Ảnh minh họa: Làng gốm Phù Lãng, Quế Võ , Bắc Ninh (Nguồn : Kinh Tế Đô Thị)
Nói đến Bắc Ninh là nói đến làn điệu dân ca quan họ trữ tình, là các làng nghề có lịch sử hàng trăm năm tồn tại với những nghệ nhân điêu luyện, là những lễ hội cổ truyền mà âm hưởng của chúng đã vượt ra ngoài ranh giới của vùng Kinh Bắc, là những ngôi đình, ngôi chùa cổ kính linh thiêng… Và đáng chú ý là tất cả đều gắn với văn hóa làng.
Trong xu thế đô thị hóa mạnh mẽ và không thể đảo ngược, nhất là đối với một tỉnh Bắc Ninh đất chật người đông, yếu tố làng với sức sống bền bỉ trong lịch sử liệu có còn tồn tại, hay sẽ bị hòa tan trong bộn bề phố xá? Những giá trị truyền thống gắn với văn hóa làng mà chúng ta từng nâng niu gìn giữ liệu có bị cuốn trôi trong cơn lũ “đô thị hóa”? Kinh nghiệm cả ở trong và ngoài nước cho thấy những trăn trở kiểu này hầu như chắc chắn sẽ dẫn đến nhu cầu bảo tồn di sản. Tiếc rằng đây lại là câu chuyện nói thì dễ, nhưng làm thì quá khó.
Để tránh lối mòn duy ý chí vốn khá phổ biến trong hoạt động bảo tồn di sản và hạn chế những hệ lụy lâu dài về xã hội, ngoài việc đánh giá tiềm năng bảo tồn một cách cẩn thận để xác định di sản làng truyền thống có cần/nên được bảo tồn hay không, trước khi đề xuất các giải pháp bảo tồn di sản cho làng truyền thống cần trả lời được các câu hỏi sau:
Bảo tồn (làng truyền thống) cho ai?
Bảo tồn cái gì?
và Ai là người bảo tồn?
Bảo tồn cho ai?
Để trả lời câu hỏi này, cần xác định đặc điểm và loại hình di sản cần bảo tồn. Nhìn chung, làng xã truyền thống có thể được coi là một loại hình di sản định cư, tràn đầy hơi thở của cuộc sống, trong đó có sự gắn bó không thể tách rời của yếu tố vật thể và phi vật thể. Sức sống của những di sản loại này được tạo ra bởi chính người dân địa phương – những người kế thừa di sản và kế thừa “quỹ gen văn hóa” của các thế hệ trước và tiếp tục truyền cho thế hệ mai sau. Thiếu họ, di sản làng trở nên khó hiểu, thậm chí vô nghĩa [1]. Vậy nên, họ chính là những người xứng đáng nhất được hưởng những thành quả bảo tồn di sản làng truyền thống. Việc không quan tâm đến những cư dân – chủ nhân đích thực của làng truyền thống có thể dẫn tới những phản ứng tiêu cực của họ (như đã xảy ra ở Đường Lâm), và về lâu dài sẽ dẫn đến hủy hoại di sản.
Bảo tồn cái gì?
Sự hình thành và phát triển của một di sản định cư phụ thuộc vào 4 yếu tố gốc: Tài nguyên thiên nhiên, phương thức khai thác tài guyên, phương thức giao thông đối ngoại và quản trị, tổ chức cuộc sống, và 1 yếu tố được tích hợp về sau là tài nguyên nhân văn (di sản kiến trúc và quần thể kiến trúc di sản thể chế, các lễ hội cổ truyền, phong tục tập quán, nghề truyền thống…). Đối với làng thuần nông, phương thức khai thác tài nguyên chính là canh tác các loại cây lương thực trên cơ sở tài nguyên đất và nước. Còn đối với làng nghề truyền thống, người ta chú trọng khai thác tài nguyên nhân văn (kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, bí quyết nghề…) để tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống. Để bảo tồn di sản làng truyền thống, cần chú ý bảo tồn các yếu tố quan trọng nhất là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và phương thức khai thác tài nguyên (phương thức mưu sinh) của địa điểm. Việc xem nhẹ yếu tố này hay yếu tố khác có thể khiến chúng bị hòa tan vào trong lòng đô thị (như cách mà nhiều làng ven đô ở Hà Nội đã và đang gặp phải) gây ra những xáo trộn trong đời sống dân cư làng, hoặc biến chúng thành một thứ di sản “chết” chỉ còn cái xác vô hồn trong lòng đô thị như đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Ai là người bảo tồn?
Di sản định cư là một thực thể sống, luôn luôn vận động biến đổi, trong đó con người là yếu tố trung tâm. Việc ứng xử với di sản định cư, do vậy không thể dựa theo những nguyên tắc thông thường như cách ứng xử với một di sản kiến trúc đơn lẻ. Sự tham gia của cư dân địa phương vào công cuộc bảo tồn bằng hình thức này hay hình thức khác, dưới sự trợ giúp của các nhà chuyên môn sẽ là điều kiện lý tưởng để đảm bảo cho sự tồn tại tiếp tục của làng truyền thống và lưu giữ chúng cho các thế hệ mai sau, thậm chí có thể bổ sung và gia tăng giá trị cho chúng.
Như vậy, đối với di sản định cư nói chung và di sản làng truyền thống nói riêng, “con người phải được đặt vào trung tâm của mọi toan tính bảo tồn, đảm bảo cho họ sinh sống và phát triển một cách hài hoà trong một môi trường cân bằng giữa các giá trị văn hoá, tinh thần, cảnh quan, đồng thời thoả mãn những nhu cầu về nơi ăn chốn ở, giáo dục, y tế, đời sống văn hoá tinh thần, công ăn việc làm, nghỉ ngơi giải trí, đi lại và những nhu cầu khác của họ. Trước khi tính đến các lợi ích khác, phải tính đến lợi ích của chính những cư dân sinh sống bên trong làng di sản. Họ cũng phải được quyền tham gia vào các hoạt động liên quan đến bảo tồn làng cổ để có thể yên tâm rằng đó là nơi dành cho họ, nơi họ vẫn có thể tiếp tục mưu sinh và duy trì lối sống và phong tục tập quán truyền thống và tự hào rằng họ đang sở hữu một di sản quý báu do cha ông để lại”.