hiệu quả kinh tế – xã hội cao, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị như các KĐT; khu dân cư đông Ngô Quyền, Kim Lai, đường 391; … Đặt biệt, thành phố đã tập trung xây dựng, mở mang các tuyến phố, các trục đường vành đai, các tuyến đường sắt, đường thủy triền sông Thái Bình, sông Sặt tạo cho cảnh quan đô thị thành phố thêm sinh động, trong lành.
Đến nay, thành phố có hơn 70% đường đô thị đã được trải bê-tông nhựa, 80% đường liên khu, phường, xã được bê-tông, nhựa hóa; 98% đường đô thị và 95% đường liên khu, ngõ xóm có điện chiếu sáng; 95% số phòng học đạt kiên cố hóa; 99% số làng, khu dân cư có nhà văn hóa và nguồn đất xây dựng nhà văn hóa. Mở rộng diện tích các vườn hoa, công viên, cây xanh, từng bước đa dạng hóa chủng loại cây xanh và cây trang trí đô thị với diện tích 159,23 ha, bình quân 6,27 m2/người.
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, từ năm 2008, thành phố xây dựng và triển khai quy trình cấp phép xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, trong đó tập trung giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả việc cấp giấy phép xây dựng cho người dân, với thời hạn tối đa 15 ngày.
Trong lĩnh vực quản lý trật tự giao thông đô thị và vệ sinh môi trường, lực lượng an ninh đã ngăn chặn và giải quyết kịp thời các hiện tượng gây mất trật tự công cộng. Hằng năm, thành phố bổ sung các quyết định, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đô thị. Đặc biệt, thành phố đang tập trung thực hiện dự án xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2010-2015, trong đó bước đầu triển khai thực hiện thí điểm trên 7 đường phố.
Từ nay đến năm 2020, TP Hải Dương phấn đấu nâng cấp từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, TP Hải Dương tiếp tục mở rộng không gian về các huyện lân cận, điều chỉnh quy hoạch chung, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch chi tiết. Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đầu tư phát triển các công trình công cộng, khu du lịch, dịch vụ, sinh thái, cây xanh; không phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp, không chấp thuận đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực, trang bị kiến thức và phương tiện làm việc để đáp ứng nhiệm vụ quản lý đô thị theo hướng trật tự, an toàn, văn minh và hiệu quả.