(Xây dựng) – Sau 20 năm tái lập tỉnh, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, bộ mặt đô thị khang trang theo hướng hiện đại, nhiều chỉ tiêu trong lĩnh vực xây dựng đạt mức cao so với bình quân cả nước.
Quy hoạch nhiệm vụ trọng tâm luôn đi trước
Ngay từ đầu, công tác quy hoạch luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đi trước một bước. Bộ khung về quy hoạch toàn tỉnh từng bước được hình thành. Đến nay, 100% diện tích đất tự nhiên được phủ kín quy hoạch xây dựng (QHXD), từ quy hoạch vùng tỉnh đến các đô thị, công nghiệp, quy hoạch xã nông thôn mới, trong đó đô thị lõi được quy hoạch với quy mô phát triển thành đô thị loại I. Trên cơ sở QHXD, các đô thị phát triển mạnh cả về quy mô và tốc độ, hệ thống đô thị được mở rộng với diện tích khoảng 205km2 (tăng gần 10 lần so với năm 1997), gần 64 khu đô thị và hơn 200 khu nhà ở, với tổng diện tích khoảng 6.700ha, trong đó nhiều khu đã và đang được xây dựng, đưa vào sử dụng. Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị được chú trọng với việc hoàn thiện Bộ khung công cụ quản lý từ quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đến các quy định phân công, phân cấp, các quy định về chế tài và quy chế quản lý cho từng đô thị… Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được tập trung đầu tư, từng bước đồng bộ và hiện đại. Khi tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng manh mún, nhỏ bé, coi như bắt đầu từ con số không. Đến nay đã có gần 500km đường đô thị, đồng bộ về cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, đáp ứng yêu cầu của đô thị hiện đại. Công trình thoát nước và xử lý nước thải, xử lý rác thải được đầu tư xây dựng mạnh mẽ; đưa vào sử dụng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho 2 đô thị lớn, các khu công nghiệp. Xây mới 39 nhà máy cấp nước sạch, đảm bảo 100% đô thị, gần 100% xã, phường có nước máy sạch. Thu gom và xử lý trên 95% rác thải sinh hoạt đô thị và nông thôn, 100% rác thải công nghiệp.
Hệ thống công trình văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, trung tâm thương mại,… cũng được đầu tư lớn. 100% các huyện, thị xã, TP được nâng cấp bệnh viện theo hướng hiện đại; 87% các trường học từ mầm non đến trung học phổ thông được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia. Các trung tâm văn hóa thể thao cấp tỉnh, cấp huyện; các tòa nhà tổ hợp cao tầng; hệ thống công sở, văn phòng và nhiều công trình công cộng khác đã và đang mọc lên đáp ứng nhu cầu mọi mặt của nhân dân, đồng thời tạo nên diện mạo đô thị khang trang với sức sống mới.
Bên cạnh đó, 16 KCN, 30 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó 9 khu hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%, đã đưa tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là một trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước. Nhiều mô hình công nghiệp – đô thị tiêu biểu như KCN – đô thị Yên Phong, VSIP, Tiên Sơn, Quế Võ,… đã trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp – đô thị.
Trường PTTH Chuyên Bắc Ninh.
Quy hoạch nông thôn cũng được triển khai kịp thời gắn với quy hoạch phát triển đô thị, trung tâm xã được quy hoạch từ những năm 2005 (tỉnh Bắc Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước phủ kín quy hoạch trung tâm xã tại thời điểm đó), quy hoạch toàn xã được hoàn thành 100% vào năm 2013, làm cơ sở cho việc triển khai đầu tư xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa 73 đơn vị cấp xã, 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Cùng với công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ cũng được quy hoạch, đầu tư với các khu đại học, khu du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, trung tâm hội chợ, triển lãm, cảng ICD, khách sạn, trung tâm thương mại,… làm cơ sở thu hút các loại hình đầu tư vào các lĩnh vực này, góp phần phát triển thương mại, dịch vụ gắn với kinh tế đô thị. Phần lớn các đô thị đều có siêu thị, trung tâm thương mại, đặc biệt, hai đô thị lớn đang mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng đa chức năng, hiện đại, tạo thành những điểm nhấn về kiến trúc đô thị.
Công tác phát triển nhà ở được đẩy mạnh, đặc biệt là Chương trình phát triển nhà ở xã hội. Chương trình hỗ trợ hộ nghèo ở nông thôn về nhà ở năm 2010 dẫn đầu cả nước với thành tích xây dựng hơn 2.000 căn nhà, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch quốc gia; hoàn thành giai đoạn II với 684 căn nhà, về đích sớm 4 năm so với kế hoạch quốc gia; năm 2017 tiếp tục hoàn thành hỗ trợ 747 căn nhà cho hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều), hơn 2.900 căn nhà cho hộ người có công. Trong 20 năm, đã xây dựng và đưa vào sử dụng 218.000m2 nhà ở công nhân, 59.630m2 nhà ở sinh viên, 70.300m2 nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị; đồng thời đẩy mạnh công tác chuẩn bị ĐTXD khoảng 1.160.000m2 sàn nhà ở xã hội khác. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,2m2 nhà ở/người, cao hơn 20% so với mức bình quân cả nước.
Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 15/9/2015.
Về vật liệu xây dựng, đã đạt được bước đột phá về hạn chế phát triển vật liệu đất sét nung với việc xóa bỏ loại lò nung gạch thủ công từ năm 2010, sẽ chấm dứt phát triển loại lò vòng trong năm 2018. Cùng với đó, khuyến khích phát triển sản xuất vật liệu không nung và các loại vật liệu khác. Theo đó, 2 nhà máy sản xuất gạch không nung bằng công nghệ bê tông khí trưng áp với công suất khoảng 260 triệu viên quy chuẩn/năm được xây dựng và phát huy tác dụng; xây dựng nhiều nhà máy sản xuất bê tông, cấu kiện xây dựng và VLXD, đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng tăng lên trên địa bàn.
Với quy mô và tốc độ phát triển như vậy, công tác hướng dẫn, triển khai pháp luật và kiểm tra, xử lý vi phạm được chú trọng, tăng cường, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác cải cách hành chính với nhiều giải pháp đột phá, nhất là 5 năm gần đây, từ việc giải quyết công việc theo cơ chế “Một cửa”, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, đến việc đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, đối thoại DN cùng với đổi mới phong cách, thái độ làm việc của công chức đã mang lại sự hài lòng đối với tổ chức, công dân, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Công tác quản lý chất lượng đạt được những kết quả tích cực, sự cố công trình và những vụ việc vi phạm lớn về chất lượng đã được hạn chế đáng kể. Công tác quản lý đầu tư xây dựng công trình được điều chỉnh, phân công phân cấp theo hướng sát với năng lực quản lý của từng cấp và tăng cường sự tham gia giám sát của cộng đồng. Các hoạt động xây dựng được tạo điều kiện tham gia theo cơ chế thị trường nhưng cũng được tăng cường quản lý theo các quy định về điều kiện năng lực.
Những con số, kết quả công việc, tất cả đều đã qua vai của những người Xây dựng, những con người đầy nhiệt huyết với sự nghiệp xây dựng quê hương. Sau 20 năm phát triển, đội ngũ quản lý đã lớn mạnh thực sự. Riêng Sở Xây dựng đã có 230 kỹ sư, kiến trúc sư (tăng gần 2 lần so với năm 1997), trong đó tỷ lệ thạc sỹ đạt trên 30%. Song song với đào tạo, công tác phát triển bộ máy để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới như: Bổ sung mới các phòng chức năng (phòng Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản, Phát triển đô thị và Quản lý hạ tầng, Chi cục Giám định chất lượng xây dựng); nâng cấp Thanh tra xây dựng, Trung tâm Kiểm định chất lượng và Kinh tế xây dựng, thành lập Viện Quy hoạch kiến trúc, Ban Quản lý khu vực phát triển đô thị, Ban quản lý dự án công trình dân dụng và công nghiệp. Các đơn vị sự nghiệp đều phát triển mạnh, đảm đương tốt vai trò phục vụ công tác quản lý nhà nước về xây dựng. Các Sở có quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cũng tăng cường bộ phận chuyên môn quản lý nhà nước các công trình xây dựng chuyên ngành. Hệ thống các phòng quản lý xây dựng cấp huyện tuy còn thiếu cán bộ kỹ thuật nhưng những năm gần đây đã được chú ý bổ sung nhân lực, thành lập các đội quản lý TTXD đô thị ở TP Bắc Ninh và TX Từ Sơn.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, những tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết là: Công tác kế hoạch đầu tư xây dựng (ĐTXD) chưa thực sự được coi trọng. Các dự án nhà ở, khu đô thị chậm xây dựng HTKT, HTXH ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và bộ mặt đô thị; công tác ĐTXD nhà ở công nhân các KCN còn manh mún chưa đáp ứng được yêu cầu; quản lý ĐTXD các công trình ở cấp xã, cấp huyện còn nhiều sai sót, nhất là về quản lý chi phí ĐTXD; công tác cấp GPXD đối với nhà ở riêng lẻ đạt tỷ lệ thấp; công tác quản lý TTXD còn hiện tượng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, vi phạm chỉ giới xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn ở nhiều nơi; chỉnh trang đô thị của các địa phương còn chưa có hiệu quả thiết thực, chưa chú trọng chỉnh trang các khu dân cư cũ; các hoạt động xây dựng vẫn tồn tại các tổ chức, cá nhân hoạt động không đủ điều kiện năng lực, nhất là lĩnh vực tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát…; hệ thống quản lý nhà nước từ tỉnh đến xã còn thiếu nhân lực, đặc biệt là cấp huyện, xã, trình độ nghiệp vụ còn nhiều hạn chế,…
Chặng đường mới
Thực hiện mục tiêu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2022, trong giai đoạn 2018 – 2022 và những năm tiếp theo, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch vùng tỉnh, chú trọng xây dựng quy hoạch phân khu các khu chức năng, khu đô thị mới và chương trình phát triển cho từng đô thị. Theo ông Cao Văn Hà – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh những nhiệm vụ Sở Xây dựng Bắc Ninh lớn cần tập trung như sau:
Một là, từ nay đến năm 2019, điều chỉnh Bộ khung quy hoạch toàn tỉnh, hoàn thành Bộ khung Chương trình phát triển đô thị cho từng đô thị với các quy hoạch phân khu; xây dựng Chương trình và kế hoạch phát triển đô thị với phương châm nâng lên một tầm cao mới về chất lượng đô thị, rút ngắn lộ trình nâng cấp các đô thị. Cùng với đó, tăng cường quản lý quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; chú trọng bảo tồn và phát huy kiến trúc truyền thống, bảo tồn không gian làng và hệ thống sinh thái tự nhiên; phát triển nhiều công trình kiến trúc, cảnh quan tạo nên diện mạo mới cho các đô thị.
Hai là, tiếp tục tập trung cao cho việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị, bao gồm: Các trục chính đô thị, giao thông kết nối trong tỉnh và kết nối vùng Thủ đô; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; xử lý rác thải; hoàn thành chương trình cấp nước máy sạch đến 100% trung tâm các xã vào giữa năm 2018; thực hiện lộ trình đóng cửa các nghĩa trang phân tán, không hợp vệ sinh, dần từng bước thay thế bằng nghĩa trang tập trung theo mô hình “Nghĩa trang công viên” và “Nghĩa trang vườn”.
Ba là, đẩy mạnh Chương trình phát triển nhà ở, phấn đấu diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 31m2 sàn/người. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, trong đó, cần có sự đột phá về phát triển nhà ở công nhân với những khu ở có quy mô trung bình trở lên, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Trên cơ sở bước đầu đang hình thành nếp sống chung cư đô thị, cần thúc đẩy loại nhà ở này trong xu hướng phát triển các tòa nhà cao tầng đa chức năng; đồng thời thu hút ĐTXD những khu đô thị mới cao cấp theo hướng đô thị sinh thái, thông minh; thu hút ĐTXD nhiều khu chức năng như khu đại học, du lịch, văn hóa, thể thao, logistic…
Bốn là, về lĩnh vực vật liệu xây dựng, thực hiện nghiêm lộ trình xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung, thay thế bằng vật liệu không nung; thúc đẩy sản xuất các loại vật liệu, vật tư, cấu kiện xây dựng với công nghệ hiện đại, tiên tiến theo hướng tiết kiệm năng lượng, tăng cường quản lý chất lượng VLXD từ khâu sản xuất, lưu thông đến chân công trình.
Năm là, cùng với quản lý và phát triển đô thị, công tác quản lý xây dựng phải tập trung quản lý thực hiện quy hoạch và phát triển nông thôn gắn với Chương trình phát triển đô thị của tỉnh; kiểm soát quá trình “Đô thị hóa” ở nông thôn theo đúng định hướng phát triển. Khắc phục tình trạng quản lý còn nhiều hạn chế đối với các dự án ĐTXD ở nông thôn.
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, Giám đốc Cao Văn Hà nêu rõ: Sở Xây dựng Bắc Ninh tiếp tục tham mưu và thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về xây dựng, từ việc tăng cường cải cách hành chính đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp giữa các cấp, các ngành và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu… Song hành với đổi mới công tác kế hoạch và quản lý tuân thủ quy hoạch, kế hoạch, cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, phát triển nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng. Phát triển hài hòa nhưng cần tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là khu vực đô thị lõi, thích ứng với định hướng phát triển tam giác tăng trưởng vùng Thủ đô.
Về bộ máy, con người, cần xây dựng mô hình “Chính quyền đô thị”, trong đó các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp huyện phải được nâng lên ngang tầm với nhiệm vụ lớn và ngày càng phức tạp; đòi hỏi cả trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng quản lý. Bộ máy chính quyền đô thị cấp cơ sở phải được biên chế và bồi dưỡng đủ sức quản lý quy hoạch và trật tự đô thị. Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, cụ thể không chỉ đối với hệ thống quản lý nhà nước mà còn với lực lượng lao động trong ngành Xây dựng nói chung với một đòi hỏi cao hơn, đòi hỏi của thời đại đô thị hóa!
Nhìn lại chặng đường 20 năm trong 60 năm bề dầy truyền thống của ngành Xây dựng Việt Nam, ngành Xây dựng Bắc Ninh tự hào về đội ngũ và những thành tích đạt được, là những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển chung của ngành Xây dựng cả nước. Những kết quả đó thể hiện sự phát triển từng bước và vượt bậc, luôn đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, của đất nước. Và điều đó chắc chắn sẽ được tiếp nối trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn mà tỉnh Bắc Ninh và đất nước đòi hỏi ngành Xây dựng phải vươn lên mạnh mẽ hơn tới những tầm cao mới.
Tào Khánh Hưng