Phân bố các khu dân cư nông thôn trong QHC đô thị Bắc Ninh
Lý giải như thế nào về tính tất yếu đó, cùng với nội dung và cách làm ra sao để không gian các làng được bảo tồn trong quá trình phát triển đô thị, hướng tới một thành phố tương lai có bản sắc riêng là những nội dung đang được Sở xây dựng Bắc Ninh đưa ra bàn thảo một cách thấu đáo. Trên cơ sở bám sát vào những nội dung chủ yếu cần thảo luận của Báo cáo đề dẫn hội thảo khoa học “Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2015-2030”, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia chia sẻ một số vấn đề có tính gợi mở để cơ quan chủ trì đề tài tham khảo, lựa chọn.
I. Về phân loại và lựa chọn làng cần bảo tồn không gian
Trong quá trình phát triển mở rộng đô thị theo Định hướng của QHC đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một bộ phận Làng dần dần được đô thị hóa nằm trong lòng đô thị (được gọi với tên là Làng nội đô) với những chuyển biến toàn diện về cấu trúc cũng như cơ cấu văn hóa kinh tế xã hội, trở thành một bộ phận dân cư đô thị hiện đại của thế kỷ 21; một bộ phận khác tiếp tục tồn tại trong xã hội nông thôn của vùng ngoại thành (được gọi với tên là Làng ven đô) đóng vai trò cân bằng sinh thái và cung cấp thực phẩm, rau xanh cho đô thị.
a. Làng nội đô:
Về cơ cấu đô thị, các làng nội đô có chức năng như những không gian đóng vai trò vùng đệm, vườn cây xanh với khu ở thấp tầng, xen kẽ với các khu cao tầng của Thành phố, có tác dụng tích cực đưa yếu tố mặt nước, cây xanh vào sâu trong lòng đô thị, vấn đề này đã được QHC đô thị Bắc Ninh tận dụng khai thác triệt để nhằm xây dựng một đô thị sinh thái với tiêu chuẩn Quốc tế. Sự thay đổi căn bản của các làng nội đô là ở chỗ – chuyển đổi thành một đơn vị ở đô thị, đại bộ phận dân cư là phi nông nghiệp thường làm việc tại các khu vực khác nhau của đô thị, một bộ phận nhỏ có thể vẫn giữ được nghề tiểu thủ công truyền thống. Lúc này đơn vị ở cộng đồng làng nội đô không còn giữ nguyên mô hình cấu trúc khép kín “tự cung, tự cấp” của làng xã truyền thống truyền nữa. Khi đã trở thành một làng ở ngay trong đô thị, các không gian thành phần thuộc không gian công cộng trong làng có thể tồn tại nhưng với quy mô hết sức nhỏ, sức hút có thể bị giảm sút bởi lẽ các khu dịch vụ công cộng của Thành phố ở ngoài làng đã dần chiếm mất vai trò và ưu thế của các không gian này. Tuy nhiên, các công trình công cộng làng xã như đình, chùa… tại các làng vẫn phải được người dân trân trọng giữ gìn, coi đó là môi trường nuôi dưỡng ý thức cội nguồn, phục vụ sinh hoạt cộng đồng và các giao tiếp xã hội. Khi là đơn vị ở đô thị, thì những tính chất và quy mô của không gian làng từ khuôn viên nhà ở, đường làng, ngõ, xóm ngoài nhà, không gian công cộng của nhóm nhà, khu nhà sẽ có những thay đổi đáng kể so với nguyên gốc cấu trúc làng truyền thống.
Trong cơ cấu của đô thị Bắc Ninh hiện đại, bảo tồn không gian Làng nội đô chỉ nên tập trung ở những làng nào còn giữ được nhiều gía trị, có vị trí phù hợp trong tổng thể đô thị, mới nên phục hồi, tôn tạo và phục hồi không gian làng trên tinh thần văn hoá truyền thống bằng nguyên vật liệu kỹ thuật tiên tiến để có thể bảo lưu lâu dài, đề cao những nét đẹp truyền thống còn phù hợp với xã hội phát triển. Vị trí phù hợp trong tổng thể đô thị ở đây là:
– Được bao bọc bởi những công viên cây xanh của đô thị.
– Gần những mặt nước, ao hồ, gần sông, trên bến dưới thuyền.
– Có sự dãn cách thích hợp tới các khu cao tầng của đô thị.
– Không nằm trong những khu trung tâm tài chính, thương mại, giao dịch, công nghiệp của đô thị.
b. Làng ven đô:
Về cơ cấu trong tổng thể phát triển của Đô thị lõi Bắc Ninh, các làng ven đô có chức năng là các đơn vị ở nông thôn, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam và Đông Nam, nơi cung cấp cho đô thị lương thực, thực phẩm và rau xanh. Khu vực này kết cấu dân cư tương đối thuần nhất, lượng gia tăng dân số theo năm, chủ yếu là tăng tự nhiên. Như vậy có thể thấy các yếu tố cơ bản của sự tồn tại của các làng vẫn được bảo lưu. Tuy nhiên, để hướng tới sự phát triển, không gian kinh tế và xã hội của các làng này không thể tồn tại như nó vốn có. Việc du nhập các yếu tố mới, các tiến bộ xã hội là điều tất yếu xảy ra. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mỗi xã có một trung tâm xã như các xã thông thường khác. Dự kiến xây dựng tại đây một trung tâm cụm xã hay một trung tâm dịch vụ nông thôn, các cơ sở dịch vụ xã hội, khu công nghiệp nông thôn, tập trung các cơ sở thu gom và chế biến sản phẩm nông nghiệp, các cơ sở tiêu thủ công nghiệp truyền thống có quy mô. Có thể thấy, không gian lãnh thổ của các làng ven đô sẽ có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, loại nhà ở truyền thống khu vực dân cư thuần nông ít thay đổi về cơ cấu tổ chức không gian, có chăng sẽ thay đổi về kết cấu và vật liệu xây dựng, hiện đại hơn, bền chắc hơn.
II. Những quan điểm và nguyên tắc bảo tồn không gian làng
2.1. Quan điểm về bảo tồn:
Cùng với những chuyển biến của xã hội, làng xã nói chung đều có sự xoay chuyển, dung nạp các giá trị mới. Đó là sự tất yếu của quá trình tồn tại và phát triển. Trong mỗi làng, luôn luôn tồn tại hai yếu tố: những cái cần bảo tồn (yếu tố gốc) và những cái đang phát triển (yếu tố mới), chúng chuyển hoá và bổ xung cho nhau tạo nên bản sắc của làng Việt truyền thống. Vì vậy, có thể nhìn nhận quan điểm xuyên suốt quá trình bảo tồn không gian làng ở đây là chấp nhận sự cộng sinh và bảo vệ tính liên tục của lịch sử.
Có nghĩa là:
– Bảo tồn nguyên trạng mọi yếu tố gốc, phải có thái độ thận trọng đối với những yếu tố bổ xung sau nhưng có giá trị thực tiễn đối với cuộc sống hoặc có giá trị thẩm mỹ phù hợp và phải làm nền cho yếu tố gốc. Những thay đổi hiện thời được xem như là một phần lịch sử phát triển của nó. Không thể cấm xây dựng và hoạt động kinh tế, văn hoá ở làng, không thể bắt người dân ở trong những ngôi nhà tranh lụp xụp, điều kiện môi trường thấp kém. Sự phát triển đã được chứng minh là cần thiết và tất yếu, nhưng phải dựa trên cơ sở kế thừa di sản truyền thống. Điều này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc kết hợp công tác bảo tồn di sản với những chiến lược đô thị hóa các làng.
– Cải tạo lại một số khu vực trong làng (đã xuống cấp, không phù hợp với thực tế phát triển) trên tinh thần văn hoá truyền thống bằng nguyên vật liệu kỹ thuật tiên tiến để có thể bảo lưu lâu dài, đề cao những nét đẹp truyền thống còn phù hợp với xã hội phát triển.
– Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, môi trường của làng. Đảm bảo những điều kiện tiện nghi sinh hoạt phù hợp với thực tế phát triển.
2.2. Những nguyên tắc về bảo tồn không gian làng:
Làng là một thực thể vật chất sống động, chứa đựng trong nó các yếu tố đặc trưng do con người tạo dựng ra: từ văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng đến hình thái tổ chức không gian vv… với một bề dày lịch sử văn hoá truyền thống đáng trân trọng. Trên cơ sở đó, đối tượng của công tác bảo tồn không gian làng sẽ bao gồm:
– Vật thể (hình thái không gian, di tích, di vật, cổ vật, và các phương tiện phục vụ hoạt động của con người vv…).
– Phi vật thể (các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghề nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng vv…).
Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua một phần quan trọng chính là con người, chủ thể của làng, có mối quan hệ tương hỗ tới đối tượng bảo tồn.
a. Hình thái không gian làng truyền thống:
Do một tập hợp các công trình kiến trúc được tổ chức theo những nguyên tắc nhất định, có sự tham gia của các yếu tố địa hình, cảnh quan. Tạo nên một vẻ đẹp độc đáo, có những nét đặc trưng của không gian hướng tới sự hài hoà, cân đối với khung cảnh và môi trường. Từ những nhận thức như vậy, đề nghị một số nguyên tắc như sau:
– Giữ gìn không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của các làng, đó là gìn giữ không gian ở cho từng gia đình, không gian giao thông (đường làng , ngõ xóm), không gian hoạt động xã hội cộng đồng, không gian tâm linh – lễ hội, không gian lao động sản xuất. Tôn trọng các gía trị hình thái của cấu trúc mặt bằng đã có.
– Bảo tồn và phục hồi các di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước công nhận xếp hạng cũng như các công trình có gía trị về nghệ thuật kiến trúc hoặc những công trình mang dáng vẻ đặc trưng của một giai đoạn lịch sử, được đánh gía là di sản kiến trúc dân tộc, các công trình này tạo nên đặc trưng và sự hấp dẫn của hình thái không gian làng.
– Cải tạo hoặc thay thế các công trình không được đánh giá là di sản kiến trúc dân tộc bằng những công trình xây mới theo phong cách kiến trúc truyền thống, khuyến khích sử dụng vật liệu, chi tiết kiến trúc truyền thống. Tuy nhiên cần tuân thủ những nguyên tắc khống chế chiều cao các công trình xây mới trong khu vực.
b. Các hoạt động văn hóa, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống:
Cần được trân trọng giữ gìn với một nguyên tắc bất biến là duy trì và phát huy các giá trị văn hoá, bài trừ hủ tục, chống các biểu hiện mê tín, dị đoan.
III. Những giải pháp bảo tồn không gian làng trong đô thị
3.1. Giải pháp về quy hoạch và quản lý xây dựng:
Hồ sơ quy hoạch và các văn bản kèm theo, chỉ có thể quan tâm đến tổng thể của toàn đô thị, sự liên hệ giữa các khu vực chức năng và quản lý xây dựng tại các khu chức năng này, bao gồm: các khu trung tâm công cộng, khu cây xanh, khu ở, đơn vị ở, khu công nghiệp, khu trường học vv…như vậy có thể thấy cơ sở pháp lý như hiện nay chưa thể phục vụ cho công tác quản lý xây dựng tại các làng thuộc diện bảo tồn không gian làng. Vì vậy công việc đầu tiên cần làm là xây dựng ngay cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng tại các làng này, chính là:
“Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo không gian làng… ” công cụ để các nhà quản lý thực thi công việc của mình. Nội dung cụ thể được kiến nghị như sau:
a. Khoanh vùng khu vực bảo tồn:
Việc giới hạn khu vực bảo tồn, thiết lập vành đai bảo vệ bằng các phương tiện của tự nhiên như mặt nước, cây xanh, đồng ruộng, là rất cần thiết. Quy mô và phạm vi được xác định trên cơ sở vị trí của Làng trong QHC đô thị Bắc Ninh được duyệt và nhu cầu đất đai thực tế của Làng, phải phù hợp với sự phát triển chung của đô thị.
b. Đánh gía hiện trạng:
Đây là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện để tìm ra một cách ứng xử thích hợp trong công tác bảo tồn không gian làng ở khía cạnh văn hóa vật chất.
– Cần khảo sát nghiên cứu thực trạng các làng xã, công trình kiến trúc trong Làng có thể phân loại như sau:
+ Công trình nhóm A: là các công trình mang đặc trưng của kiến trúc truyền thống, chất lượng kỹ, mỹ thuật tốt.
+ Công trình nhóm B: là các công trình mang đặc trưng của kiến trúc truyền thống, chất lượng kỹ, mỹ thuật trung bình.
+ Công trình nhóm C: là các công trình mang đặc trưng của kiến trúc truyền thống, chất lượng kỹ, mỹ thuật kém.
+ Công trình nhóm D: là các công trình không thuộc các nhóm trên.
Các nhóm {A,B,C} thuộc nhóm kết cấu không thép, kết cấu gỗ, gạch, ngói, đất, thuộc loại ít bền vững. Nhóm {D} thuộc nhóm kết cấu thép, chỉ bắt đầu xuất hiện ở thập kỷ 60 của thế kỷ XX, hiện nay đang có xu hướng phát triển mạnh, vì tính kiên cố và xu thế của thời đại. Tuy nhiên hình thức kiến trúc hiện nay của nhóm D thường được thiết kế không đẹp, không ăn nhập với cảnh quan của Làng, ảnh hưởng xấu đến dáng vẻ đặc trưng của Làng và bị đánh gía là không thích hợp.
Tỉ lệ phần trăm của các nhóm được phân loại như trên đưa ra khái niệm về tính nguyên vẹn và mức độ bảo tồn các nhân tố gốc.
– Xác định, thống kê, lập danh mục các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng hoặc chưa được xếp hạng, phân loại theo các tiêu chí trên – đưa vào diện bảo tồn, tôn tạo theo nguyên tắc truyền thống về bảo tồn di tích kiến trúc.
c. Giải pháp chính:
Với quan điểm “ Chấp nhận sự cộng sinh và bảo vệ tính liên tục của lịch sử “, áp dụng vào việc tổ chức bố cục không gian Làng đưa đến hiện nay, trong các Làng truyền thống luôn tồn tại hai nhân tố: gốc (cũ), bổ xung (mới) đan xen một cách tự phát không định hướng gây ra những hiệu quả bất lợi cho việc phát huy và bảo vệ các nhân tố gốc. Các định hướng nhằm mục đích bảo tồn cơ cấu không gian đặc trưng của các làng, duy trì và tôn tạo các yếu tố thành phần (công trình) tạo nên không gian đặc trưng đó là:
– Lựa chọn khu vực còn mang nhiều đặc điểm tiêu biểu của nhân tố gốc, gia cố (hoặc phục hồi), và làm cho nó trở về gần với nguyên trạng (có nghĩa là phải từng bước chuyển dời các công trình không thích hợp ra nơi khác và bằng sự dãn dân thích ứng), khu vực này được coi là khu vực cốt lõi, nhân tố gốc của đối tượng bảo tồn, được xác định trong ranh giới luỹ tre xưa. Tái tạo lại thành luỹ tự nhiên bảo vệ làng gốc như rặng cây, luỹ tre, mương nước vv… Phục hồi các công trình công cộng dân gian truyền thống đã bị huỷ hoại, trên cơ sở nền móng cũ. Từng bước, loại bỏ hoàn toàn những công trình qua đánh giá có điểm kiến trúc không phù hợp tại khu vực làng gốc.
– Công trình nhà ở: Xét về quá trình hình thành và phát triển làng truyền thống, nhận thấy, công trình nhà ở thuộc nhóm yếu tố liên tục chuyển tiếp từ giai đoạn này sang giai đoạn khác kể từ giai đoạn Truyền thống trung đại. Cho nên công trình nhà ở tại các làng được cho là phù hợp với môi trường mà nó tồn tại (đứng về phương diện bảo tồn) phải có tính kế thừa các gía trị của yếu tố gốc, các gía trị này đều xuất phát từ những đặc điểm về tự nhiên và phong cách sống của người Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng và cải tạo công trình nhà ở tại các làng truyền thống bảo tồn phải quán triệt mục tiêu “Khai thác, phát triển các đặc điểm kiến trúc nhà truyền thống… trong tổ chức không gian kiến trúc nhà ở:
– Nhà ở truyền thống là một khuôn viên bao gồm: nhà chính, nhà phụ (nhà ngang, nhà bếp và chuồng gia súc cùng sân, vườn, ao, giếng hoặc bể nước, hàng rào, tường vây quanh, cửa ngõ.
– Tăng cường việc bố trí cây xanh, đặc biệt là khu vực đệm giữa làng gốc và khu vực phát triển, vừa bao bọc vừa che chở cho các công trình kiến trúc các di tích, vừa như một sự tôn thêm gía trị yếu tố nguyên gốc. Lưu giữ và phát triển các gía trị cảnh quan như cây xanh, mặt nước biến nó thành những không gian nghỉ ngơi, thư giãn cộng đồng cho cư dân trong làng và cả du khách. Đặc biệt phải bảo tồn các cây truyền thống thụ, các khoảnh tre là các nhân chứng lịch sử không dễ gì tạo được trong vài ba thế hệ con người. Đối với làng truyền thống nội đô, phải tạo lập được ít nhất một vùng không gian mở, cây xanh (mặt nước) tiếp cận với thiên nhiên.
d. Các chỉ tiêu về quản lý xây dựng, định hướng kiến trúc cho khu vực làng gốc:
– Chỉ tiêu diện tích đất ở: 300I400 m2/hộ hoặc 80I100 m2/người (căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất, QHC đô thị Bắc Ninh và quy mô cho phép trong Luật đất đai).
– Mật độ xây dựng không được lớn hơn 30%; Tầng cao: 1 tầng; Hệ số sử dụng đất: 0,3 lần.
– Đường giao thông: không mở rộng mặt cắt, không sử dụng các kết cấu mới (thấm nhập nhựa, bê tông atsphan vv…).
– Đối với những công trình nhà ở được đánh giá là di sản kiến trúc thì việc tôn tạo phải tuân thủ theo các nguyên tắc bảo tồn di tích kiến trúc.
– Đối với những công trình nhà ở không được đánh gía là di sản, thì việc cải tạo, xây mới phải tuân thủ chặt chẽ theo nguyên tắc:
+ Không bố cục không gian theo chiều dọc nhà (hình ống), hướng tới việc bố cục theo hình thức bố cục truyền thống. Ngừng ngay việc xây dựng nhà ở theo kiểu đô thị (nhà ống, cao tầng) tại các hộ gia đình ở đây.
+ Phát huy tính kế thừa tốt đẹp của kiến trúc dân gian truyền thống. Nhà mái ngói, 1 tầng, giữ không gian lớn đa năng của nhà (nơi thờ tự, tập hợp các thành viên gia đình trong sinh hoạt hàng ngày).
+ Khu sản xuất thủ công nghiệp hộ gia đình (nếu có) được bố trí thành một khu riêng kết hợp với các công trình phục vụ sinh hoạt khác của gia đình như bếp, khu vệ sinh, tắm vv…
+ Nhà ở phải gắn bó với sân vườn, với thiên nhiên vừa bảo đảm cái riêng của từng nhà nhưng đồng thời lại hoà vào không khí chung của làng xóm thể hiện tính cộng đồng vốn có trong kiến trúc truyền thống.
+ Khuôn viên khu đất ở của mỗi hộ gia đình đều phải đảm bảo các yếu tố truyền thống, khôi phục lại một số hình thức cổng ngõ theo mô típ kiến trúc truyền thống truyền của dân tộc. Tường xây, nên tận dụng màu sắc bề mặt tự nhiên của vật liệu nhất là vật liệu địa phương.
e. Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật – cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường:
– Tổ chức giao thông trong làng gốc vẫn được duy trì theo những đặc trưng vốn có của nó. Từ tuyến giao thông khu vực sẽ có đường giao thông chính của làng nối vào. Đường chính của làng đi qua cổng làng, chùa (đền), đình làng rồi đi qua từng ngõ xóm và cuối cùng đường chính của làng lại đi qua cổng sau của làng. Đường làng được lát bằng gạch chỉ xây nghiêng.
– Mạng lưới cấp điện phải được đi ngầm để không ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực. Mạng lưới chiếu sáng phải được bố trí hợp lý, hình thức kiến trúc của các loại đèn chiếu sáng phải phù hợp với cảnh quan khu vực, hoặc được ẩn dấu một cách khéo léo.
– Sử dụng nước giếng khoan có hệ thống lọc cục bộ hoặc sử dụng mạng lưới nước thành phố (nếu có thể).
– Cải tạo lại hệ thống thoát nước khu vực trên cơ sở mạng lưới thoát nước hiện có, nạo vét ao mương, khơi thông dòng chảy. Cải tiến hố xí bán tự hoại. Đây là công việc cần giải quyết dứt điểm thông qua các quy định bắt buộc, các quy chế ưu đãi nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
f. Sự tham gia của cộng đồng:
Việc lập quy hoạch chi tiết này nhất thiết phải có sự tham gia ý kiến của cộng đồng dân cư địa phương và các cơ quan chuyên môn trong các lĩnh vực: văn hóa, địa chính và xây dựng; để đảm bảo tính khả thi, phù hợp lòng dân và nâng cao mức sống chính là tính khoa học của đồ án.
3.2. Giải pháp về quản lý đất đai:
a. Về đất thổ cư (đối với làng nội đô là đất ở đô thị, đối với làng ven đô là đất khu dân cư nông thôn):
– Lập hồ sơ địa chính, để quản lý đất đai, đồng thời xác định chính xác những hộ dân có quy mô lô đất ở thấp, những hộ dân có chỉ tiêu đất ở bình quân thấp, cần phải mở rộng diện tích ở, để có chính sách dãn dân thích hợp, đảm bảo việc thực thi các công tác về đất đai chính xác và công bằng.
– Cơ cấu lại đất tại khu vực làng gốc. Nhằm chủ động từng bước tôn tạo lại giá trị không gian truyền thống cho các làng.
– Quỹ đất để dãn dân và cơ cấu lại đất được dùng từ quỹ đất được chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng công nghiệp và phát triển đô thị, đồng thời tập trung dãn dân vào các trung tâm xã và cụm xã.
– Thu hồi lại các phần đất bị lấn chiếm.
b. Về đất thổ canh:
– Giao đất cho hộ nông dân ổn định, lâu dài với thời hạn sử dụng 20 năm. Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT vào việc tăng chất lượng đất canh tác, củng cố hệ thống thuỷ lợi để tăng sản lượng nông nghiệp cải thiện tình hình kinh tế.
– Đối với những hộ nông dân tại các làng nội đô, cần có kế hoạch và coi trọng công tác giáo dục, đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp khi bị thu hồi đất sản xuất để giải quyết tốt từng bước vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn, cải tiến chính sách hỗ trợ bằng tiền cho đào tạo chuyển nghề khi thu hồi đất như hiện nay, tận dụng triệt để sử dụng quỹ đất trong từng giai đoạn chuyển mục đích sử dụng.
– Chỉ những hộ gia đình, cá nhân di chuyển đi nơi khác hoặc chuyển sang làm nghề khác để sinh sống hoặc không còn khả năng trực tiếp lao động nữa thì mới được chuyển nhượng.
– Những hộ gia đình còn ít ruộng đất mà vẫn sống bằng nghề nông thì kiên quyết không cho họ chuyển nhượng đất, có chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, thuỷ lợi, áp dụng tiến bộ KHKT, vv… tạo điều kiện thuận lợi cho họ yên tâm đầu tư sản xuất trên mảnh ruộng của họ.
– Nhà nước và chính quyền địa phương cần có các chính sách cho phép các hộ nông dân đổi đất cho nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, giảm bớt tình trạng manh mún của đất đai như hiện nay ở nông thôn.
3.3. Giải pháp về bảo tồn di sản văn hoá làng, khai thác quản lý hoạt động du lịch:
Làng truyền thống là cái nôi chứa đựng các hiện tượng văn hóa, đồng thời bản thân nó cũng là một hiện tượng văn hóa. Làng truyền thống không những là một bộ phận sản phẩm của con người, mà đồng thời là nơi nuôi dưỡng tính cảm, vật chất tạo nên con người. Do vậy bên cạnh việc bảo tồn các gía trị văn hóa vật chất, phải tiến hành bảo tồn và phát huy các gía trị văn hoá tinh thần.
– Bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống và hội làng.
– Bảo tồn và phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
– Bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống.
– Tổ chức Tour du lịch khép kín, khai thác triệt để mọi lợi thế về các gía trị di sản văn hóa cũng như gía trị về không gian kiến trúc cảnh quan, cây xanh nhằm lôi kéo, thu hút khách du lịch.
– Tổ chức các hoạt động giáo dục, tuyên truyền đến với tất cả các đối tượng dân cư làng truyền thống cùng tham gia vào hoạt động du lịch dươí nhiều góc độ khác nhau.
– Xây dựng các chỉ dẫn văn hoá, đưa ra các tiêu chuẩn thích hợp cho du khách khi đến thăm quan, mua hàng, chụp ảnh vv… Làm cho du khách thừa nhận và tôn trọng các phong tục, tập quán địa phương.
– Quản lý các chuyến du lịch đến và đi phù hợp với mức độ tiếp nhận của làng.
Kết luận
Bảo tồn không gian làng trong Đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh xuất phát từ mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của dân tộc. Các làng, bản thân nó đã là một di sản của một nền văn minh trong quá khứ “Văn minh nông nghiệp lúa nước”, một sản phẩm của lịch sử, đồng thời nó lại là nguồn nuôi dưỡng, môi trường sống của các di sản văn hoá đã và đang được xã hội phát huy. Chính vì vậy, vấn đề bảo tồn không gian làng phải được lồng ghép vào các hoạt động bảo tồn và quy hoạch của Đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển của mình. Vấn đề đặt ra cho công tác bảo tồn không gian làng lúc này là tìm ra một mô hình có tính khả thi để có thể dẫn đường cho công tác bảo tồn và quản lý xây dựng đô thị. Nguyên tắc bảo tồn không gian làng phải tuân thủ các đặc thù về lịch sử phát triển các làng và không gian kiến trúc đặc trưng của nó, công tác bảo tồn không gian làng phải được giải quyết ở 3 khía cạnh: Vật thể (hình thái không gian, di tích, di vật, cổ vật, và các phương tiện phục vụ hoạt động của con người vv…); Phi vật thể (các hoạt động văn hóa, lễ hội, nghề nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng vv…); Khía cạnh cuối cùng không kém phần quan trọng chính là con người, chủ thể của làng, có mối quan hệ tương hỗ tới đối tượng bảo tồn.