Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản vì hầu hết các trường hợp này đều rất phức tạp, như không có hồ sơ vi phạm, vi phạm cả lĩnh vực đất đai; một số trường hợp cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý theo quy định…
Phá dỡ một công trình vi phạm trật tự xây dựng trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Vi phạm dai dẳng
Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vừa yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Giám đốc các sở, ngành xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm 240 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải nêu rõ phương án, tiến độ, thời gian xử lý triệt để các trường hợp; chậm nhất đến ngày 31-12-2017 phải xử lý dứt điểm các vi phạm nêu trên.
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phải tiếp tục chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn nơi có công trình vi phạm, phối hợp với Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn và các phòng chuyên môn tập trung xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các vi phạm còn tồn tại…
Liên quan đến xử lý các vụ vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng trên địa bàn thành phố, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, từ trung tuần tháng 7-2017, Sở Xây dựng đã ban hành kế hoạch kiểm tra, xử lý. Cụ thể, Sở đã thành lập 2 tổ công tác, mỗi tổ do 1 Phó Giám đốc Sở làm tổ trưởng, tập trung chỉ đạo, xây dựng phương án tiến độ xử lý và khắc phục các tồn tại.
Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hầu hết các trường hợp này đều rất phức tạp, như không có hồ sơ vi phạm, vi phạm cả lĩnh vực đất đai; một số trường hợp cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý theo quy định… Đơn cử, tại khu vực cuối ngõ 82, phố Nguyễn Phúc Lai (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) có gần chục hộ xây dựng không phép trước năm 2010 và không có hồ sơ xử lý vi phạm.
Kết quả, theo thống kê mới nhất của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, tới đầu tháng 10-2017, thành phố còn 201 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015 đến quý I-2017. “Từ 240 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn tại kéo dài, chỉ trong tháng 9-2017, chúng tôi đã xử lý dứt điểm được 39 trường hợp. Chẳng hạn như các công trình xây dựng không phép cuối ngõ 82, phố Nguyễn Phúc Lai, UBND quận Đống Đa lên phương án xử lý đồng bộ với giải phóng mặt bằng mở đường nối từ vành đai 1 đến phố Mai Anh Tuấn. Với 201 trường hợp còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện tập trung giải quyết từ giờ đến cuối năm theo chỉ đạo của thành phố” – đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Không cho phép phát sinh vi phạm mới
Cùng với việc khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng, nổi cộm trên địa bàn quản lý, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị các địa phương không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới. “Chúng ta cần tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Phải làm thật nghiêm mới đủ sức răn đe” – lãnh đạo Sở Xây dựng nói.
Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phải vận động để người dân biết và chấp hành các quy định của pháp luật cũng như để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp. Cùng đó, các quận, huyện phải chỉ đạo các phòng, ban có liên quan sâu sát, quyết liệt trong công tác, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý địa bàn.
“Điều quan trọng là phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các công trình ngay từ khi khởi công đến khi kết thúc; kiên quyết không để xảy ra công trình vi phạm nổi cộm, gây bức xúc dư luận tại địa bàn phụ trách cũng như liên tục kiểm tra, quản lý sau cấp phép và các công trình miễn phép” – ông Lê Văn Dục nói.