Đã có tương đối nhiều các nghiên cứu trong nước về đề tài bảo tồn các giá trị của làng truyền thống như Lê Thị Minh Lý (2003), Nguyễn Quốc Hùng (2007), Đặng Văn Bài (2007), Đào Ngọc Cảnh và Huỳnh Văn Đà (2013), Huỳnh Ngọc Phương (2014), Phún Khánh Linh (2015) v.v… Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu này chỉ tập trung tìm hiểu các phương án bảo tồn một hay một vài giá trị cụ thể của làng, ví dụ giá trị nghề truyền thống, giá trị lễ hội, giá trị du lịch, giá trị kiến trúc v.v… Các nghiên cứu mang tính tổng hợp nhằm đề xuất các phương án bảo tồn không gian làng nói chung, bao hàm cả bảo tồn cảnh quan, kiến trúc và các giá trị văn hóa phi vật thể khác còn chưa nhiều. Đặc biệt, các nghiên cứu học thuật về bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị còn khá hạn chế. Chủ đề bảo tồn làng trong đô thị mới chỉ được bàn luận nhiều dưới dạng các bài chia sẻ ý kiến, quan điểm trên các trang báo điện tử. Mặt khác, phần lớn các nghiên cứu mới chỉ tiếp cận được vấn đề ở một góc độ nào đó như kinh tế, kiến trúc xây dựng, văn hóa học, xã hội học v.v… nên tính thuyết phục và tính ứng dụng vào thực tiễn chưa cao. Thiết nghĩ cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn về vấn đề bảo tồn không gian làng trong đô thị trên cơ sở tiếp cận liên ngành. Hiểu rõ được thực trạng nghiên cứu nêu trên, Viện Quy hoạch thuộc Sở Xây dựng Bắc Ninh đã và đang chủ trì thực hiện đề tài “Bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh” với cách tiếp cận toàn diện hơn, tích hợp các góc nhìn đa dạng về qui hoạch – kiến trúc – xây dựng, văn hóa, kinh tế, xã hội nhằm đề xuất được các mô hình qui hoạch không gian làng truyền thống trong đô thị hợp lý nhất và phản ánh được đầy đủ nhất nguyện vọng của người dân. Bài viết này là một vài phân tích dưới góc độ xã hội học về vấn đề bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị lõi Bắc Ninh và là một phần nội dung thuộc phạm vi đề tài nêu trên. Cụ thể, bài viết sẽ bàn luận hai vấn đề chính. Thứ nhất là phân tích những tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đến không gian làng trong đô thị trung tâm Bắc Ninh. Thứ hai là đưa ra một số đề xuất chính sách bảo tồn không gian làng trong đô thị Bắc Ninh.
Một góc Đền Cùng – Giếng Ngọc, làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh – Ảnh: Hoàng Phước
Tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đến không gian làng trong đô thị trung tâm Bắc Ninh
Nhiều nghiên cứu về làng Việt đã khẳng định rằng làng Việt không chỉ là khu vực cư trú đơn thuần của các hộ gia đình tiểu nông mà còn là một tổ chức sản xuất, tổ chức quân sự, tổ chức xã hội hay chính là một cộng đồng đa chức năng và mang đậm bản sắc văn hóa của làng (Phan Đại Doãn, 2010; Mai Văn Hai, 2013). Các làng Việt Bắc Bộ thường được đặc trưng bởi tính cộng đồng trong sinh hoạt, tự trị trong chính trị, tự túc về kinh tế, tự tái sản xuất về mặt dân cư và khép kín về lãnh thổ và quan hệ với bên ngoài (Popkin, 1979; Nguyễn Hồng Phong, 1978; Trần Đình Hượu, 1996). Nhấn mạnh đặc điểm khép kín của làng, Scott (1976) cũng đưa ra định nghĩa làng như một đoàn thể đảm bảo an ninh sinh kế và phúc lợi tập thể cho cư dân của làng khi họ đối mặt với khó khăn. Ngoài những đặc trưng chung kể trên, mỗi làng Việt còn có những bản sắc riêng về cảnh quan, kiến trúc, phong tục, tập quán, văn hóa, nghệ thuật, quan hệ xã hội v.v… Bởi vậy, ngoài những đặc trưng chung là tính cộng đồng và tính khép kín, làng truyền thống Bắc Ninh còn mang những bản sắc văn hóa rất riêng của xứ Kinh Bắc xưa. Đó là làng của những mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, làng của hàng tram thứ nghề thủ công, làng của truyền thống hiếu học khoa bảng, làng của cái nôi văn hóa, văn nghệ dân gian, làng của xứ sở đình chùa, lễ hội v.v…
Tuy nhiên, trải qua quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ kể từ sau khi Bắc Ninh được tách ra khỏi tỉnh Hà Bắc năm 1997, các không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh cũng đang từng ngày biến đổi. Hay nói cách khác, công nghiệp hóa – đô thị hóa đã và đang tác động đến không gian làng truyền thống ở cả góc độ tích cực và tiêu cực. Có thể bàn luận về một vài ảnh hưởng tích cực và tiêu cực nổi bật như sau:
Về mặt tích cực, trước tiên công nghiệp hóa – đô thị hóa đã làm giảm bớt tính khép kín và làm tăng tính mở của cộng đồng làng truyền thống, ở một mức độ nào đó tôi cho rằng điều này là tích cực. “Làng Việt” theo nhiều quan điểm truyền thống nêu trên là một không gian khép kín. Nhưng “Làng” được đặt trong “lòng đô thị” chắc chắn phải có nhiều yếu tố mở thì mới bắt kịp được với xu hướng phát triển hiện đại của đô thị. Thay vì chỉ khép kín trong lũy tre làng với toàn bộ nhà tranh hay mái ngói đỏ cùng một số nét văn hóa, sinh hoạt lạc hậu như trước đây, ngày nay nhiều làng đã được tiếp cận với lối sống văn minh đô thị, xuất hiện nhà gác, nhà tầng, công trình công cộng khang trang, sạch đẹp. Theo kết quả rà soát của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh có 35/97 (chiếm 36,1% số xã) đạt 19/19 tiêu chí. Toàn tỉnh đầu tư khoảng gần 1.000 công trình xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt, cảnh quan, môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Đến nay số tiêu chí đạt chuẩn trung bình toàn tỉnh là 15,71 tiêu chí/xã (là một trong 10 tỉnh có số tiêu chí đạt chuẩn cao nhất cả nước). Ngoài 35 xã được công nhận và đang làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận hoàn thành 19/19 tiêu chí, có 24 xã đạt từ 15 đến 18/19 tiêu chí, 38 xã đạt từ 10 đến 14/19 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí.
Cần nhấn mạnh rằng, sự thay đổi cảnh quan kiến trúc, lối sống sinh hoạt này không có nghĩa là làng đã đánh mất hoàn toàn cái hồn xưa của nó. Vẫn còn đó cùng cộng tồn với những nét văn hóa, kiến trúc đô thị hiện đại là những di sản truyền thống từ ngàn đời như rặng tre, cây đa, giếng nước, sân đình, chợ quê, lễ hội, đình chùa miếu mạo v.v… Nhưng những di sản này còn tồn tại được bao nhiêu và ở tình trạng nào lại là một vấn đề khác cần được bàn luận ở phần sau.
Tác động tích cực thứ hai cần phải kể đến là việc cải thiện đời sống kinh tế cho người dân trong làng, đặc biệt là các làng vốn sẵn có các nghề truyền thống. Công nghiệp hóa – đô thị hóa đã tạo điều kiện cho người dân các làng được tiếp cận với các kĩ thuật sản xuất tiên tiến hơn, thị trường mua bán rộng mở, linh hoạt và dịch vụ chuyên nghiệp hơn. Một số làng nghề truyền thống tiêu biểu như đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, giấy Phong Khê, gốm Phù Lãng, tre trúc Xuân Lai v.v… đã và đang xuất khẩu các sản phẩm khắp trong và ngoài nước. Trung bình một làng nghề hoạt động ổn định thu hút khoảng 80% số lao động địa phương và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định bảo đảm cuộc sống cho người lao động tại địa phương. Các làng nghề không những tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở các làng mà còn hạn chế sự di dân tự do ra thành thị, huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, thu hẹp khoảng cách mức sống giữa nông thôn và thành thị.
Về mặt tiêu cực, quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa khi can thiệp ở mức độ sâu rộng đã phá vỡ nhiều nét đẹp truyền thống của các làng Việt nói chung và các làng Việt ở Bắc Ninh nói riêng. Sự phá vỡ này cũng được biểu hiện rõ ở hai phương diện chính là cảnh quan, kiến trúc và đời sống sinh hoạt, kinh tế. Về cảnh quan, kiến trúc, kiến trúc sư Nguyễn Huy Phách trong bài viết “Kiến trúc nhà ở nông thôn mới” đăng trên báo điện tử Bắc Ninh đã nhấn mạnh rằng trong lịch sử, đô thị là cái đuôi của nông thôn, nhưng dưới thời kinh tế thị trường hiện nay nông thôn lại trở thành cái đuôi của đô thị. Nhà ở đô thị có cái gì thì nông thôn bắt chước như vậy. Không khó nhận ra điều này khi đến thăm các ngôi làng với những dãy nhà hình ống hoặc là sao chép nguyên mẫu hoặc là bắt chước phần nào hình thể, kiến trúc của các ngôi nhà trên đô thị. Xen cài giữa chúng là các quán internet, quán gội đầu, quán karaoke v.v… cũng mang nhiều dáng dấp đô thị nhưng lại không được qui hoạch thẳng hàng ngay lối nên đã và đang tạo ra một sự lộn xộn, lai căng giữa nông thôn và thành thị. Nhiều công trình nhà ở hay công trình công cộng với kiến trúc cổ đã bị đập đi xây lại theo kiến trúc hiện đại hoặc bị chia nhỏ để bán thành đất công nghiệp. Nhiều đình chùa bị hư hại, lâu không được trùng tu, nhiều cổng làng, cổng xóm đã bị tháo dỡ và nhiều con đường làng gạch đỏ đã được thay thế bởi đường bê tông hiện đại. Cuộc sống công nghiệp và cuộc sống đô thị hiện đại cũng khiến cho các không gian làng trong đô thị bị ô nhiễm nhiều hơn số lượng người di cư từ nơi khác đến sinh sống tại các làng này ngày càng nhiều, nhu cầu sinh hoạt tăng lên trong khi môi trường tự nhiên như cây xanh, ao hồ ngày càng bị thu hẹp. Đến đây, trở lại với vấn đề được đề cập ở trên là những di sản truyền thống của làng còn tồn tại được bao nhiêu và ở tình trạng nào? thì có thể nói, một số di sản đang ở tình trạng chưa được quan tâm thích đáng trong việc trùng tu, qui hoạch một cách hệ thống. Bên cạnh đó, các cơ chế quản lý các di sản này còn thiếu tính đồng bộ và rõ ràng.
Bên cạnh yếu tố cảnh quan, kiến trúc, đời sống sinh hoạt, kinh tế của người dân trong làng cũng chịu nhiều tác động tiêu cực. Các khu công nghiệp (KCN) như KCN Yên Phong, KCN Quế Võ, KCN Từ Sơn v.v… tràn về các làng tạo nên làn sóng “ly nông”, “ly hương” ngày càng mạnh mẽ. Người nông dân nay đã trở thành người công nhân, một phần vì thu nhập cao hơn, một phần vì không còn lựa chọn nào khác khi không thể khai thác được gì từ chính không gian làng của họ. Đặc biệt, đáng chú ý tại các làng trong đô thị, phần lớn người dân đã không còn làm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) mà chuyển sang buôn bán hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp hoặc cải tạo đất vườn để xây nhà cho thuê phục vụ nhu cầu nhà ở cho các khu công nghiệp. Điều này có thể thấy rõ qua thống kê về giá trị sản xuất hàng năm theo khu vực kinh tế.
Theo số liệu của Cục thống kê Bắc Ninh, giá trị sản xuất ở khu vực kinh tế nông – lâm – ngư nghiệp liên tục giảm từ năm 2010 với 5,58% đến năm 2014 với 1,52%, trong khi đó giá trị sản xuất trong khu vực kinh tế công nghiệp và xây dựng lại liên tục tăng từ 84,94% năm 2010 đến 95,05% năm 2014. Một số làng nghề có giá trị kinh tế cao như làng gỗ Đồng Kỵ, làng sắt thép Đa Hội v.v… thì người dân vẫn đang bám trụ làng. Ngược lại, những làng nghề thủ công chưa được quan tâm thích đáng để đem lại lợi ích kinh tế ổn định như làng tranh Đông Hồ, làng mỳ Thổ Hà, làng dệt tơ tằm Vọng Nguyệt v.v… thì tỷ lệ người dân “ly nông”, “ly hương” là khá lớn. Bên cạnh đó, tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình đã không còn mặn mà, thân thiết như xưa mà cũng dần trở lên lạnh lẽo và đóng kín như đặc trưng của lối sống đô thị. Các lễ hội truyền thống và các sinh hoạt văn hóa dân gian như múa, hát vẫn được duy trì nhưng đã mất đi nhiều thần thái xưa. Nguyên nhân chính không gì khác vẫn là do quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa gây nên. Chẳng còn nguyên vẹn không gian làng truyền thống, chẳng còn nguyên vẹn tình người truyền thống thì cũng sẽ chẳng thể gìn giữ và duy trì được đời sống văn hóa, tinh thần dân tộc cho các làng trong đô thị nói riêng và cho các khu đô thị nói chung. Bởi vậy, cần thiết lắm những qui hoạch đô thị song song với những qui hoạch chính sách để bảo tồn không gian làng truyền thống – bảo tồn linh hồn của người Việt trong lòng đô thị và cuộc sống hiện đại.
Một số đề xuất chính sách bảo tồn không gian làng trong đô thị Bắc Ninh
Như đã nhấn mạnh ở trên, mặc dù công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang làm phát sinh khá nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo tồn không gian làng nhưng bài viết này chỉ tập trung bàn luận hai vấn đề chính: (1) Làm thế nào để bảo tồn được cảnh quan, kiến trúc làng truyền thống trong lòng đô thị hiện đại? và (2) Cần có những chính sách gì để gìn giữ và phát huy đời sống văn hóa tinh thần và đời sống kinh tế cho người dân tại các làng trong đô thị?
Đô thị hóa là một xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới và bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị cũng sẽ trở thành một xu hướng phổ biến trong tương lai. GS.KTS Hoàng Đạo Kính trong bài viết “Đô thị hóa và kiến trúc nông thôn – Một vài gạch đầu dòng” đăng trong tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 4/2012 đã dự đoán rằng xã hội không thể cứ lao vào sự bất tận trong khai thác trí khôn Người và Máy, dần dà cuộc chạy rượt sẽ phải chuyển sang sự khoan nới, tìm kiếm lại sự cân bằng ở những cấu trúc cộng cư thôn quê. Sự cân bằng, đó là câu chuyện về mô hình đô thị và thôn quê tương lai. Có nên hướng nông thôn theo con đường đô thị, trở thành những đô thị nhỏ? Hay, phát triển theo hướng riêng, yếu tố đô thị không lấn át những yếu tố cốt lõi khác: sản xuất nông nghiệp + thiên nhiên tự nhiên nhiên là chủ đạo + nếp sống thiên về sự tiếp nối và thư thả với cái mới lạ? Tôi cũng hoàn toàn đồng tình với quan điểm của GS.KTS Hoàng Đạo Kính. Mặc dù làng – biểu trưng của nông thôn và đô thị là hai khái niệm về mặt nội dung có hàng loạt đặc điểm có tính đối lập nhau như lĩnh vực hoạt động sống của xã hội (công nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, giao thông, vận tải, dịch vụ), các thiết chế xã hội (thiết chế kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, gia đình), hay các nhóm, các giai cấp, tầng lớp xã hội nhưng không có nghĩa là không thể dung hòa làng trong đô thị. Hay nói cách khác, vẫn có thể bảo tồn không gian làng trong đô thị, vẫn có thể phát triển đô thị theo hướng hiện đại song song với việc gìn giữ cái hồn truyền thống cho nó nếu có các chính sách qui hoạch sớm và phù hợp. Bài toán đặt ra là làm thế nào để bảo tồn cho làng và đô thị cùng tồn tại và phát triển chứ không phải một trong hai sẽ kìm hãm sự phát triển của nhau.
Trở lại với vấn đề thứ nhất nêu trên là làm thế nào để bảo tồn được cảnh quan, kiến trúc làng truyền thống trong lòng đô thị hiện đại? Liên quan đến vấn đề này, TS. Michael DiGregorio, nhà nghiên cứu và cán bộ dự án cho Trung tâm Đông Tây và Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành một cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân về qui hoạch những ngôi làng trong thành phố Hà Nội tại các làng thuộc phía Tây Hà Nội như làng Mỗ (Tây Mỗ), làng Lai Xá (Kim Chung), làng Đồng Nanh (Tiên Phương) v.v… Kết quả khảo sát cho thấy 100% số người được hỏi đồng ý rằng hiện đại hóa và công nghiệp hóa là cần thiết để xây dựng đất nước, nhưng hơn nửa số người (52%) tin rằng việc phát triển không nên gây khó khăn cho người dân. 97% đồng ý rằng, ngay cả nếu làng của họ trở thành đô thị, nó sẽ giữ bản chất của một ngôi làng. 96% nói rằng khôi phục chùa, đình làng, miếu và là cách tôt nhất để duy trì phong tục địa phương. 69% nhận thức rằng khi làng xã của họ được đô thị hóa, sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường. Bên cạnh vấn đề về nước, rác thải và hệ thống vệ sinh, 96% coi việc duy trì vườn tược là cách tốt nhất để duy trì môi trường tự nhiên trong làng của họ, và duy trì không gian cho trẻ em vui chơi, cho người già trò chuyện, và các chợ quê cho người dân gặp gỡ như một cách tốt nhất để duy trì sự giao tiếp xã hội hàng ngày (99%).
Từ kết quả khảo sát trên thiết nghĩ mọi chính sách, qui hoạch nhằm bảo tồn không gian làng trong lòng đô thị trung tâm Bắc Ninh cũng cần tham khảo ý kiến và bám sát nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng dù là người dân tại các làng thuộc đô thị Bắc Ninh hay thuộc các tỉnh thành khác thì cũng đều có chung một nguyện vọng rằng bảo tồn không gian làng truyền thống phải song song với việc tạo tiện ích trong đời sống sinh hoạt cho người dân. Vẫn còn đó bài học kinh nghiệm từ việc qui hoạch các phố cổ Hà Nội. Bảo tồn kiến trúc cổ, không gian cổ nhưng kéo theo người dân cũng phải sinh hoạt gò bó kiểu cổ truyền trong khi cuộc sống văn minh đô thị đã hiện đại và tiện lợi hơn rất nhiều. Hay như câu chuyện người dân Đường Lâm xin trả lại danh hiệu di sản để mong có điều kiện sống tốt hơn cũng là một bài học cần rút kinh nghiệm cho việc qui hoạch làng trong đô thị tại Bắc Ninh. Như vậy, quan điểm của bài viết này là cần thiết phải qui hoạch cụ thể phạm vi, nội dung cần bảo tồn và phương pháp tiến hành bảo tồn. Người dân vẫn có thể sinh sống tại các nhà cổ được bảo tồn nếu họ muốn. Khi đó, các mô hình nhà ở được bảo tồn cần đảm bảo vừa toát lên nét kiến trúc truyền thống vừa đáp ứng được công năng sử dụng cho người dân. Người dân cũng có thể lựa chọn phương án không sinh sống trong các khu nhà ở được bảo tồn. Trong trường hợp này có thể qui hoạch các khu đất giãn dân cho người dân. Với các phương án này, không gian làng vẫn được bảo tồn mà vẫn đảm bảo tiện ích trong sinh hoạt cho người dân.
Vấn đề thứ hai được quan tâm trong bài viết này là cần có những chính sách gì để gìn giữ và phát huy đời sống văn hóa tinh thần và đời sống kinh tế cho người dân tại các làng trong đô thị? Song song với việc gìn giữ cảnh quan, kiến trúc truyền thống thì các nhà qui hoạch đô thị và các nhà hoạch định chính sách cần đặc biệt lưu ý đến việc bảo tồn các không gian sinh hoạt cộng đồng. Ví dụ, không gian tổ chức lễ hội, không gian chợ truyền thống, không gian văn nghệ tập thể, không gian hội họp v.v… bởi một trong những bản sắc của “Làng Việt” chính là “tính cộng đồng”. Đồng thời để phát huy tính cộng đồng chặt chẽ của làng thì song song với các đề xuất về bảo tồn không gian làng, cần đề xuất các chương trình, hoạt động tập thể để mọi người dân có thể cùng tham gia quản lý, giữ gìn, bảo vệ không gian làng. Ví dụ như hoạt động gây quĩ thường niên để xây dựng và bảo trì các công trình kiến trúc của làng, hoạt động vệ sinh môi trường cảnh quan làng định kì v.v…
Về vấn đề gìn giữ và phát huy đời sống kinh tế cho người dân để hạn chế tối đa hiện tượng “ly nông”, “ly hương”, thiết nghĩ bảo tồn không gian làng trong thời kì hội nhập và kinh tế thị trường cũng cần phải đi liền với một số việc như: tạo dựng các cơ hội phát triển kinh tế cho người dân trong làng trên cơ sở khai thác tiềm năng từ chính không gian làng mình, tạo dựng nguồn vốn xã hội hiệu quả (quan hệ xã hội) cho người dân trong làng v.v… Việc đầu tư, áp dụng các kĩ thuật nông nghiệp công nghệ cao để khuyến khích một bộ phận người dân giữ ruộng, giữ nghề cũng là một phương án hiệu quả vừa giúp bảo tồn cảnh quan tự nhiên của làng quê Việt Nam vừa giúp ích cho việc phát triển du lịch làng truyền thống. Mặt khác, cần tạo dựng một số nghề mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng làng để người dân có thể sinh tồn ngay trên chính mảnh đất quê hương. Bên cạnh đó, một trong những cơ hội phát triển kinh tế và mở rộng vốn xã hội cho người dân chính là đẩy mạnh phát triển du lịch làng truyền thống. Đây chắc chắn sẽ là xu hướng thịnh hành trong tương lai. Khi cuộc sống công nghiệp hiện đại ngày càng bận rộn và căng thẳng, con người sẽ càng muốn tìm về những khoảng thời gian và không gian bình yên của thủa xưa. Đó chính là các không gian làng truyền thống. Đến thăm các không gian làng truyền thống, nhiều người có thể gặp lại tuổi thơ của chính mình thông qua hình ảnh những cây đa, giếng nước, sân đình hay khung cảnh người nông dân cấy lúa, trẻ chăn trâu thả diều. Tuy nhiên, để có thể áp dụng và đẩy mạnh mô hình phát triển du lịch làng trong đô thị cần tích cực tuyên truyền và giải thích để mỗi người dân trong làng vừa hiểu rõ được lợi ích kinh tế từ loại hình dịch vụ này vừa ý thức rõ được trách nhiệm của bản thân phải gìn giữ và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng cho nhiều thế hệ đi sau. Chỉ khi ý thức của người dân được nâng cao tới mức tự giác thì công cuộc bảo tồn không gian làng mới thu được những kết quả bền vững. Tuy nhiên, cũng cần có những quy chế rõ ràng để giới hạn qui mô, mức độ, phương thức phát triển các dịch vụ du lịch khai thác từ không gian làng để tránh trường hợp làng chỉ có vỏ ngoài là truyền thống nhưng ruột thì hoàn toàn hiện đại và thương mại.
Thay cho lời kết
Nhà xã hội học Kant từng nói đại ý rằng một nhà qui hoạch đô thị phải đóng vai trò là người trung gian biến các nhu cầu sử dụng, nhu cầu kinh tế, nhu cầu xã hội của người dân thành hiện thực. Thậm chí nhà qui hoạch còn phải là người trung gian liên hệ và yêu cầu các tổ chức chính trị để ban hành các chính sách đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy, nhà qui hoạch đô thị còn phải đóng vai trò là người qui hoạch chính sách. Việc bảo tồn không gian làng trong đô thị là một vấn đề đòi hỏi cả chiều sâu và chiều rộng. Do vậy, để có thể đề xuất được những phương án bảo tồn hiệu quả, hợp lý cần có sự phối kết hợp của nhiều chuyên ngành như kiến trúc, xây dựng, kinh tế, văn hóa và xã hội học. Để tạo nên các mô hình qui hoạch về cảnh quan và kiến trúc cho các nhà ở, công trình công cộng của làng cần chủ yếu đến bàn tay của các chuyên gia về kiến trúc, xây dựng. Tuy nhiên, các cảnh quan – kiến trúc sẽ chỉ là những thực thể vô hồn nếu không toát lên được linh hồn của các giá trị văn hóa truyền thống cũng như không đảm bảo được các giá trị kinh tế về công năng sử dụng. Do vậy, dù muốn tạo nên các mô hình qui hoạch không gian làng truyền thống như thế nào đi nữa thì các nhà qui hoạch – kiến trúc – xây dựng cũng cần có sự tham vấn ý kiến của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, văn hóa và xã hội học để đạt được mục đích cuối cùng là vừa đề xuất được các mô hình qui hoạch vừa đề xuất được các chính sách sử dụng, triển khai và quản lý hiệu quả các mô hình qui hoạch đó.