Cơ chế làm sạch không khí của tháp cao nhất thế giới

Hai tòa tháp Phoenix ở Trung Quốc, dự kiến trở thành tòa nhà cao nhất thế giới sau khi hoàn thiện, có các tính năng thân thiện với môi trường như làm sạch không khí, nước và tự tạo năng lượng điện.

Hai tòa tháp Phoenix (Phượng Hoàng) dự kiến được xây dựng ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Theo bản thiết kế, công trình này sẽ có diện tích 7 hecta trên một khoảng đất nổi giữa một cái hồ lớn và có chiều cao một km. Nó sẽ cao hơn 172 m so với tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay Burj Khalifa ở Dubai.

 

Không chỉ có chiều cao vượt trội, tháp đôi Phoenix còn được thiết kế mang màu sắc viễn tưởng và thân thiện với môi trường, với các tính năng xanh như bề mặt hấp thụ ô nhiễm để lọc sạch không khí và công nghệ làm sạch nước cho các khu vực xung quanh. Theo các kiến trúc sư, nó sẽ trở thành một trong số những tòa nhà thân thiện với môi trường nhất thế giới.

 

Một chiếc kính vạn hoa lớn nhất thế giới chạy bằng sức gió dự kiến sẽ được xây dựng ở tòa tháp lớn hơn. Cùng với hệ thống tấm quang điện, tòa nhà sẽ tự tạo đủ lượng điện để phục vụ nhu cầu của mình và các khu vực xung quanh.

 

Lò sưởi nhiệt ở trung tâm của tòa tháp cao hơn sẽ được làm nóng nhờ năng lượng mặt trời. Bộ phận này sẽ hút không khí từ các hồ nước xung quanh và sử dụng nó để làm mát cho tòa nhà. Không khí sau đó sẽ được lọc sạch và đưa trở lại môi trường. Công nghệ tương tự cũng được áp dụng để làm sạch nguồn nước.

 

Một vườn rau thẳng đứng khổng lồ sẽ được trồng ở tòa nhà nhỏ hơn, dự kiến trở thành “bức tường xanh” cao nhất thế giới. Chức năng của nó là điều hòa và làm sạch không khí.

 

Công trình này dự kiến sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2016. Trong ảnh là các quả cầu lớn nằm lơ lửng trong không trung giữa lối đi của hai toàn tháp. Các quả cầu này “tượng trưng cho các hành tinh đang xoay quay các tháp”.

 

(Theo Vnexpress)

Trả lời