Người Xây dựng Bắc Ninh những ngày đầu tái lập tỉnh

Để tỉnh mới sớm ổn định và nhanh chóng phát triển, ngành Xây dựng đã sớm được giao những nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Song họ đã triển khai, thực hiện bước khởi hành đầy hào hứng, tâm huyết và trách nhiệm. Để lại kết quả ban đầu đầy ấn tượng mà ngày nay nhìn lại đáng được ghi nhận.

 

Đồng chí Phạm Đình Nghĩa, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh giai đoạn 1997-2000

chỉ đạo công tác lập Đồ án Quy hoạch chung thị xã Bắc Ninh, tháng 1 năm 1997

 

Ngay từ trung tuần tháng 9/1996, những gợi mở đầu tiên về kế hoạch của ngành Xây dựng khi 2 tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang được tái lập đã được nhen nhóm, trong đó có những nhiệm vụ cần kíp, nặng nề cho tỉnh mới Bắc Ninh khi tỉnh lỵ được di chuyển về Thị xã Bắc Ninh. Với tư cách là thị xã mới, yêu cầu đầu tư, xây dựng mới đang đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Xây dựng các cơ quan, công sở, xây dựng nhà ở cho nhu cầu tái định cư, xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật: Điện, nước, đường xá… sao cho vừa khẩn trương, vừa hiệu quả, vừa phù hợp giữa trước mắt, lâu dài, giữa cục bộ và toàn cục. Đó là một câu hỏi lớn, và cũng là nhiệm vụ nặng nề đặt ra cho những người Xây dựng Bắc Ninh.

Quả vậy, không bao lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc bấy giờ, ông Ngô Đình Loan đã trực tiếp giao nhiệm vụ trên cho ngành Xây dựng, có thể tóm tắt như sau:

Một là, cần sớm làm quy hoạch thị xã Bắc Ninh phục vụ kịp thời cho nhu cầu xây dựng của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân theo quy mô thị xã mới tỉnh lỵ.

Hai là, có phương án sắp xếp nơi làm việc tạm thời cho Tỉnh ủy, UBND và các cơ quan đoàn thể của tỉnh mới.

Ba là, dự thảo cơ chế, chính sách cho việc giải quyết nhà ở, đất ở cho cán bộ, công nhân viên trở về thị xã Bắc Ninh.

Đây là một khối lượng công việc to lớn, nặng nề, phức tạp lại đòi hỏi đáp ứng trong thời gian ngắn (trước 31/12/1996 với nội dung sắp xếp). Quả là thử thách lớn cho những người tổ chức thực hiện.

Song những người xây dựng Bắc Ninh bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, cùng với sự phấn khích khi tỉnh nhà được tái lập đã đồng lòng bắt tay vào công việc với những nỗ lực, quyết tâm thực sự. Nhiều người đã hết sức tự giác, vượt lên các khó khăn vì nhiệm vụ của mình. Cả một thời gian dài họ phấn đấu không ngừng nghỉ, không kể giờ giấc, không hề đòi hỏi bất kì điều gì, ai cũng hăm hở phấn chấn vì mục tiêu công việc, vì sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà trong năm đầu tiên sau 34 năm sáp nhập.

Chuẩn bị nơi làm việc

Để có quỹ nhà làm việc tạm thời, các cán bộ ngành Xây dựng gần như tiến hành kiểm kê với tất cả tài liệu, khả năng sẵn có, kiểm kê toàn bộ quỹ nhà của toàn thị xã Bắc Ninh từ các cơ quan Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, quân đội, công an… Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban ngành cũng chủ động đề xuất, chủ động thị sát, sắp xếp nơi làm việc cho mình thông qua ngành dọc cũng như các quan hệ xã hội khác. Kết quả thương lượng đã tạo ra quỹ nhà cần thiết cho các cơ quan, đoàn thể, mặc dù hết sức eo hẹp và bề bộn, song các cơ quan đoàn thể cũng có thể bắt tay vào làm việc vào đúng ngày 1/1/1997 lịch sử.

Các cơ quan như Báo Bắc Ninh, Đài phát thanh – Truyền hình Bắc Ninh không hề gián đoạn vì trụ sở của mình. Cũng phải hết sức cảm ơn về sự thịnh tình và đóng góp không nhỏ của các lãnh đạo, cán bộ công nhân viên các cơ quan cho mượn nhà như: Công ty Xây dựng Số 4, Công ty hóa chất Mỏ, Nhà nghỉ Suối Hoa, Thuốc lá Bắc Sơn, Kính Đáp Cầu, Công ty Dược, Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ, UBND Thị xã Bắc Ninh và các phường xã trong thị xã… Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đã đưa lại kết quả như sau này đã thấy.

Về chính sách nhà ở – đất ở

Ở thời điểm năm 1996 – 1997, nhà ở vẫn chưa có thị trường, nhà nước còn bao cấp một phần nhà ở cho những người trong biên chế nhà nước. Một chính sách với những quy định cụ thể về điều này là khá phức tạp, đan xen trong nhiều quan điểm đổi mới khác nhau, lại liên quan đến quyền lợi trực tiếp của nhiều người, đến chính sách chế độ ưu đãi người có công với nước. Tất cả được đề cập, luận giải, cân nhắc, thảo luận nhiều lần từ phạm vi nhỏ đến tập thể lớn, từ cấp dưới lên cấp quyết định, cuối cùng cũng đã được thông qua Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Theo đó, nội dung cốt lõi là tất cả cán bộ, công nhân viên về Bắc Ninh được cấp đất ở theo hai loại ưu tiên: Những người chưa được mua nhà – đất của nhà nước và những người đã được mua nhà – đất của nhà nước. Loại thứ hai cũng được mua nhà đất song mức giá cao hơn loại chưa được mua nhà. Có thể nói hầu hết cán bộ, công nhân viên tái định cư đều có nhà ở, đất ở, đã góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống, tạo môi trường an cư cho mọi người yên tâm phấn đấu, làm việc ngay ngày đầu tỉnh mới tái lập.

Điều đáng mừng là sau đó Chính phủ có chính sách chung cho các tỉnh mới chia tách, tinh thần và nội dung tương tự tỉnh ta không phải điều chỉnh nhiều. Chính sách này về sau được mở rộng, các đối tượng khác từ các huyện, các nơi khác chuyển về thị xã cũng được áp dụng tương tự.

Từ chính sách nhà ở, một loạt các tiểu khu nhà ở được đầu tư hạ tầng, sau đó bán đất nền cho người ở tự xây thông qua quản lý mẫu nhà. Vì nhu cầu người ở quá bức bách, mãi sau mới tiến thêm một bước: Dự án phải xây nhà thô mới được bán.

Giải pháp đồng bộ trong nhà ở thị xã Bắc Ninh đã cơ bản quản lý được trật tự xây dựng ở khu phố mới mặc dù quá trình xây dựng diễn ra ồ ạt, khẩn trương. Chúng ta đã có những phố như: Nguyễn Gia Thiều, Hai Bà Trưng, Lê Văn Thịnh… không đến nỗi xộc xệch.

 

Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh, được UBND tỉnh Băc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 135/QĐ-UB ngày 03/6/1997

 

Lập quy hoạch thị xã mới

Thời kỳ Hà Bắc (1963 – 1996), thị xã Bắc Ninh có quy mô nhỏ, vùng nội thị bám theo các trục đường giao thông và thành cổ mà người dân gọi tắt là Tiền – Ninh – Vệ – Đáp – Thị Cầu là đủ, hay Thị xã đèn dầu, hoặc Thị xã bị bỏ quên. Và ngay đến 1996 thị xã vẫn chưa có nước máy sạch. Từ những yêu cầu thực tiễn đó của cuộc sống đòi hỏi thị xã phải chuyển mình đi lên, vươn đến những đòi hỏi mới, tầm cao mới. Thị xã trở lại với tư cách Thị xã tỉnh lỵ, có các cơ quan hành chính, Đảng, Đoàn thể cấp tỉnh, có nhiều công trình công cộng lớn cấp tỉnh, cấp vùng. Do đó nhiệm vụ lập quy hoạch cho thị xã mới là khách quan và cần kíp, đặc biệt phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng ngay ngày đầu tái lập tỉnh.

Vấn đề lớn là lập quy hoạch thị xã sao cho nhanh nhất. Ông Chủ tịch tỉnh Ngô Đình Loan chất vấn: “Nếu làm quy hoạch ngay thì bao giờ có thể xong?”. Để làm được quy hoạch một đô thị thường thì 9 tháng đến 1 năm. Chủ tịch tỏ ra ái ngại: “Vậy thì sao đáp ứng được yêu cầu xây dựng khẩn trương này?”. Những người làm xây dựng hiểu ý lãnh đạo và phân vân: Có cách nào làm nhanh hơn nếu được tỉnh đồng ý? Trong khi chờ đo đạc, ta tập trung toàn bộ bản đồ đã có, kể cả bản đồ quân sự để thiết kết quy hoạch trước rồi chỉnh lý sau khi bản đồ xong?

Và vấn đề quan trọng được đặt ra là chọn một đội ngũ chuyên gia sành sỏi, có nhiều kinh nghiệm để lập quy hoạch. Nếu cố gắng như thế, thời gian có thể giảm 1/3 hay hơn nữa. Ông Chủ tịch tỏ ra phấn chấn: “Phải cố gắng thế thôi và chúng ta triển khai ngay công tác trọng tâm này”.

Việc xác lập quy hoạch thời đó diễn ra khá dân chủ, công khai, minh bạch, tập trung trí tuệ nhiều người, ngoài những người làm quy hoạch ngành Xây dựng Bắc Ninh, của Viện quy hoạch Đô thị nông thôn quốc gia, còn có sự tham gia của các vị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành, các huyện, thị xã và các chuyên gia tư vấn, phản biện… Đến các cụ lão thành cách mạng, các vị nguyên là lãnh đạo cũ của Hà Bắc – Bắc Ninh. Những vấn đề lớn như tính chất, chức năng đô thị, lựa chọn định hướng phát triển không gian …. đều được cân nhắc cẩn trọng, nhiều phương án được khởi thảo, phân tích, so sánh, quan trọng hơn cả là Khu trung tâm Chính trị – Hành chính được thảo luận sôi nổi. Cũng có phương án sử dụng công trình cũ trước khi sáp nhập (1963) là UBND tỉnh ở Dinh Tỉnh trưởng cũ, Tỉnh ủy ở Nhà nghỉ Công Đoàn Suối Hoa, nguyên trụ sở Tỉnh ủy cũ. Và 3 phương án mới:

Phương án 1: Khu vực sau Đọ Xá (gần Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ hiện nay).

Phương án 2: Khu vực sau Gò Đỏ đầu đường Dây diều cũ (gần ngã 6 hiện nay).

Phương án 3: Vị trí cánh đồng Vũ Ninh (như hiện nay đã có).

Mọi sự cân nhắc, phân tích so sánh đều tỉ mỉ, kết hợp với nhiều lần đi thực địa để xếp loại thứ tự ưu tiên. Cuối cùng phương án đã được chọn và thực hiện như hiện nay.

Công việc đang được triển khai cuốn hút khẩn trương, bỗng có ý kiến yêu cầu dừng lại vì lập quy hoạch trong khi chưa có kế hoạch của nhà nước giao – một trở ngại lớn. Kế hoạch từ nhà nước đến địa phương, cơ sở phải chờ thêm một thời gian nữa. Đương nhiên kế hoạch làm quy hoạch tất yếu phải có cho cả 8 tỉnh mới chia kỳ này. Vấn đề chỉ còn là thời gian.

Nhận thức rõ điều đó, những người làm quy hoạch đã tự giác lặng lẽ, âm thầm tiến hành công việc bình thường bằng cách mang tài liệu cần thiết về nhà, tận dụng tới quỹ thời gian ngoài giờ có thể, kể cả các buổi tối và ngày nghỉ. Chưa có lúc nào và chưa thấy bao giờ những người làm quy hoạch thị xã Bắc Ninh lại phấn khích, tâm huyết và trách nhiệm đến thế. Họ hy sinh thực sự và không đòi hỏi thêm điều gì. Họ chờ đợi thành công của quy hoạch này sẽ là phần thưởng cao quý cho họ. Họ đã đồng thuận gặp nhau ở một hướng. Quả vậy, khi kế hoạch nhà nước chính thức được giao thì những phương án quy hoạch đã cơ bản được xác lập, sẵn sàng báo cáo thông qua các cấp và ngay sau đó qua nhiều lần thông qua sửa chữa, bổ sung. Buổi thông qua cuối cùng ở địa phương với tập thể Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ngành trong tỉnh vào ngày 22/1/1997 sau hơn ba tháng lao động miệt mài, hào hứng. Đúng ngày chính Hội Lim (13/1) chúng tôi phấn khởi được hiện diện tại hội nghị thông qua lần cuối tại Bộ Xây dựng trước khoảng 60 quan khách gồm đại diện các bộ, ngành, cùng với một số chuyên gia phản biện. Sau khi UBND Bắc Ninh đọc tờ trình, nhiều ý kiến tham gia, cả chất vấn, phản biện… Các ý kiến đã đánh giá khá cao chất lượng của Đồ án. Các vấn đề còn lại không còn lớn, đồng thời cũng được đánh giá đồ án sớm nhất trong các tỉnh mới chia cùng đợt.

 

Trụ sở Tỉnh ủy Bắc Ninh, công trình được giải thưởng Kiến trúc năm 2000

 

Tuy nhiên nội dung phát triển không gian, thiết kế đô thị, điểm nhấn cảnh quan vẫn còn khái quát. Với thiên nhiên ưu ái đã chú ý khai thác được gì, các vùng đồi phân bố như săp đặt xung quanh, từ Đáp Cầu – Cổ Mễ – Quả Cảm sang Khả Lễ – Ba Huyện – Phúc Đức (núi Văn Miếu) đóng góp gì vào không gian, ngoài ra tạo ra trục đường trung tâm xương sống theo hướng Núi Đèo – Phúc Đức (núi Văn Miếu). Rồi Phúc Đức – Khả Lễ (đường Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ hiện nay). Cùng với đó cảnh quan và điểm nhấn đô thị còn mờ nhạt. Ngoài điểm nhấn cảnh quan là quảng trường trung tâm, quảng trường không gian vườn hoa Nguyên Phi Ỷ Lan trước cửa Tỉnh ủy, UBND tỉnh và khu vực ngã 6, các điểm khác chưa được nêu bật, chẳng hạn như Trung tâm Hội chợ triển lãm Khả Lễ, Trung tâm Thể thao Vũ Ninh chưa có thiết kế đô thị cụ thể. Việc xác lập chuyển đổi đường sắt kiến nghị dịch chuyển lên phía Bắc (Hòa Long) và xác lập ga chính cho đô thị ở đó còn bỏ ngỏ, do phương án của tuyến quốc gia chưa được xác định. Do đó việc dự kiến cùng tuyến cũ làm đường sắt đô thị và nối về Thủ đô trở thành tầm nhìn có thể mà thôi.

Như tham vọng giai đoạn đầu dự báo phần phát triển đô thị mới là nối khu vực Thị Cầu, Vũ Ninh với Đại Phúc (phường Suối Hoa hiện nay); phát triển Bò Sơn – Khả Lễ –  Hòa Đình của Võ Cường; và kết nối Thành cổ –  Vệ An qua Y Na đến Phúc Sơn Cổ Mễ. Việc xác định nội thị – vùng xây dựng thiết yếu tập trung – là khả thi. Cho đến ngày nay sự phát triển thực tế diễn ra gần đúng như vậy. Đó là một thành công không nhỏ, điều đáng tiếc là ít tạo ra những công trình đẹp, cảnh quan đẹp bởi những hạn chế về thiết kế đô thị và quản lý xây dựng đô thị.

Mặc dù phương án quy hoạch đã nhấn mạnh khai thác hài hòa các yếu tố thiên nhiên, đảm bảo đô thị phát triển bền vững, song còn dừng ở nguyên tắc lớn, giải pháp cho việc duy trì, cải tạo các hồ thiên nhiên, các họng tiêu nước vốn đã cân bằng tiêu, thoát như: Hồ Thị Cầu, Hồ Đồng Trầm, Kênh Kim Khê… kết hợp Công viên vườn hoa tạo thành là phổi xanh của đô thị, cùng hợp thành với công viên mới như: Công viên Ỷ Lan, Công viên Văn Miếu, Công viên Vũ Ninh, ngòi Kim Khê và đặc biệt gắn kết được những đồi rừng như quy hoạch đã đề ra ở Đáp Cầu – Khả Lễ – Núi Dạm… Điều này đã được thực tiễn hôm nay chứng minh là cần thiết, đúng đắn (không có công nghiệp bao quanh thành phố). Dải xanh ngòi Kim Khê chưa hình thành, 2 công viên lớn chưa xong rõ ràng chưa tạo ra cảnh quan, không gian dễ chịu, thoáng đãng cho người dân thành phố.

Trong khi quy hoạch đang được xác lập, đường Nguyễn Gia Thiều (lúc đó là đường Trung Tâm vì chưa đặt tên) được chuẩn bị từ thời Hà Bắc. UBND thị xã đề nghị khởi công, rất may mắn chúng ta đã phát hiện ra và đề nghị chỉnh tuyến. Tuyến này chạy gần song song với 1A cũ, cách đường chỉ 150m nghĩa là tuyến đi sát phía sau tường rào một loạt cơ quan như: Trường Ngân hàng, UBND thị xã, Nhà nghỉ Suối Hoa… như vậy hiệu quả tuyến đường không chỉ giảm đi rõ rệt, mà còn là lãng phí lớn. Đường phố chỉ còn được khai thác phía Đông, một dãy phố hướng về phía Tây là chủ yếu. Mặt khác 2 tuyến đường 1A – Nguyễn Gia Thiều song song lại quá gần nhau, vừa tạo ra các ngã tư quá ngắn, không phù hợp yêu cầu giao thông và cũng không đúng tiêu chuẩn như quy định là từ 200-400m (với cỡ đường này)

Với lý lẽ thuyết phục UBND tỉnh đã chấp thuận và quyết định dời tuyến như vị trí hiện nay. Các dư luận xung quanh ồn ào về Sở Xây dựng gây khó khăn cho UBND thị xã cũng vì thế mà được giải tỏa. Tuy nhiên vẫn còn các khiếm khuyết đáng tiếc, điển hình như nếu tuyến Nguyễn Gia Thiều dịch xuống giao nối với đường Nguyễn Cao, qua ngã tư của Đường 18, lợi dụng khoảng đất còn rộng là Hợp tác xã Lửa Hồng cũ để tạo tuyến thống suốt thị xã thì không phải giao cắt thành 2 ngã 3 như hiện nay.

Cũng tương tự chúng ta chưa nguôi nuối tiếc là đã thu hẹp mặt cắt một số đường chính, không kiên định giữ đủ bãi đỗ xe, vườn hoa, hay tạo ra dãy phố có nhịp điệu, có khoảng lùi xây dựng cần thiết để nhấn cảnh quan, không gian đẹp.

Song dù sao sau 20 năm nhìn lại, với sự khiêm tốn nhất của chúng ta, những người Xây dựng Bắc Ninh có quyền ngẩng cao đầu về thành công ban đầu của mình trong những ngày mới tái lập tỉnh. Đặc biệt là công tác xác lập một quy hoạch đô thị mới, có chất lượng, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý xây dựng. Cho đến ngày nay “Chiếc áo khéo may” vẫn tỏ ra đúng đắn, hợp quy luật; đang được kế thừa và phát triển vững chắc. Không có hạnh phúc nào hơn đối với người xây dựng là đồ án, ý tưởng thiết kế của họ được triển khai thực hiện trên tất cả các bình diện. Cả thị xã như một công trường, lòng người ai ai cũng phấn khích, bước tiếp những bước dài trong thời gian tới. Ước gì mãi mãi