Để thanh lọc không khí cho ngôi nhà của bạn, chỉ vài chậu cây cảnh là bạn đã có một dàn bảo vệ xanh đủ sức đánh bật những chất độc hại đang âm mưu chui vào phổi.
Các nghiên cứu khoa học chứng minh đa số các loại vật liệu xây dựng và trang trí nội thất đều ít nhiều gây tác hại cho sức khỏe con người. Nhà càng hiện đại thì nguy cơ ô nhiễm càng cao, nguyên nhân là do các chất hữu cơ dễ bay hơi hoặc các chất gây ô nhiễm thoát ra từ keo dán, sơn, giấy dán tường, chất tẩy rửa… Trong số nhiều phương án đưa ra, trồng cây trong nhà là giải pháp khả thi nhất với kết quả hứa hẹn: chỉ cần 3 loại cây trồng là đủ lọc sạch 60 m2 không khí một giờ. Thế nhưng, không phải cứ trồng cây là tốt, lựa chọn đúng loại cây, đặt vào đúng vị trí trong nhà và chăm sóc đúng cách, chỉ có vậy cây cối mới có thể phát huy sức mạnh của mình và trở thành liều thuốc giải độc hữu hiệu cho tổ ấm thân thương của bạn.
Chọn cây
– Cúc: Hút chất trichlorethylene có trong sơn và các chất dung môi, nên đặt trong những căn phòng vừa mới sơn.
– Cây sung cảnh: Trung hòa formol thường có trong các keo dán, các lớp mousse cách nhiệt.
– Xương rồng: Rất lý tưởng trong việc loại trừ tác động có hại của sóng điện từ phát ra từ màn hình của tivi hoặc máy vi tính, nên đặt gần các sản phẩm này.
– Các loại cây leo: Loại trừ benzene có trong sơn, mực, nhựa dẻo hoặc chất tẩy rửa, có thể đặt trong bếp hoặc ở hành lang.
Vị trí trong nhà cần loại cây nào
– Phòng ngủ: Một số loại cây trồng có khả năng nhả khí oxy vào ban đêm như những cây thuộc họ dứa, lô hội hay phong lan rất thích hợp đặt trong phòng ngủ.
– Phòng khách và nhà bếp: Một vài loại cây vừa thích hợp để trang trí vừa lợi cho sức khỏe như huyết dụ, phong lan, thông cảnh, ráy thơm đỏ, cây nhện, cây rắn, hoa huệ tây, cây cọ cảnh, hoa cúc.
Khoảng sân nơi giếng trời: có thể chọn trồng các loại cây có tuổi thọ lâu như trúc nhật, sơn liễu, ngũ gia bì… Vị trí dưới cầu thang thường tối tăm ẩm thấp có thể trồng các loại cây như đại phú gia, bạch mã, thiết mộc lan, hồng môn… Dọc lối cầu thang, hay các bức tường trong nhà có thể điểm vài chậu dây leo có tính chất mềm mại như: trầu bà, khúc thuỷ (còn gọi là lan tim)… Trên bàn làm việc cũng có thể điểm xuyết với một chậu sen đá hay xương rồng.
Tuy nhiên, riêng phòng trẻ em nên hạn chế đặt cây xanh.
Cách chăm sóc
Cây phải được tưới thường xuyên và đủ lượng nước. Cần tưới đầy tràn trên miệng chậu, vì tưới nhỏ giọt không đủ cho cây hút nước. Nếu sợ rễ cây bị khô, bạn có thể lấy một chậu nước to, đặt cả chậu cây vào trong đó đến khi thấy hết sôi bọt thì bỏ ra.
Sau khi tưới nước xong nên kiểm tra xem có bị nước thừa trong chậu cây hay không. Nếu thừa nhiều nước sẽ bị úng ngập gây ra thối rễ. Tốt nhất trước khi trồng bạn hãy rải một lớp sỏi hay đá vào dưới đáy chậu để hút bớt lượng dư thừa hoặc nếu không sau khi tưới xong, nên lật nghiêng chậu để nước thừa ra hết.
Nên chọn bình tưới khá cân bằng để cầm, có vòi dài và hẹp tưới trực tiếp lên bề mặt đất. Ngoài ra, cây cũng cần có chất dinh dưỡng, thỉnh thoảng trộn một ít phân vi sinh cho cây bằng cách gỡ vài cm phần đất phía trên ra, làm lỏng đất còn lại trong chậu bằng một cái xẻng nhỏ và rắc phân vi sinh lên, sau đó đổ lại lớp đất nguyên như cũ.
Lưu ý
Không nên để nhiều cây cảnh trong nhà, nếu thích thì ban đêm nên mang ra ngoài sân cho cây hứng sương, đồng thời thải khí độc ra ngoài. Các loại cây có thể gây nguy hiểm khi héo và dính bụi bẩn. Để đảm bảo sức khỏe của gia đình hãy giữ cho những chậu cây cảnh luôn sạch sẽ, cắt tỉa gọn gàng, không bị sâu bệnh. Nếu thích để cây có hoa trong nhà thì nên chọn những loại hoa ít phấn hoặc không có phấn để không gây dị ứng và bụi bẩn.