Ngày 20/4/2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và cầu truyền hình trực tuyến 63 tỉnh thành trong cả nước.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình trạng chồng chéo trong các văn bản pháp luật hiện nay là rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Do đó, trước hết rất cần các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực thể chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm đề xuất sửa đổi, khắc phục những tồn tại, vướng mắc về thể chế chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt là những cơ chế, chính sách thuộc phạm vi điều chỉnh, giải quyết của Chính phủ, để Chính phủ nhanh chóng đưa ra giải pháp xử lý, đảm bảo vốn đầu tư công, vốn đầu tư xã hội được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2018, cũng như trong những năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong quá trình triển khai pháp luật về đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách từ thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, từ việc tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp và người dân. Thông qua đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp và bước đầu đã tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những tồn tại, vướng mắc đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho công trình, tính mạng và tài sản của người dân, đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, chống thất thoát, lãng phí. Hiện nay, hoạt động đầu tư xây dựng đang chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc dự án đầu tư xây dựng, đưa dự án vào vận hành, khai thác.
Đối với Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề xuất: Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản liên quan đến nội dung mua bán, chuyển nhượng các loại hình bất động sản mới như căn hộ – du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng cho phép loại đất thương mại, dịch vụ, du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung, thành phần hồ sơ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thực hiện dự án đầu tư phát triển khu đô thị, dự án kinh doanh bất động sản, dự án nhà ở trong Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.
Nhằm đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, ngành đề xuất, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước được giao theo đề xuất của Bộ Xây dựng, giao Bộ Tư pháp tổng hợp, đề xuất chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ từng năm cho đến năm 2020 để các Bộ chủ động thực hiện theo phân công; đề nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.