Xu hướng thiết kế nội thất trong năm 2018

Đồ gỗ có đường cong mềm mại sẽ loại bỏ dần phong cách thô mộc, dùng đồ tái chế hiện nay… 

Năm mới tới không chỉ là lúc để tổng kết lại những điều đã đạt được mà còn là dịp bạn đặt các mục tiêu, kế hoạch mới. Nếu có dự định sửa sang nhà, bạn có thể tham khảo ý tưởng về xu hướng nội thất trong năm 2018 của một số nhà thiết kế nổi tiếng trên trang Mydomaine. 

Tất nhiên, bạn không phải chạy theo mốt trang trí nào bởi điều quan trọng là bạn cần được sống trong không gian có những điều mình yêu thích, thể hiện rõ cá tính của bạn. Bạn hãy lựa chọn thứ thích hợp và bỏ qua các chi tiết không phù hợp với nơi ở của mình.

1. Nội thất uốn lượn thay thế cho gỗ tái chế

Trong năm mới, các chi tiết trong nhà sẽ hướng tới sự gợi cảm và quyến rũ hơn. Bởi vậy, những món đồ làm từ gỗ tái chế với các đường nét vuông vắn, thô ráp không còn thích hợp nữa.

Đồ gỗ tái chế sẽ được tiết giảm trong nơi ở. Ảnh: MD.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong năm 2018, nội thất sẽ có xu hướng trở lại giống những năm 1970. Những món đồ với đường cong mềm mại và màu sắc nhiều sắc độ phong phú sẽ lên ngôi. “Đồ đạc sẽ được làm mềm nhờ đường nét và chất liệu. Các màu như xanh thẫm, hồng, màu đất sẽ phổ biến hơn”, nhà thiết kế Athena Calderone chia sẻ. Những đường cong sẽ được thể hiện ở vòm cửa, ghế bành, gối dựa, gương…

Tuy nhiên, gia chủ vẫn có thể kết hợp một vài chi tiết thô mộc trong không gian nhiều đồ uốn lượn để tạo điểm riêng cho căn nhà.

2. Đồ dùng mang nét xưa cũ thay thế cho phong cách công nghiệp

Những món đồ cũ đem lại cảm giác thân thuộc cho nơi ở mới của bạn. Ảnh: MD.

Trong một vài năm gần đây, phong cách công nghiệp (sàn bê tông, gạch mộc, dùng nhiều kim loại, tông màu trầm…) được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nhà thiết kế Emily Henderson khẳng định, cơn sốt này sẽ sớm biến mất.

Theo bà Henderson, thay vì mua, đóng những món đồ mới tinh, bạn có thể hướng tới những thứ mang dấu ấn thời gian. “Có quá nhiều món đồ xưa cũ có thể đưa vào nơi ở của bạn với sức sống mới và gợi nhớ những kỷ niệm xưa. Bạn có thể đem chúng về từ nhà cũ hoặc những khu chợ trời”, bà Henderson chia sẻ.

3. Bếp màu tối thay thế bếp có tông màu trắng hoàn toàn

Các chi tiết tối màu được đưa vào nhà bếp nhiều hơn. Ảnh: Home Stratosphere.

Những căn bếp màu trắng luôn được ưa chuộng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhà thiết kế Claire Staszak cho rằng bếp sơn toàn bộ màu trắng đã tới điểm bão hòa. Bởi vậy, các kiến trúc sư đang tìm tới những tông màu mới, khác lạ hơn để giới thiệu với khách hàng.

“Trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy những sự biến thể của các căn bếp màu trắng. Một vài màu sắc khác được sử dụng để tạo điểm nhấn ở đảo bếp, ngăn đồ, tủ bếp dưới”, Staszak cho biết.

Các căn nhà hiện đại có xu hướng chuyển dùng các màu tối hơn như đen, xanh tím than, ghi tối và gỗ tự nhiên màu đậm sẽ trở lại mạnh mẽ.

4. Các chi tiết màu đen thế chỗ màu đồng

Màu đen dùng chừng mực sẽ khiến đồ dùng thu hút mắt nhìn. Ảnh: MD.

Các chi tiết màu đồng bóng bảy được sử dụng để tạo điểm nhấn sang trọng. Nhà thiết kế Dorianne Passman cho biết: “Màu đồng xuất hiện ở mọi nơi và đã hết mốt. Nhưng đừng hiểu nhầm ý tôi, màu này vẫn có vị trí riêng của mình, để tạo dấu ấn nổi bật dù ngôi nhà mang nét hiện đại hay truyền thống. Tuy nhiên, chúng không thể xuất hiện tràn lan như trước đây, trong mọi chi tiết từ đồ dùng kích thước lớn cho tới tay nắm, vòi nước”.

Nếu màu đồng bị hạn chế, các gia đình có thể tính tới sử dụng màu đen, màu tro để hoàn thiện một số chi tiết nhỏ trong nhà. Nhờ đó, không gian trông vẫn ấn tượng và tạo cảm giác tối giản tuyệt đối.

5. Cá tính của gia chủ vượt qua mọi xu hướng thiết kế

Chủ nhà cần có những thứ mình thích nhất trong nơi ở. Ảnh: Plisson.

Nhà thiết kế Leanne Ford là người không bao giờ tin vào các trào lưu trong thiết kế. Bởi vậy, khi được hỏi về năm 2018, cô nói: “Hãy cá nhân hóa. Nguyên tắc đầu tiên của tôi trong việc làm nhà là: Khách hàng là số một. Hãy bỏ qua các xu hướng. Điều quan trọng và trước hết là khách hàng muốn gì, có gì, cần gì, thích gì. Hãy cân nhắc điều đó rồi tính tới hiện trạng nhà thực tế. Hãy lắng nghe khách hàng rồi lắng nghe ngôi nhà của họ”.