Hiện, xu hướng các nhà KTS Việt Nam “đầu quân” cho những công ty nước ngoài đang ngày càng nhiều. Dưới đây là những tâm sự, trăn trở của những thế hệ kiến trúc sư (KTS) về vấn đề này cũng như về sự phát triển của kiến trúc Việt Nam hôm nay.
1. KTS Việt Nam làm thuê cho nước ngoài trên sân nhà
Kiến trúc là ngành nghệ thuật đặc biệt. Bản thân kiến trúc là phục vụ xã hội nhưng kiến trúc cũng là dịch vụ. Không có đặt hàng thì kiến trúc sẽ chết yểu. KTS phải có người đặt hàng. Không có ai tự vẽ một nhà hát để cho mình ngắm cả.
KTS Phạm Thanh Tùng |
Thế hệ chúng tôi có một khuyết điểm là hay hoài niệm hay lấy quá khứ làm điểm tựa. Nhưng với lớp người trẻ hôm nay đừng bắt họ ngoái nhìn lại nhiều quá. Họ phải hướng đến phía trước. Và khi hướng về phía trước họ cũng đủ tỉnh táo, khôn ngoan để đi con đường thẳng nhất mà con đường đó ngày xưa chúng tôi không được quyền chọn.
Thời chúng tôi KTS là bao cấp, không có KTS tự do. Với lớp thế hệ KTS trẻ hôm nay họ sáng tác được nhiều điều thể hiện cộng đồng đang tin tưởng họ. Họ phải có uy tín mới làm được. Họ cũng đang tiên phong trong cuộc vận động của kiến trúc.
Nhưng nếu nói một lời khuyên với người trẻ hôm nay tôi lại muốn nói với họ rằng: Các bạn hãy đi chậm một chút trong cuộc sống cũng như trong làm việc để ta có thể chiêm nghiệm được hết điều mà ta đang làm, đang hướng đến. KTS không chỉ ngồi phòng máy lạnh để ký những hợp đồng mà phải dấn thân nữa.
Nhưng để đánh giá khách quan chất lượng KTS hiện nay, tôi phải nói rằng chúng ta chưa bao giờ chuẩn bị cho hội nhập. Đào tạo KTS của ta cũng không có sự chuẩn bị để hội nhập nên khi mở cửa chúng ta bơi từ ao làng ra thế giới. Có thể ở ao làng anh giỏi nhưng khi bơi ra biển lớn còn có sóng, có bão đòi hỏi phải có kỹ năng, kỹ thuật thì chúng ta thiếu và thua. Vì thua nên chúng ta dễ bị ngợp bởi những trường phái kiến trúc thế giới mà có khi người ta đã bỏ qua đi rồi.
Kiến trúc nhà đá xanh – Một thiết kế của KTS Võ Trọng Nghĩa
Hiện nay chúng ta có đổi mới trong đào tạo nhưng vẫn còn chậm. Tài năng của những KTS của chúng ta là có nhưng vẫn còn có những hạn chế. Nhưng cũng có những KTS đã biết hội nhập và vươn lên như Võ Trọng Nghĩa…
Thêm nữa, KTS của ta cũng chưa có cơ hội thực sự. Chủ đầu tư của ta vẫn chuộng và tin KTS nước ngoài. Rõ ràng KTS nước ngoài có nghề hơn chúng ta nhưng không có nghĩa ta không thể vượn lên họ. Tôi nghĩ nhà nước nên có chính sách đặt ra cơ chế công trình nào cũng phải có kiến trúc sư trong nước. Đồng thời nên từ bỏ tư tưởng xính ngoại. Ai hiểu Việt Nam, văn hóa, lối sống Việt Nam bằng người Việt Nam nhiều công tư tư vấn nước ngoài chỉ lấy mác sau đó thuê lại chính những KTS Việt Nam. Điều này cần sự thay đổi từ trên xuống dưới từ quy cách quản lý đến sự đào tạo và cả sự bứt phá của chính mỗi KTS.
2. “Thế hệ đi trước đã hoàn thành xứ mệnh”
Nghề kiến trúc gắn liền với xã hội. Người ta thường nghĩ KTS là người tạo ra không gian vật chất thôi nhưng thực chất nó chứa đựng ý nghĩa xã hội rất lớn hay nói cách khác đó là quá trình xã hội.
KTS Nguyễn Quốc Thông |
Nghề KTS đòi hỏi thực tiễn. Một người không chỉ thuần túy lý thuyết mà trở thành KTS. Ở nước ta quá trình xây dựng mới phát triển gần đây. Ngày xưa không có KTS. Nhưng theo thời gian đã thực sự có những thế hệ KTS và từng thế hệ gắn với từng thời cuộc nhất định. Không ai thống kê thế hệ nhưng theo tôi hình dung đến nay mình đã có 5 thế hệ KTS. Kiến trúc đòi hỏi sự kế thừa. Lớp trước đi thì mở đường cho lớp sau. Lớp sau hoàn thiện tư duy mà lớp trước đặt ra chứ không có sự đột biến như nhiều môn nghệ thuật khác.
Thế hệ thứ 5 ngày hôm nay được tiếp thu kiến thức từ thế giới nhiều hơn trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm của thế hệ trước. Có thời gian để chiêm nghiệm nhiều hơn, va chạm trong môi trường chuyên nghiệp hơn vì vậy họ nhanh chóng thể hiện tài năng của mình hơn. Thị trường của họ không chỉ ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Đó là những thành tựu đáng được ghi nhận.
Còn những thế hệ đi trước họ đã hoàn thành xứ mệnh của họ. Tôi nghĩ 3 – 4 thế hệ đầu tiên ít nhất đã tạo được phong cách kiến trúc tương đối ổn định và thế hệ hiện nay họ đang tìm kiếm phong cách để khẳng định mình. Có những nhóm KTS đi theo hướng hiện đại, có nhóm phỏng theo kiến trúc truyền thống. Có thể sự tìm kiếm chưa thực sự thành những sản phẩm tốt nhất nhưng đó là hướng đi tốt.
Vấn đề nữa là bảo tồn những khu đô thị cổ đã bắt đầu được thừa nhận như một kiến thức chuyên ngành. Hiện nay, lớp KTS trẻ đang đứng trước xu hướng đó. Còn kiến trúc xanh là một trong những xu hướng đó.
Tôi nghĩ lúc nào kiến trúc cũng gắn liền với xã hội. Nhưng tại sao hội đặt vấn đề Kiến trúc với xã hội là để nhấn mạnh tính chất xã hội của kiến trúc. Và quan trọng nữa là để xã hội nhìn nhận đúng với trò của kiến trúc cũng như của người KTS với xã hội.
Giới trẻ hiện nay họ cũng đã làm điều này rất tốt. Thực tế đã xuất hiện những công trình kiến trúc cho người nghèo bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như đối với nhà ở vùng nông thôn ngập lũ. Những người KTS trẻ đã nghiên cứu làm lõi nhà từ đó xây lên ngôi nhà to nhỏ khác nhau. Bắt đầu từ những hạt nhân nhỏ như vậy lớp chúng tôi không làm được điều đó. Thời đại công nghệ số là sự thay đổi về công nghệ mà những lớp KTS đi trước không theo kịp nhưng lớp KTS trẻ được tiếp xúc sớm nên họ trưởng thành rất nhanh. Đó là điều đáng mừng và cũng là điều để hy vọng.
3. Khó khăn từ chính sự quy hoạch
Xu hướng của kiến trúc sẽ ngày càng thân thiện hơn, phục vụ con người tốt hơn. Trong quy hoạch hiện nay có phần thiết kế đô thị. Vì vậy theo tôi phải có kế hoạch ngay từ trong quy hoạch vì chính sự quy hoạch ấy sẽ ảnh hưởng đến thiết kế của từng công trình. Nếu không làm tốt ngay từ vấn đề quy hoạch sẽ rơi vào tình trạng mệnh ai nấy làm. Có thể hình dung tách riêng ra từng ngôi nhà nhìn có thể rất đẹp nhưng nếu không có quy hoạch thì đi đến cái tổng thể vẫn chỉ là sự lộn xộn.
KTS Hoàng Thúc Hào |
Giờ đây người ta đi vào kiến trúc xanh bởi cả thế giới đã và đang dần tự mình hủy hoại môi trường của chính mình. Trong vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay có sự tham gia rất nhiều của kiến trúc. Có người cho rằng kiến trúc xanh là mốt cứ có nhiều cây xanh là kiến trúc xanh. Nhà mà xây bằng vật liệu tự nhiên như đá, đất, gạch không nung là kiến trúc xanh. Nhưng đâu phải như vậy. Đó chỉ là một yếu tố nhỏ trong kiến trúc xanh. Ở nhiều nước phát triển có những nhà họ làm bằng kính nhưng vẫn là kiến trúc xanh thậm chí rất xanh được cấp chứng chỉ vàng, kim cương… Vấn đề là phải xét chu trình vòng đời của toàn bộ công trình.
Bản thân truyền thông kiến trúc của mình đã có rất nhiều yếu tố của kiến trúc xanh. Theo tôi, trong sự phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam vẫn còn có khó khăn. Khó khăn xuất phát từ chính sự quy hoạch. Sự quy hoạch chưa điều tiết một cách hiệu quả và cụ thể cho chủ đầu tư khuyến khích họ ứng dụng công nghệ để làm ra những tòa nhà, công trình xanh. Cần có chính sách cụ thể có thể như giảm thuế cho những công trình sử dụng gạch không nung, sử dụng những vật liệu, công nghệ mới thân thiện môi trường… Bởi chi phí để thực hiện ở đây cũng sẽ tăng lên nên cần có chính sách kinh tế thiết thực cho họ.
Vai trò của người kiến trúc sư cũng phải dũng cảm thuyết phục chủ đầu tư bằng cách này hay cách khác. Mỗi công trình xây lên không chỉ ảnh hưởng đến hôm nay mà còn tới đời con, đời cháu… nên mỗi người kiến trúc sư cần phải có trách nhiệm đó là trách nhiệm với xã hội và cả tương lai.