Giải thích về việc đổi đất để làm một số con đường tại thủ đô, Sở KH&ĐT Hà Nội nói rằng do khó khăn về nguồn vốn. Các dự án cũng đã xin chủ trương và được Thủ tướng đồng ý.
Ngày 17/6, tại hội nghị “Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển”, UBND TP. Hà Nội đã trao giấy giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án về hạ tầng giao thông triển khai theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao). Theo tính toán, Hà Nội làm 5 con đường và đổi lại cho các nhà đầu tư khoảng 700 ha đất.
Dư luận cho rằng việc TP. Hà Nội làm 5 con đường có chiều dài chỉ vài km nhưng đổi hàng trăm ha đất, tính ra giá đất rất rẻ so với mặt bằng thị trường.
Giải thích về việc này, Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) TP. Hà Nội thông tin đây là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND TP. Hà Nội báo cáo và Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT, cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Một dự án làm đường bằng hợp đồng BT đã từng được triển khai tại Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu. |
Việc thực hiện theo hình thức BT và chỉ định nhà đầu tư được Sở KH&ĐT TP. Hà Nội giải thích là ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn. Từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng, trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT.
Sở KH&ĐT cũng khẳng định việc thực hiện các dự án BT đều tuân thủ các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất… Sở KH&ĐT TP. Hà Nội cũng giải thích diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch, và chỉ được khai thác một phần diện tích. Theo đó, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án giao thông theo hình thức BT.
Có thể kể đến dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông, do Liên danh Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú Invest và Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát đầu tư, với kinh phí là 1.961 tỷ đồng.
Thứ hai là dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT, do Liên danh Công ty cổ phần phát triển Nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư, với kinh phí là 1.404 tỷ đồng.
Thứ ba là dự án tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 m, do Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư, với kinh phí là 1.373 tỷ đồng.
Thứ tư là tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda quận Hoàng Mai, do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đầu tư với kinh phí là 989 tỷ đồng.
Theo tính toán, tổng diện tích đất mà Hà Nội dùng để hoán đổi của 5 dự án vào khoảng 700 ha.
Các dự án BT của Hà Nội từng bị Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những bất cập, vi phạm. Theo đó, các dự án BT được Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.
Các đơn vị thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần không thông qua đấu giá, là chưa phù hợp quy định.