Lập Thạch gỡ ‘vướng’ để có xã kiểu mẫu

Huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có 18 xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) thì đã có 10 xã đạt chuẩn, 7 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Chỉ có 1 xã đạt 14 tiêu chí. Hai xã Văn Quán phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2018 và Liễn Sơn đăng ký đạt chuẩn NTM trong quý I/2018. Lập Thạch phấn đấu sẽ trả hết nợ xây dựng cơ bản NTM để được công nhận thêm 6 xã chuẩn. Lập Thạch cũng phấn đấu để có 2 xã đạt NTM kiểu mẫu…

Phong cảnh huyện miền núi

Lập Thạch là một huyện miền núi. Khó khăn lớn nhất của huyện là cơ sở vật chất, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển KT- XH. Đời sống người dân nông thôn còn thấp kém. Trong khi đó, để đạt các tiêu chí NTM, nhu cầu về nguồn lực rất lớn, nhất là về vốn.

Với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự phấn đấu nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhất là sự đồng thuận của nhân dân, huyện Lập Thạch đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Huyện duy trì thường xuyên, liên tục phong trào thi đua “Lập Thạch chung sức xây dựng NTM”. Nhờ thế, bộ mặt nông thôn Lập Thạch đã có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng cao. Thu nhập đầu người tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.

Bởi là một huyện miền núi, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông rất khó khăn, hạn chế. Bởi vậy, Lập Thạch tập trung giải quyết vấn đề giao thông. Trong năm 2017, các xã đã được phân bổ nguồn vốn tập trung để xây dựng công trình chuyển tiếp, trả nợ các công trình giao thông đã hoàn thành.

Đối với xã Liễn Sơn đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2017, được phân bổ nguồn vốn để cứng hóa 13,6 km đường trục xã, đến nay đã cứng hóa được 13,6 km, đạt 100%. Đường trục chính nội đồng được phân bổ cứng hóa 4,3 km, triển khai đạt 100%. Tổng số hộ hiến đất là 512 hộ, hiến 25.350 m2 đất, trị giá 1 tỷ 250 triệu.

Nguồn vốn huy động nhân dân đóng góp làm nền đường là 1 tỷ 200 triệu đồng, trong đó dân đóng góp 5.340 ngày công lao động, trị giá hơn 800 triệu đồng. Đến nay Lập Thạch đã có 16/18 xã đạt tiêu chí giao thông. Có 2 xã chưa đạt, là Liễn Sơn, Văn Quán.

Lập Thạch cũng chú trọng kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở. Bằng nhiều nỗ lực phấn đấu, ngành y tế huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới các trạm y tế tuyến xã, củng cố y tế tuyến huyện, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ ưu tiên đầu tư, phát triển. Mạng lưới y tế cơ sở gồm 1 trung tâm y tế huyện, 18 trạm y tế xã, cùng với mạng lưới nhân viên y tế ở thôn, tổ dân phố. Không có dịch bệnh xảy ra, tiêm chủng đạt miễn dịch cơ bản, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) là 14,7%. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 85,7%.

SX nông nghiệp vẫn là chủ yếu. Bởi vậy, UBND huyện chỉ đạo các xã thực hiện chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, như chính sách hỗ trợ người chăn nuôi mua bò đực giống, lợn đực giống, lợn nái sinh sản, gà đẻ… Chính sách hỗ trợ người nông dân mua máy SX nông nghiệp, như máy làm đất, máy lên luống, máy gặt đập liên hợp, máy nghiền trộn thức ăn, máy thái cỏ… Chính sách hỗ trợ phát triển vùng trồng trọt SX hàng hóa, chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông hàng năm… đã tạo động lực để người dân tích cực đẩy mạnh phát triển SX, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập.

Huyện chỉ đạo các xã trồng trọt theo vùng, hướng phát triển SX quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợị thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Có sự liên kết giữa người SX, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, như thanh long ruột đỏ tại 3 xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ, chăn nuôi bò sữa ở Thái Hòa, Liên Hòa, chanh tứ quý ở Liễn Sơn…