Phát triển các đô thị Thái Nguyên: Cơ hội và Thách thức

Khu đô thị Nam Thái – thị xã Phổ Yên

Từ những tiềm năng, thế mạnh…

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện và 12 đô thị, đó là: 01 đô thị loại I (thành phố Thái Nguyên), 01 đô thị loại III (thành phố Sông Công); 01 đô thị loại IV (thị xã Phổ Yên), các đô thị còn lại đều là đô thị loại V. Các đô thị trong tỉnh đều đã được lập quy hoạch chung để quản lý. Một số đô thị đang được tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phù hợp với định kỳ rà soát điều chỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Quy hoạch phân khu đang dần được lấp đầy.

Tại các đô thị trong toàn tỉnh, những dự án phát triển đã và đang được triển khai đồng bộ, tạo hiệu ứng tích cực vào bộ mặt kiến trúc đô thị như: Dự án Khu liên hợp Trung tâm hội chợ xúc tiến thương mại ngành xây dựng kết hợp khu ở cao cấp Picenza Plaza Thái Nguyên; Khu đô thị Hồ Xương Rồng thành phố Thái Nguyên; Dự án Khu đô thị số 1 phường Cải Đan thành phố Sông Công, khu đô thị Kosy, khu đô thị Hồng Vũ (thành phố Sông Công); Dự án Khu đô thị Nam Thái (thị xã Phổ Yên); Khu đô thị Yên Bình; Dự án Khu dân cư số 1A (thị trấn Hùng Sơn huyện Đại Từ); Dự án Khu dân cư số 1 (thị trấn Đình Cả huyện Võ Nhai)… Các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang đang nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh sự phát triển theo hướng nâng dần chất lượng.

Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm, tập trung mọi nguồn lực vào việc đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Nhiều đô thị được nâng loại. Thành công đáng kể phải nhắc đến là việc nâng cấp quản lý hành chính thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên (Nghị quyết 932/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2015 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội). Gần đây nhất là việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính TP Thái Nguyên và thành lập hai phường thuộc thành phố Thái Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi, cũng là động lực thúc đẩy đô thị Thái Nguyên – Thủ đô kháng chiến – Thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc một thời vươn lên mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Các dự án đầu tư về lĩnh vực du lịch cũng sẽ là tiền đề quan trọng cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành các khu đô thị mới. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai các dự án thành phần trong khu du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch tại địa phương, tạo lợi thế phát triển đô thị.

Khai thác hợp lý các lợi thế trong định hướng phát triển đô thị, bên cạnh giải pháp quy hoạch cùng phương thức quản lý phù hợp, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư có hiệu quả sẽ đánh dấu thêm một bước trưởng thành của Thái Nguyên trong hành trình đi tới tương lai.

Khu phố châu Âu bên bờ sông Cầu

… đến những thách thức và cơ hội phát triển đô thị Thái Nguyên

Với những tiềm năng sẵn có, phải làm gì để phát huy lợi thế, tạo đà và nắm bắt cơ hội để phát triển các đô thị tại Thái Nguyên?

Phát triển đô thị, trước hết phải đảm bảo tính bền vững, được thể hiện bởi chất lượng đô thị thông qua các yếu tố về kinh tế – xã hội – môi trường – văn hoá – văn minh đô thị. Ở đó, người dân đô thị được đặt ở vị trí trung tâm. Điều kiện sống, các dịch vụ, tiện ích đô thị là điểm cộng cho chất lượng đô thị để khẳng định sự bền vững. Nhưng đó là điều không dễ dàng, bởi khái niệm về đô thị bền vững rất đa dạng và sự đánh giá của xã hội là đa chiều.

Trong các đô thị Thái Nguyên hiện nay, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ, năng lực quản lý và phát triển đô thị tại các địa phương chưa đồng đều. Bản sắc địa phương còn chưa rõ nét, cảnh quan không gian kiến trúc còn lộn xộn, chưa theo trật tự, chưa tạo được tiếng nói và đặc điểm riêng. Điều này một phần là do chất lượng của các đồ án quy hoạch đô thị chưa cao, nghiên cứu chưa thấu đáo điều kiện tự nhiên, tình hình thực tế, tiềm năng cũng như khả năng, nguồn lực địa phương để có những giải pháp đề xuất phù hợp.

Phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn hiện nay phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong phát triển đô thị bền vững, cần phải thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Trong quy hoạch vùng tỉnh, Thái Nguyên chọn việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, lấy quản lý và xây dựng, chỉnh trang đô thị là một trong những khâu đột phá để xây dựng các đô thị theo hướng tăng trưởng xanh – văn minh – hiện đại. TP Thái Nguyên đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Viện tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam, đã từng được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bình chọn và vinh danh là một trong 20 đô thị xanh – sạch – đẹp của cả nước. Điều này tạo động lực để Thái Nguyên đẩy mạnh hơn công tác thực hiện tăng trưởng xanh tại TP Thái Nguyên nói riêng và các đô thị trong toàn tỉnh nói chung.

Thái Nguyên hiện có 12 đô thị, đó là 12 hạt nhân tạo động lực cho sự phát triển toàn vùng. Những vấn đề về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch xây dựng đô thị, không gian kiến trúc đô thị, phân bố dân cư, phân bố sản xuất, các vấn đề về hạ tầng, môi trường…, phải được xem xét trên phạm vi tổng thể. Đô thị – dù phát triển đến tầm nào cũng phải giữ bản sắc riêng. Đây là cơ sở để duy trì tính bền vững cũng như sự liên tục trong tiến trình phát triển. Bản sắc, gắn với các yếu tố văn hoá – lịch sử kết nối vào quá trình phát triển là một nội dung không thể tách rời.

Sự phát triển của các đô thị Thái Nguyên phải khẳng định được vị thế trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, khu vực và cả nước. Đó là một bài toán cần lời giải chính xác và khoa học, sự phối hợp từ các cấp ngành trong công tác quản lý, chuyên môn, người dân địa phương…, đáp ứng đầy đủ các yếu tố trong quá trình phát triển và hội nhập.