Kiến trúc xanh : Lối ra cho bản sắc kiến trúc vùng miền.

Kiến trúc tiết kiệm năng lượng, kiến trúc thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu – gọi chung là kiến trúc xanh (KTX) – đang được coi là mục tiêu được cổ xuý ở nhiều nước trên thế giới.

Bởi chỉ có kiến trúc (KT) hoà hợp với thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng hao tốn năng lượng hiện đang ngày càng cạn kiệt như nguồn nước, nguồn điện…, mới phù hợp với một xã hội phát triển.

Cần một lộ trình xanh

Nếu như ở Nhật Bản, vườn treo Babylon (tòa nhà vườn cao 12 tầng theo hình bậc thang nằm tại TP.Fukuoki) trở thành biểu tượng quen thuộc về KTX, thì ở TPHCM, mô hình KTX chỉ bắt đầu ló dạng ở các loại nhà tiết kiệm năng lượng tối đa, sử dụng ánh sáng ngoài trời làm nguồn năng lượng chính trong nhà vào ban ngày, cùng các thiết bị năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, để thiết kế một căn nhà ống 4 x 20m2, chi phí thiết kế lên đến 250 triệu đồng của kiến trúc sư (KTS) là không phải rẻ so với túi tiền của nhiều hộ gia đình.

Vườn treo Babylon – công trình xanh nổi tiếng ở Nhật Bản.

10 năm trở lại đây, KTX trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới. Hiện nay, nhiều nước như Mỹ, Australia, Canada, Nhật… đặt ra những tiêu chuẩn riêng về KTX. Trên thế giới có khoảng 24 hệ thống đánh giá công trình xanh. Nhưng ở VN, cho đến nay vẫn chưa một tổ chức nào chứng nhận cho tiêu chuẩn này và chưa ban hành bộ tiêu chuẩn công trình xanh.
Do đó, chưa có một công trình KTX nào trọn vẹn. Vấn đề đặt ra đầu tiên ở VN vẫn là tránh tiêu thụ quá mức nguồn năng lượng và hạn chế khí thải, tạo một không gian sống thích ứng với biến đổi khí hậu, khi VN là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng của kịch bản biến đổi khí hậu nặng nhất. Bởi theo tính toán, trong mức tiêu thụ năng lượng tổng thể của con người, xây dựng chiếm đến 60-70%.

Hướng phát triển trong KTX chính là tự KT thiết kế sao cho sử dụng được năng lượng ánh sáng của tự nhiên mà không cần hao tốn nhiều điện. Ở vùng khí hậu nhiệt đới, cửa sổ mở ra không trực tiếp với tia bức xạ và ưu tiên sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, cần một lộ trình. Chẳng hạn, khi cấp phép xây dựng, không cho phép sử dụng gạch nung (tốn năng lượng), mà sử dụng gạch không nung (cho dù gạch không nung giá thành tăng gấp đôi), đến năm nào thì hoàn tất…, rồi tiếp tục đạt được từng tiêu chí khác.

Giá trị ở óc sáng tạo của KTS

Trên lộ trình để tiến đến KTX ở VN, nên ưu tiên hàng đầu đặc điểm KT tương thích với khí hậu. Giải pháp KT có thể đắt hơn, nhưng nằm trong khả năng, KTS nên chịu khó nghiên cứu về vấn đề này. KTS Nguyễn Trường Lưu nhìn nhận: “Với một đất nước hình chữ S, có nhiều khí hậu ở các vùng miền khác nhau, mà KT của các đô thị lớn của ta đều giống như nhau là không đúng. Cần có sự nghiên cứu khí hậu của từng vùng để có KT phù hợp và điều này sẽ góp phần tạo nên bản sắc của từng vùng”.

Về mặt KT xây dựng, một trong những vấn đề nghiên cứu về KTX là nghiên cứu KT sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường tự nhiên, phải sống hữu cơ với môi trường. Vì vậy, một trong những vấn đề đặt ra là nên xây dựng lại tiêu chuẩn về thiết kế của VN. Khí hậu từng vùng miền khác nhau (miền Bắc có 4 mùa, chủ yếu lạnh, khô; miền Trung gió Lào, nắng gắt; miền Nam nóng, ẩm), không thể sử dụng chung một tiêu chuẩn như hiện nay.

Vấn đề thứ hai là sử dụng những thiết bị tiết kiệm điện, bởi thực chất có lợi về lâu dài. Người Mỹ khi chuyển từ thiết bị không tiết kiệm năng lượng sang thiết bị LED chỉ mất 5-10% chi phí, nhưng người VN còn sử dụng những thiết bị lạc hậu, khi chuyển đổi sẽ tốn kém hơn người Mỹ gấp 5-10 lần.

Cũng theo KTS Nguyễn Trường Lưu, lâu nay, người ta ngộ nhận về KTX. Cứ tưởng chỗ nào có nhiều mảng xanh là KTX. Chưa hẳn là như vậy: Những sân golf xanh mướt chính là “thủ phạm” tiêu hao rất nhiều năng lượng: Nguồn nước tưới cỏ, rồi phân bón, công chăm; thậm chí dùng thuốc trừ sâu có hại.

Nhà phố xanh chưa hẳn là KTX, khi lấy nguồn nước tưới từ nước máy vốn đang ngày càng khan hiếm, sử dụng quá nhiều năng lượng cho cây trong khi lượng khí ôxy do cây trồng thải ra lại không thấm vào đâu. Nếu mỗi nhà có chứa nước mưa để tưới cây hay đưa vào thiết bị giội bàn cầu thì sẽ tiết kiệm nước hơn. Ngược lại, KT sử dụng nhiều kính chưa hẳn không phải KTX, nếu đó là loại kính hai lớp có khả năng chống bức xạ.

Cũng có người cho một vài công trình ở Phú Mỹ Hưng đạt được một vài tiêu chuẩn KTX, nhưng lại chiếm đi nhiều hồ điều tiết nước của TPHCM, vì thế, đổi lại, muốn xây dựng ở đó, phải đòi hỏi công trình có hồ chứa nước, giảm thiểu ngập lụt khi mưa lớn.

Như đã nói, KTX là nhu cầu bắt buộc, nhưng cần có lộ trình và tiêu chuẩn để giải quyết từng điểm một. Đó cũng là lối ra cho KT khi XD đang trong thời kỳ tác động rất xấu đến môi trường. Nhìn chung, KTX là một bài toán có lời giải hay không ở VN, liệu ta có bắt kịp thế giới hay không, còn cần ở sự nghiên cứu sáng tạo của giới KTS.

Minh Thi – Theo Lao động

Trả lời