Hà Nội phủ nhận giao 700ha đất cho doanh nghiệp xây 5 tuyến đường BT

Một tuyến đường BT ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Xung quanh ý kiến trái chiều của dư luận về việc Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án BT, chiều 26/6, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức thông tin đến báo chí về việc tuyển chọn nhà đầu tư cho dự án và các vấn đề dư luận đặt ra trong thời gian vừa qua.

Theo đó, trao đổi với báo chí tại buổi giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội, đại diện UBND TP.Hà Nội cho biết, trong điều kiện ngân sách Nhà nước có khó khăn, đầu tư công hạn chế và cắt giảm; các nguồn vốn ODA khó khăn và hạn hẹp; trong khi đó, việc đầu tư phát triển công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông và hạ tầng là yêu cầu bức thiết của Thành phố.

Từ thực tế trên, trong nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hình thức hợp tác công tư đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt.

Việc đầu tư theo hình thức BT ngoài ý nghĩa to lớn nêu trên còn có ý nghĩa thiết thực trong việc phát huy nguồn lực từ đất đai, tập trung năng lực quản lý của các nhà đầu tư tư nhân, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh từ đầu tư dự án BT và các đối ứng.

Theo đại diện UBND TP.Hà Nội, từ năm 2013 trở về trước, UBND TP đã cho phép các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 63 dự án theo hình thức BT tập trung vào các lĩnh vực giao thông, hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, chống ô nhiễm môi trường.

Đối với 5 dự án BT vừa được trao giấy chứng nhận đầu tư, tại các hội nghị Hà Nội- Hợp tác đầu tư và phát triển năm 2016, 2017 UBND TP đã công bố công khai các dự án kêu gọi đầu tư (trong đó có các dự án thực hiện theo hình thức BT) để các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất.

Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện các năm trước đây, tại Hội nghị Hà Nội 2018 – Hợp tác đầu tư và phát triển, UBND TP.Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 dự án công trình giao thông để giảm ùn tắc giao thông thực hiện theo hình thức BT.

“Đây là các dự án được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009-2015, nhà đầu tư đã tự bố trí vốn để lập hồ sơ đề xuất dự án, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đã được UBND TP báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép Thành phố chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT”, đại diện lãnh đạo Hà Nội cho biết.

Không có chuyện giao 700ha đất cho doanh nghiệp để xây 5 tuyến đường BT

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, về diện tích đất đối ứng cho 5 dự án BT vừa được giao không đến 700ha. Trên thực tế, diện tích phục vụ nghiên cứu cho các dự án BT chỉ khoảng 270ha.

“Tuy nhiên, cái 270ha đất đối ứng này không có nghĩa là mang số này đổi lấy các tuyến đường. Cao lắm chỉ 26%. Còn diện tích 270ha là trong phạm vi nghiên cứu dự án”, ông Nghĩa cho biết.

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi của BizLIVE tại sao không thực hiện đấu giá các khu đất để lấy tiền xây dựng các tuyến đường, ông Nghĩa cho biết, chủ trương của thành phố là có hạ tầng xã hội bằng nhiều con đường. Vì vậy, con đường nào thuận lợi nhất, đúng quy định nhất, ngắn nhất thì làm.

Theo ông Nghĩa: “Với chúng tôi đất cũng là tiền, tiền cũng là đất. Tại sao không đấu giá? Việc đấu giá không phải các cơ quan chuyên môn không nghĩ đến nhưng tính đi tính lại không hề đơn giản vì liên quan đến câu chuyện giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng (chỉ tính hai khoản này đã gặp phải bất cập và khó khăn). Vì thế, thông qua con đường các nhà đầu tư và quản lý hành chính vẫn đảm bảo tiết kiệm được cho ngân sách nên chúng tôi đã tính toán đề xuất thực hiện dự án theo hình thức BT”.

Ngoài ra: “Việc đấu giá đất, ngày hôm nay có thể chúng ta đấu giá 1 triệu/m2, ngày mai 2 triệu/m2 nhưng ngày kia có thể xuống 500.000 đồng. Nhưng thời gian ký hợp đồng là thời gian giao đất cho người ta và ấn định giá là cố định. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho thành phố, con đường đấu giá chưa là tích cực nhất”, ông Nghĩa nói.