Sự tác động của cả chính quyền lẫn người dân đến việc bảo tồn công trình kiến trúc là cần thiết để “trùng tu” công trình cổ, bảo tồn các giá trị lịch sử – văn hóa đồng thời vẫn thu được lợi ích kinh tế “khai thác” từ di sản
Thời gian qua, dư luận đã lên tiếng về những trường hợp đập bỏ hoặc dự định phá hủy một số công trình cổ – như Nhà Bưu điện ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận hay mới đây là trường hợp Trường Trung học Châu Văn Liêm (Collège de Can Tho) tại Cần Thơ với lý do chúng quá cũ: Không còn an toàn nữa.
Xóa bỏ là cách dễ nhất
Đến cuối thế kỷ XIX, khi bộ máy tổ chức hành chính của Pháp áp đặt thì những trung tâm hành chính – chính trị ở từng tỉnh của nhà nước phong kiến thời Nguyễn tại nước ta chuyển biến dần thành các đô thị được quy hoạch và xây dựng kiểu châu Âu. Cảnh quan kiến trúc, hạ tầng cơ sở, cấu trúc kinh tế, thành phần và nguồn gốc dân cư cũng như đời sống đô thị có sự thay đổi rõ rệt.
Các công trình kiến trúc được người Pháp xây dựng giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX có quy mô lớn về diện tích. Trải qua một thế kỷ, đến nay, chúng vẫn phù hợp về công năng tuy đã “hết hạn” sử dụng. Nhiều công trình được người Pháp gửi công văn thông báo rõ điều này. Hình thức công trình cũng lộ rõ sự hư hỏng do thời gian qua không được kịp thời duy tu, sửa chữa hoặc sửa chữa không phù hợp.
Đầu tiên, cần phải khách quan nhìn nhận: Là những công trình công cộng nên bên cạnh việc lo lắng của người dân về sự an toàn còn là trách nhiệm của nhà quản lý. Cách giải quyết thông thường của chính quyền là đập bỏ công trình cũ để xây công trình mới. Phương án này rất thuận tiện cho nhà quản lý, vừa giải quyết vấn đề an toàn cho người sử dụng vừa tạo được “bộ mặt” phát triển hiện đại cho đô thị.
Tuy nhiên, phương án này lại là cách nhanh nhất để “xóa bỏ lịch sử” của một đô thị. Đây là điều làm cộng đồng lên tiếng đòi hỏi các nhà quản lý cần suy xét thấu đáo hơn. Bởi lẽ, lịch sử không chỉ là những sự kiện chính trị mà còn là sự gắn bó của mỗi người với những công trình, những nơi chốn mà nhiều thế hệ cư dân đã trải qua, đã lưu vào ký ức. Di sản kiến trúc là một phần của lịch sử đô thị đang hiện hữu mỗi ngày.
Đặt lợi ích cộng đồng lên trước
Việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị cần được sự đồng thuận của chính quyền và cộng đồng trên cơ sở đặt lợi ích cộng đồng lên trước – bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần.
Ở những quốc gia có kinh nghiệm về bảo tồn di sản, họ quan niệm bảo tồn không có nghĩa là ngừng hoạt động của các công trình để chuyển hóa thành bảo tàng. Ngược lại, bảo tồn chính là việc tái sử dụng và phát triển, nếu vẫn còn phù hợp với công năng cũ thì quá tốt nhưng nếu không phù hợp thì có thể cho nó công năng mới nhằm duy trì, bảo vệ giá trị văn hóa của di sản, bảo đảm hòa hợp với nhu cầu của dân cư và các hoạt động quản lý xã hội.
Tòa nhà Bảo tàng Nghệ thuật Orsay ở thủ đô Paris – Pháp vốn là một ga xe lửa cũ. Khi hoạt động của nhà ga này không còn phù hợp ở vị trí trung tâm thành phố nữa thì người ta xây ga mới ở một địa điểm khác. Tòa nhà cũ được giữ nguyên hình thức kiến trúc bên ngoài nhưng nội thất thì cải tạo cho thích hợp với việc trưng bày những tác phẩm hội họa, điêu khắc… Orsay được khánh thành năm 1986 và là một trong những bảo tàng lớn trên thế giới, sở hữu nhiều bộ sưu tập nổi tiếng. Vị trí trung tâm của nhà ga cũ biến thành lợi thế của bảo tàng mới, thuận tiện cho du khách đến đây bằng bất kỳ phương tiện giao thông nào. Paris đã “bảo tồn” được một kiến trúc cổ tuyệt đẹp và biến nó thành trung tâm văn hóa – du lịch, đồng thời vẫn “hiện đại và phát triển” khi xây dựng nhà ga mới phù hợp với nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.
TP HCM cũng có trường hợp tương tự, đó là việc “bảo tồn” những biệt thự xây từ thời Pháp. Sau năm 1975, nhiều biệt thự do nhà nước tiếp quản đã thay đổi công năng và cách sử dụng (biến thành nhà tập thể, công sở…) làm thay đổi, hư hỏng và phá vỡ cảnh quan công trình ở khu vực trung tâm thành phố. Rất may, khoảng cuối thập niên 1990, chính quyền thành phố thực hiện việc “bán hóa giá biệt thự”. Nhiều tư nhân, doanh nghiệp đã mua và sửa chữa trở lại cấu trúc, hình thức của biệt thự. Một số biệt thự giữ chức năng nhà ở (cho thuê), còn phần nhiều biến thành những quán ăn, quán cà phê sang trọng… Sự thay đổi công năng này mang lại một nguồn kinh phí để tiếp tục bảo tồn, trùng tu biệt thự, vô tình đã giữ được cho thành phố nhiều kiến trúc “cảnh quan biệt thự” rất điển hình của Sài Gòn nửa đầu thế kỷ XX.
Hai ví dụ trên cho thấy sự tác động của cả hai phía từ chính quyền và người dân đến việc bảo tồn công trình kiến trúc. Một bên là có ý thức của nhà nước, một bên là “tự phát” của người dân nhưng kết quả thì tương tự: Đó là “trùng tu” công trình cổ, bảo tồn các giá trị lịch sử – văn hóa đồng thời vẫn thu được lợi ích kinh tế “khai thác” từ di sản.
Phụ thuộc vào sự hiểu biếtĐể các di sản được bảo tồn tốt, giá trị của chúng cần được công nhận trên phạm vi rộng hơn: giá trị văn hóa sẽ làm nên và là tiền đề của giá trị kinh tế. Điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết của nhà quản lý trong hoạch định bảo tồn và định hướng cho cộng đồng. Khi đã có nhận thức đúng thì sẽ tìm ra phương án tốt nhất để ứng xử với từng trường hợp cụ thể. |
(Theo nld)