Với khoản đầu tư 100 triệu USD, nhà hát dự kiến được xây dựng tại công viên 23.9 (TP.HCM) nên phục vụ cho nhiều loại hình nghệ thuật.
NSƯT Trần Vương Thạch – Giám đốc Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TP.HCM (HBSO), cho biết HBSO nếu được xây mới không chỉ gói gọn là nhà hát dành cho dòng nhạc hàn lâm giao hưởng, thính phòng mà còn dùng được ở nhiều thể loại âm nhạc khác, trong đó có cả kịch nói, múa rối hay chương trình tạp kỹ. Ông Thạch nói thêm sẽ kiến nghị để đơn vị thiết kế tạo không gian mở phía trước nhà hát, tổ chức những buổi hòa nhạc hay biểu diễn ngoài trời, phục vụ công chúng thành phố và khách du lịch.
Nên xây dựng một nhà hát xanh tại công viên 23.9 – Ảnh: Độc Lập |
|
Tuy nhiên, nếu xác định cần xây dựng một nhà hát với kinh phí đầu tư 100 triệu USD tại công viên 23.9 thì rõ ràng cái tên Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TP.HCM xem ra chưa ổn. Thiết nghĩ, một nhà hát đa chức năng – thỏa mãn nhu cầu “khát” địa điểm biểu diễn của nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực – sẽ không lãng phí tiền của. Nếu chỉ gói gọn trong loại hình giao hưởng, thính phòng, vốn có rất ít khán giả thưởng thức thì Nhà hát TP.HCM là đủ, không cần tiêu tốn đến cả trăm triệu USD.
Cùng quan điểm này, ông Võ Trọng Nam – Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM nhận định: “Nhà hát được xây dựng tại công viên 23.9 không chỉ để duy trì nhạc giao hưởng, thính phòng, nhạc vũ kịch mà còn sử dụng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác như kịch nói, tạp kỹ… Về cơ cấu tổ chức nhân sự, dĩ nhiên Sở VH-TT-DL TP.HCM không thể để riêng Ban lãnh đạo HBSO quản lý công trình này mà sẽ sắp xếp lại để nhà hát mới có được đội ngũ giỏi, chuyên nghiệp, kết nối với các đoàn nghệ thuật nước ngoài sang biểu diễn, làm phong phú đời sống tinh thần cho công chúng thành phố cũng như làm thế nào để nhà hát hoạt động hiệu quả nhất, tránh lãng phí tiền của”.
Ý tưởng nhà hát xanh
Sở Quy hoạch – Kiến trúc (QH-KT) đã đề xuất với UBND TP.HCM 4 vị trí mang tính khả thi để xây dựng HBSO tại công viên 23.9. Bốn vị trí đó là: thứ nhất nằm gần đường Tôn Thất Tùng, thứ hai gần ga metro chợ Nguyễn Thái Bình, thứ ba nằm khoảng giữa công viên 23.9 và thứ tư gần đường Nguyễn Thái Học. Theo Sở QH-KT, vị trí thứ nhất hiệu quả hơn vì nhà hát sẽ còn khoảng không gian phía trước, dễ dàng kết nối với phần còn lại của công viên tạo nên quảng trường với mảng xanh rộng lớn.
Ngoài ra, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Võ Trọng Nam đưa ý tưởng xây một nhà hát với nhiều cây xanh bên trong, hòa quyện với không gian chung của công viên 23.9. “Tôi sẽ kiến nghị UBND TP.HCM duyệt những phương án thiết kế nhà hát xanh, với nhiều cây xanh chen lẫn bên trong nhà hát, tạo nhiều tầng hầm âm trong lòng đất để nhà hát không là khối bê tông đồ sộ bên trên, phá vỡ cảnh quan lẫn mảng xanh của nơi đây. Thiết kế và thi công nhà hát như thế nào thì còn lấy ý kiến của Hội đồng Kiến trúc sư TP.HCM”, ông Nam nói tiếp.