Chuyên gia khuyến cáo không cấp phép Dự án dệt, nhuộm 350 triệu USD tại Vĩnh Phúc

Dự án dệt – nhuộm 350 triệu USD của Tập đoàn TAL (Hồng Kông), đề xuất đầu tư tại Khu công nghiệp Bá Thiện II (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) bị các nhà khoa học, chuyên gia khuyến cáo không cấp phép, bởi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn

Hội thảo khoa học “Đánh giá dự án đầu tư nhà máy dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL, hiệu quả kinh tế xã hội, tác động môi trường” vừa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, nhằm lấy ý kiến của các đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện các bộ, ngành liên quan…

Đây là một trong những việc phải làm trước khi đưa ra câu trả lời với nhà đầu tư về việc có hay không cấp phép đầu tư cho Dự án.

.

100% ý kiến tại Hội thảo thống nhất cho rằng, Vĩnh Phúc nên rất thận trọng và sáng suốt khi cấp phép đầu tư cho Dự án dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL.

Theo ông Lê Hùng Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự án này có nhu cầu sử dụng tới 12.000 m3 nước/ngày đêm, dự kiến lấy nước ở 2 nguồn: hệ thống nước của Công ty cấp nước là 6.000 m3 và hồ Thanh Lanh với 4.000 m3/ngày đêm. Cộng dồn, các nguồn nước theo dự kiến mới đạt 10.000 m3.

Lượng nước thải trung bình của dự án là 11.840 m3/ngày đêm và xả thải ra đầu nguồn sông Mây tại xã Thiện Kế, rồi đổ về sông Cà Lồ vào sông Cầu.

Nhà máy của TAL còn sử dụng khối lượng lớn hóa chất, với khoảng 17.000 tấn/năm, bao gồm các chất như natri hydroxit, peroxit, axit sunforic… là những hóa chất tiềm ẩn nguy cơ lớn đến chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Quan ngại về nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, nếu dự án đi vào hoạt động, ông Nam cho rằng, Vĩnh Phúc nên từ chối dự án này vì rủi ro về ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc càng cho thấy, việc cấp phép cho Dự án là khó khả thi. Cụ thể, vào mùa khô, dòng chảy tại điểm xả thải dự kiến tại sông Mây thời điểm thấp nhất (tháng 2) chỉ đạt 4.000 m3/ngày đêm, trong khi lượng xả thải trung bình của dự án này là 11.840 m3/ngày đêm, nhiều hơn gấp đôi lượng nước sông, nên nước sông không bảo đảm đủ để pha loãng nồng độ nước thải của dự án trên (nếu thực hiện).

Là địa phương nằm trong phạm vi ảnh hưởng nếu nguồn nước của sông Cầu bị ô nhiễm, đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh lưu ý tỉnh Vĩnh Phúc nên rất thận trọng với dự án này, bởi nếu xảy ra sự cố sẽ không chỉ ảnh hưởng tới địa phương, mà còn tác động tiêu cực rất lớn tới các địa phương khác.

Trên cơ sở phân tích 4 yếu tố cơ bản là dự án không phù hợp với quy hoạch, nguồn nước cấp không đủ để hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, sẽ xảy ra khiếu kiện do người dân không đồng thuận, ông Diệp Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Xuyên kiến nghị không cho dự án này đi vào hoạt động trên địa bàn huyện.

Không phù hợp với quy hoạch

Tập đoàn TAL không phải là cái tên xa lạ trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngành dệt may.

Trước khi đề xuất thực hiện dự án đầu tư dự ánh dệt – nhuộm “khủng” này, năm 2014, Tập đoàn TAL đã đầu tư tại Vĩnh Phúc nhà máy may mặc tại Khu công nghiệp Bá Thiện II, với diện tích 8 ha, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD.

Hiện tại, Nhà máy đã đi vào hoạt động, với doanh thu năm 2017 đạt 20,38 triệu USD.

100% ý kiến cho rằng, Vĩnh Phúc nên rất thận trọng và sáng suốt khi cấp phép đầu tư cho Dự án dệt – nhuộm của Tập đoàn TAL. 

Năm 2016, Tập đoàn TAL đã đề xuất đầu tư dự án dệt – nhuộm (sử dụng công đoạn tẩy – nhuộm – giặt mài), với công suất 60,9 triệu mét vải/năm, diện tích đất sử dụng hơn 38 ha, tổng vốn đầu tư 350 triệu USD, cũng tại Khu công nghiệp Bá Thiện II.

Đại diện các ngành liên quan đều khẳng định, quy mô và các yếu tố liên quan đến nhu cầu về điện, nước, hóa chất theo đề xuất của Dự án là quá lớn.

Mặc dù Tập đoàn TAL khẳng định, sẽ xây dựng một nhà máy dệt nhuộm đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại, như xử lý nước thải bằng các biện pháp sinh học (cả yếm khí và kỵ khí), kết hợp với màng phản ứng sinh học, nhờ đó sẽ giảm thiểu lượng bùn thải phát sinh…

Tuy nhiên, đi sâu phân tích công nghệ xử lý nước thải áp dụng trong dự án này do Tập đoàn TAL công bố, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, chuyên gia khoa học công nghệ khuyến nghị Vĩnh Phúc từ chối dự án, vì công nghệ này rất cũ, lạc hậu và có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn.

Thêm vào đó, Quy hoạch Chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và Quy hoạch Phân khu phát triển công nghiệp và đô thị phụ trợ tại huyện Bình Xuyên của UBND tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014 đều khẳng định, Khu công nghiệp Bá Thiện II nằm trong lõi đô thị Vĩnh Phúc và một phân khu thuộc đô thị Vĩnh Phúc, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp với các ngành nghề công nghiệp sạch, công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, ngay từ đầu, Dự án đặt vấn đề triển khai tại Khu công nghiệp Bá Thiện II là không phù hợp quy hoạch.