Ngành Xây dựng Vĩnh Phúc: “Người tiên phong” xây dựng và phát triển đô thị

(Xây dựng) – Khi tái lập tỉnh, năm 1997 Vĩnh Phúc có nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; công nghiệp, đô thị và dịch vụ chưa phát triển; toàn tỉnh khi đó mới chỉ có 01 đô thị loại IV là thị xã Vĩnh Yên và các đô thị loại V thị trấn huyện lỵ. Đứng trước yêu cầu đổi mới, tỉnh đã chú trọng triển khai các quy hoạch lớn mang tính chất chiến lược, đưa công tác quy hoạch đi trước một bước; chủ động quản lý quá trình xây dựng, thu hút đầu tư.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển


Ông Phạm Hoàng Anh

Ngay sau khi tái lập tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng phối hợp đơn vị tư vấn triển khai các đồ án lớn như QHC thị xã Vĩnh Yên, QHC đô thị mới Mê Linh, quy hoạch mạng lưới đô thị thị tứ của tỉnh Vĩnh Phúc, quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp, khu du lịch. Đến năm 2007, tỉnh Vĩnh Phúc đã nghiên cứu ý tưởng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lập QHCXD đô thị Vĩnh Phúc, đồ án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011. Năm 2012 UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh QHXD cùng tỉnh Vĩnh Phúc, đồ án đã được UBND phê duyệt tại Quyết định số 2358/QĐ-UBND ngày 20/9/2012.

Với định hướng QHXD vùng tỉnh Vĩnh Phúc và QHCXD đô thị Vĩnh Phúc có nhiều đột phá về quan điểm, định hướng phát triển đô thị, nông thôn. Cơ cấu quy hoạch xây dựng vùng tỉnh được hoạch định rõ ràng, phát huy được lợi thế của từng vùng miền trong tỉnh; trong đó toàn tỉnh phân thành 4 vùng kinh tế – lãnh thổ và phân bố các vùng phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; trong đó lấy đô thị Vĩnh Phúc quy mô quy hoạch 318,6km2 trên cơ sở các đô thị hiện hữu Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên và các khu vực đô thị hóa xung quanh làm trung tâm, động lực phát triển cho cả tỉnh, gắn kết với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và các tỉnh lân cận.

Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù tình hình phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, song các quy hoạch trên từng bước đã khẳng định được vai trò là công cụ đắc lực cho điều hành phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đến nay, hệ thống đô thị được nâng cấp và cải thiện rõ rệt, trong đó TP Vĩnh Yên được nâng cấp lên đô thị loại II hướng đến mục tiêu đô thị loại I, TX Phúc Yên hoàn thành mục tiêu đô thị loại III và trở thành TP trực thuộc tỉnh; mạng lưới các khu công nghiệp, khu du lịch được ĐTXD và phát triển; bộ mặt nông nghiệp và nông thôn nay đã khang trang, thay đổi rõ rệt, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật từng bước được đầu tư theo quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân. Có thể khẳng định, thành tựu trong phát triển đô thị, công nghiệp du lịch dịch vụ của tỉnh những năm qua là kết quả tất yếu của sự đổi mới, đổi mới trong quan điểm, đổi mới trong quy hoạch xây dựng. Trong đó ngành Xây dựng Vĩnh Phúc đã phát huy truyền thống vẻ vang, nỗ lực, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao; góp phần không nhỏ trong công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch và quản lý xây dựng của tỉnh.

Trong thời gian tới, trên cơ sở định hướng quy hoạch, Vĩnh Phúc tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch; tập trung thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hình thành mới các khu công nghiệp, xây dựng phát triển các khu du lịch, dịch vụ công cộng đáp ứng nhu cầu của du khách và nhân dân; tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông của tỉnh và của đô thị Vĩnh Phúc; tập trung phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị theo hướng bền vững, đặt nền móng để thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu, cơ bản hoàn thành hạ tầng khung đô thị tiến tới trở thành TP Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Đô thị Vĩnh Yên – trung tâm của đô thị Vĩnh Phúc tương lai

Với vai trò là tỉnh lỵ, đô thị trung tâm của tỉnh và là trung tâm của đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai theo QHXD vùng tỉnh Vĩnh Phúc và QHCXD đô thị Vĩnh Phúc đã đặt ra nhiệm vụ to lớn cho TP Vĩnh Yên trong công cuộc xây dựng, phát triển đô thị của TP nói riêng và của tỉnh nói chung. Theo đó, tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVI về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025 đã đề ra mục tiêu”Xây dựng Vĩnh Yên cơ bản đạt tiêu chí là đô thị loại I vào trước năm 2020”, đồng thời Đại hội Đảng bộ TP Vĩnh Yên lần thứ XX cũng xác định rõ, phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh Yên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I, hướng đến đô thị thông minh, có nền kinh tế phát triển theo hướng tăng trưởng xanh bền vững, góp phần xây dựng Vĩnh Phúc trở thành TP trực thuộc Trung ương vào những năm 20 của thế kỷ XXI. Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, trong thời gian tới, TP Vĩnh Yên tiếp tục nỗ lực, phối hợp các sở ngành tham mưu Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là: Xây dựng và phát triển TP Vĩnh Yên phải đặt trong mối liên hệ với phát triển chung của tỉnh và của vùng; tập trung, ưu tiên xây dựng khung đô thị Vĩnh Yên, xây dựng lộ trình và triển khai có hiệu quả các giải pháp đạt các tiêu chí của đô thị loại I, tạo nền tảng cho việc xây dựng hạ tầng khung cho đô thị Vĩnh Phúc.

Hai là: Xây dựng và phát triển Vĩnh Yên theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, có kinh tế – xã hội phát triển toàn diện, bền vững, trong đó dịch vụ trở thành trụ cột kinh tế của TP; an ninh, chính trị được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Ba là: Quá trình xây dựng và phát triển, Vĩnh Yên phải có trách nhiệm đi trước một bước trong sự nghiệp CNH, HĐH; làm động lực, hạt nhân thúc đẩy kinh tế, xã hội của các địa phương khác trong tỉnh; trở thành đô thị lõi của TP Vĩnh Phúc trong tương lai.

Để thực hiện được các nhiệm vụ nói trên, TP Vĩnh Yên cần tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phối hợp tốt với các sở ngành đẩy mạnh phong trào thi đua, tích cực thực hiện các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ như: Xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch đô thị; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư tạo nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, xác định rõ các dự án trọng điểm, công trình trọng điểm để ưu tiên đầu tư; nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đô thị tại địa phương; xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện tốt các chính sách phát triển dân cư và thu hút nguồn nhân lực cao. Phấn đấu xây dựng TP Vĩnh Yên hướng đến mục tiêu đô thị loại I, đô thị thông minh, xứng đáng là trung tâm của đô thị Vĩnh Phúc trong tương lai.

Là cán bộ trưởng thành từ ngành Xây dựng, gắn bó với ngành gần 20 năm, dù đi đâu làm gì tôi vẫn giữ nguyên cái “tâm” của những người xây dựng; đem hết nhiệt huyết phục vụ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Vĩnh Yên; TP Vĩnh Yên sẽ “chung tay” cùng với những “người thợ xây”, xây cho ngôi nhà 60 năm và mãi mãi về sau ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn.

Chúc mừng các kỹ sư, kiến trúc sư, những người đã và đang làm nghề xây dựng vẻ vang chặng đường 60 năm ngành Xây dựng.

Phạm Hoàng Anh
Ủy viên BTV tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên