Cần gì để trở thành kiến trúc sư?!?!

Có năm (5) nhóm kỹ năng chung cho những kiến trúc sư có trình độ cao nhất:

 

    1. Một trí tưởng tượng phóng khoáng

 

    1. Sự nhanh nhạy trong thiết kế

 

    1. Những kỹ năng trình bày

 

    1. Chuyên môn kỹ thuật

 

  1. Những kỹ năng về quản lý

Không phải ai cũng trở nên hoàn toàn chuyên nghiệp trong những lĩnh vực trên. Có nhiều cách bù đắp sự thiết hụt đó bằng việc hợp tác với những người khác để tạo nên được sự khác biệt. Trong thực tế, hầu hết những mối quan hệ cộng sự trong kiến trúc – lên đến con số hàng chục ngàn – được sinh ra cho những nhu cầu cá nhân để bổ sung và hoàn thiện những kỹ năng cũng như lợi ích của nhau.

Những kiến trúc sư mong muốn hành nghề kiến trúc hơn là làm họa viên thì phải có tất cả những kỹ năng nêu trên, dù rằng không nhất thiết phải có một kỹ năng nào đó thuộc dạng “đỉnh cao”. Những kiến trúc sư lãnh đạo phải thành thạo tất cả các kỹ năng trên.

Chi tiết hơn về các kỹ năng:

Một trí tưởng tượng phóng khoáng là hiếm nhất; sự đặc biệt của trí tưởng tượng là không có giới hạn, có tầm nhìn xa, và luôn sẵng sàng để ngỏ cho tất cả những khả năng có thể giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.

Điều này đòi hỏi một tính cách tổng hợp và có khả năng đảm nhiệm đồng thời vai trò của một nhà khoa học kiêm nghệ sỹ, một người lý trí nhưng đầy cảm xúc, một kỹ sư kiêm nhà thơ, một nhà lý luận giàu thực nghiệm. Trong khi tổng hợp của sự tò mò thực tiễn cùng trí tưởng tượng không biên giới là của trẻ nhỏ, lại không thường xuyên được khuyến khích (nhiều khi là bị cấm đoán, cắt xén và bóp méo) rồi hầu hết bị con người làm rơi rụng dần trên đường đời. Những khiếu nại thường gặp của sinh viên trong trường dạy về Kiến trúc là về việc bị giới hạn khả năng sáng tạo mà họ được phép sử dụng trong trường!

Sự nhanh nhạy trong thiết kế bao gồm những kỹ năng gợi cảm và cảm thụ, kết hợp với nhận thức cao về cấu trúc nội tại của những vật thể tự nhiên, các nguồn tài nguyên về lịch sử, âm nhạc, và một chút thiên phú về nghệ thuật nói chung.

Kỹ năng của một kiến trúc sư bao gồm sự trải nghiệm tối đa có thể của tất cả các ngành nghệ thuật và kiến trúc. Điều này bao gồm nghiên cứu về lý do tại sao nghệ thuật có tác động sâu sắc đến con người, và các phương pháp mà nghệ sỹ tạo ra trải nghiệm thẩm mỹ. Sự hiểu biết và đánh giá/phê bình trải nghiệm thẩm mỹ bao hàm nghiên cứu thiên nhiên. Những hình mẫu bên trong tạo ra những gì chúng ta trải nghiệm như vẻ đẹp của tự nhiên là trung tâm của những điều chúng ta trải nghiệm trong nghệ thuật thị giác, âm nhạc, và kiến trúc.

Trong trường học về thiết kế, rất nhiều các xưởng thiết kế các công trình giả (đồ án). Những bài tập này nhằm giúp sinh viên học cách tổng hợp tất cả các yếu tố – khu đất, nhu cầu sử dụng, khí hậu, kỹ thuật, vật liệu xây dựng, trang thiết bị, giới hạn tài chính/kinh tế, v.v… – tất cả trong một công việc chặt chẽ của nghệ thuật. Hầu hết các kiến trúc sư, bao gồm những kiến trúc sư tốt nhất của mọi thời đại, thường mất rất nhiều năm làm việc thực tế để đạt được khả năng kết hợp tất cả những yếu tố trên.

Kỹ năng trình bày bao gồm khả năng thể hiện được quan điểm kiến trúc của một người rõ ràng, đủ để những người khác thấy được. Trước kia việc này được thể hiện trên bản vẽ và mô hình. Hiện nay và trong tương lai, thiết kế được thể hiện trên hơn hai- và ba chiều thông qua phương tiện điện tử*. Trình bày chiến lược- trong đó người ta phải tranh luận/bảo vệ cho thiết kế trước những ý kiến phản bác mạnh mẽ**- cũng phải được thực hành và luyện tập tối đa. Kỹ năng trong việc đối phó/xử lý với những chỉ trích tiêu cực được học thành công khi tách biệt nó với việc học cách thiết kế – đó là những kỹ năng mang tính riêng biệt.
*: được hiểu là đồ họa máy tính
**: có thể hiểu là hội đồng đánh giá (trong trường học cũng như thực tế)

Chuyên môn kỹ thuật bao gồm sự hiểu biết về tính tự nhiên của vật liệu, sản xuất, và những nguyên nhân chính làm hỏng chúng. Nó cũng bao gồm các vấn đề cơ bản trong tính toán kết cấu, và tính toán để ước lượng nhiệt thích hợp, làm mát, thông gió, tải điện, ánh sáng, âm học (âm thanh), cấp và thoát nước. Mặc dù các kỹ sư chuyên nghiệp sẽ được thuê để thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật phức tạp hơn, thì các kiến trúc sư vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng về công việc của họ và phải có khả năng biết được các kỹ sư đó đang thực hiện tốt hay không.

Kiến trúc sư tạo ra những bản vẽ để cho các nhà thầu biết cách để chuyển ý tưởng thiết kế thành hiện thực. Việc tạo ra những bản vẽ này là một trong những công việc tốn kém nhất, tiêu tốn thời gian nhất, và đầy “nguy cơ” cho tất cả các trách nhiệm kiến trúc. Kinh nghiệm cho thấy các yếu tố cần thiết của tổ chức bản vẽ, quản lý, và phương thức sản xuất tốt nhất nên được giới thiệu qua trong trường học, kiểm tra trong lĩnh vực này, và sau đó kiểm nghiệm trong quá trình giáo dục thường xuyên một cách liên tục.

Kỹ năng quản lý hành chính là một loạt các hoạt động bao gồm: tiếp thị và quan hệ khách hàng, quản lý phí và nguồn thu, quản lý văn phòng, giám sát nhân viên, quản lý dự án, kế toán và quản lý tài chính, đàm phán kinh doanh và văn bản hợp đồng, trách nhiệm pháp lý và đạo đức, quan hệ cộng đồng, và nhiều ngành liên quan như đầu tư bất động sản và kỹ thuật để giải quyết với cơ quan quản lý. Theo truyền thống, quản lý kinh doanh chính là lĩnh vực yếu nhất và nguy hiểm nhất cho cá nhân của việc hành nghề kiến trúc. Trên 80% cựu sinh viên của trường kiến trúc ở khắp mọi nơi nói rằng họ không thực sự hài lòng với khía cạnh này trong việc học của họ. Chúng tôi đang làm việc trên cách thức sáng tạo để giới thiệu các vấn đề quản lý trong các xưởng thiết kế trong các khóa học cũng như cung cấp các lớp học tăng tính hiệu quả về quản lý.

Kiến trúc, để được xứng đáng với tên gọi, phải vinh danh, tăng cường và khuyến khích sự phát triển của xúc cảm con người và ý thức. Thực sự vẫn chưa ai biết được cách để chúng ta có thể làm điều đó một cách tốt nhất, mặc dù chúng ta có nhiều đầu mối từ chính các công trình kiến trúc tốt nhất trong suốt chiều lịch sử. Học cách để làm công việc này là nhiệm vụ của trường học kiến trúc và mong tất cả mọi người giúp chúng tôi trong việc theo đuổi sứ mệnh đó.

(Người dịch: Kts Trần Tuấn Anh)

Nguồn: Sfia.net

Trả lời