Xu hướng tất yếu của nhà thông minh

hà thông minh là xu thế mới trong kiến trúc nhà ở hiện đại, nhằm đem lại cuộc sống đích thực cho con người sống trong đó.

Trên thế giới, nhà thông minh không còn xa lạ. Và ở Việt Nam, hiện cũng đã có nhiều công ty cung cấp giải pháp nhà thông minh. Cuộc đua nhà thông minh đang diễn ra gay cấn giữa các tên tuổi lớn với nhiều giải pháp được tung ra nhằm hiện đại hóa nhà ở, đem lại tiện ích làm thay đổi toàn bộ thói quen sinh hoạt và lối sống hàng ngày của các gia đình, mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng sống.

Hãy tưởng tượng một ngôi nhà trong đó có thể kết nối và tự động hóa các thiết bị điện tử, điện gia dụng, từ đèn chiếu sáng, mô tơ rèm cửa, máy lạnh, cho tới hệ thống giải trí nghe nhìn, an ninh, an toàn và nhiều tiện ích khác. Bạn sẽ dễ dàng kiểm soát hoạt động của ngôi nhà ngay cả khi vắng mặt từ bất cứ đâu với máy tính hay smartphone, giảm thiểu những rủi ro ngoài ý muốn. Những kịch bản tự động hóa hoạt động của các thiết bị theo ngữ cảnh đem lại tiện nghi, thoải mái và an toàn cho cuộc sống của bạn.

Công nghệ nâng tầm cuộc sống, và bạn sẽ không phải hối tiếc khi quyết định đầu tư giải pháp nhà thông minh cho mình.

Dùng sản phẩm tên tuổi

Các đại gia trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử đang nỗ lực tung ra những sản phẩm nhà thông minh mới, với tham vọng chúng không chỉ kết nối Internet, hỗ trợ điều khiển từ xa mà còn tương tác được với nhau, có khả năng “học” và “hiểu” được ý của gia chủ để tự động hóa tối đa ngôi nhà. Những sản phẩm nhà thông minh tạo được uy tín trên thị trường như đầu điều chỉnh nhiệt Nest, ổ cắm điện thông minh Belkin WeMo, đèn Hue của Philips và rất nhiều sản phẩm khác tiện cho người dùng đầu tư từng phần, lắp đặt theo từng mô đun.


Bóng đen thông minh LIFX hỗ trợ kết nối Wi-Fi cho phép điều khiển từ xa qua điện thoại. LIFX có thể thay đổi độ sáng, màu sắc theo ngữ cảnh, nhấp nháy theo điệu nhạc, tắt mở theo giờ hẹn trước.

Sản phẩm nhà thông minh hỗ trợ kết nối Wi-Fi có thể lắp bất cứ ở đâu trong ngôi nhà, dễ dàng theo dõi trực quan và điều khiển từ smartphone hay máy tính bảng. Các nhà sản xuất lớn còn trang bị cho sản phẩm của mình công nghệ truyền thông không dây sử dụng điện năng cực thấp như ZigBee hay Z-Wave, chúng có thể hiểu và tương tác với nhau theo nhiều kịch bản mà không đòi hỏi bộ điều khiển hay máy chủ trung tâm trong nhà.

Trở ngại lớn của những sản phẩm tên tuổi là mức giá chưa hấp dẫn với số đông người dùng trong nước, bên cạnh đó là nỗi lo của người dùng về khả năng giao tiếp giữa các thiết bị. Sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau có thể không giao tiếp được với nhau do khác công nghệ. Dĩ nhiên có thể dùng cầu nối, kiểu như bộ Hub trung tâm của Revolv, để chúng hiểu nhau, nhưng điều đó làm tăng độ phức tạp cho hệ thống và tăng chi phí đầu tư. Và trên hết là chủ nhân căn nhà đang sống có thể phải thay các thiết bị cũ gây ra một sự lãng phí lớn là điều khó được chấp nhận. Với những căn hộ mới, chủ đầu tư sẽ không gặp phải điều khó chịu này nếu chấp nhận thiết lập hệ thống thông minh ngay từ đầu.

Giải pháp nhà thông minh Việt Nam

Cuộc đua nhà thông minh cũng hấp dẫn các công ty công nghệ. Nhiều công ty đã nhảy vào cuộc, tập trung theo hướng đưa ra các thiết bị hỗ trợ kết nối, điều khiển dưới dạng các công tắc, ổ cắm, thiết bị điện phụ trợ và phát triển phần mềm để thiết lập mạng thông minh gia đình cho các thiết bị và vật dụng “kém thông minh” sẵn có trong nhà. Bkav đang quảng bá nhà thông minh SmartHome của mình hay công ty cổ phần Lumi Việt Nam đi theo hướng này. Các công ty này đều nhấn mạnh yếu tố sản phẩm công nghệ Việt do chính người Việt làm ra, có khả năng cạnh tranh với thế giới. Các công ty của Việt Nam khẳng định họ có thế mạnh là hiểu rõ thói quen của người dùng trong nước và giải pháp có mức chi phí đầu tư hợp lý.


Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của Bkav, ông Vũ Thanh Thắng, giới thiệu nhà thông minh SmartHome hôm 13/6, tại nhà mẫu trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM: Thiết bị do Bkav cung cấp như bảng điều khiển, công tắc đều được chế tạo từ nhôm nguyên khối, mặt kính Gorilla Glass chắc chắn và sang trọng, đế âm tường theo tiêu chuẩn tiện lắp đặt.

Các công ty công nghệ không đua sản xuất sản phẩm nhà thông minh, thay vào đó là cấp “não bộ” cho các vật dụng hiện có trong nhà. Hệ thống thông minh như vậy hoạt động theo cơ chế điều khiển tập trung. Các vật dụng trong nhà như đèn chiếu sáng, hệ thống an ninh, an toàn, tivi, dàn âm thanh, bình gas… sẽ được kết nối với công tắc hay ổ cắm thông minh hỗ trợ kết nối Wi-Fi. Các thiết bị điều khiển này còn có khả năng giao tiếp với nhau bằng công nghệ truyền thông không dây năng lượng thấp, thường là ZigBee vì các công ty không tốn tiền bản quyền sử dụng công nghệ.

Hệ thống phần mềm điều khiển ngôi nhà cài trên máy chủ mở ra nhiều cơ hội cho việc lập trình kịch bản tùy biến phù hợp với những thói quen, hành vi sinh hoạt của gia chủ. Kịch bản ngữ cảnh của nhà thông minh giúp thiết bị hiểu được ý muốn của chủ nhà để tự động kích hoạt chế độ vận hành cho các thiết bị gia dụng trong mạng thông minh gia đình. Chẳng hạn vào lúc 6 giờ mỗi buổi sáng trong tuần, hệ thống báo thức được kích hoạt, rèm cửa kéo gọn để đón ánh sáng tự nhiên vào nhà, nhạc tự động cất lên du dương và tăng dần âm lượng. Nhưng khi chủ nhà đi vắng đột xuất qua đêm, chỉ việc truy cập từ xa thiết lập vô hiệu hóa kịch bản báo thức và tăng độ an ninh lên mức cao hơn.

Trả lời