Khi nhắc đến kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái là người ta nghĩ đến những ngôi nhà trong những khu vườn nhiều cây xanh, những mảng xanh tươi tốt. Hãy tìm hiểu về kiến trúc xanh qua tư vấn từ chuyên gia: Ông Vũ Mạnh Hùng Kỹ sư xây dựng – giám đốc Cty CP Kiến Trúc Xây Dựng Phố Xinh.
Trào lưu kiến trúc xanh đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các công trình kiến trúc, trong không gian sống và ngay cả không gian làm việc như các cao ốc văn phòng nhằm góp phần bảo vệ môi trường và đem lại sự thoải mái, thu giãn cho con người trong đời sống công nghiệp hiện nay.
Kiến trúc xanh( Eco deaign, Green design) là kiến trúc thân thiện với môi trường và không gian sống của con người. Kiến trúc xanh tận dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tự nhiên như: gió, nước, ánh sáng, tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tối đa sự ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Kiến trúc xanh được thể hiện thông qua những không gian xanh, những mảng xanh… trong các công trình kiến trúc như: thảm cỏ, cây xanh, mặt nước, vườn hoa. Kiến trúc xanh trong nội thất được thể hiện thông qua những yếu tố như:
• Mảng xanh (bên trong, ngoài nhà, ban công, sân thượng, vườn đứng, vườn treo…). Yếu tố cây xanh nhằm tạo ra một môi trường trong lành, chống nóng, ngăn bụi, giảm ồn.
• Không gian mở: không gian thoáng mát tràn ngập ánh sáng và gió với hệ thống cửa mở với thiên nhiên, hệ thống giếng trời.
• Hệ thống mặt nước: hồ nước, tiểu cảnh… nhằm đem lại sự tươi mát, hài hoà, cân bằng.
Công trình kiến trúc xanh phải có vật liệu xanh
Vật liệu xanh là những loại vật liệu giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường trong suốt quá trình khai thác, chế tạo, vận chuyển, xây dựng công trình, và cả khi phá dỡ công trình. Sử dụng vật liệu xanh nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu (trong sản xuất, vận chuyển vật liệu và sử dụng, khai thác công trình). Vật liệu xanh khi đã có mặt trong công trình cũng không (hoặc giảm thiểu) ảnh hưởng tiêu cực, độc hại vào môi trường sống, sinh hoạt.
Vật liệu xanh được phân loại như sau:
• Các loại vật liệu có khả năng tái chế, tuần hoàn trong tự nhiên, có trữ lượng lớn, phát triển nhanh như một số loại tre, gỗ (với việc khai thác và tái đầu tư hợp lý).
• Các loại vật liệu có sẵn ở địa phương, vật liệu dễ chế tác, thi công như đất, đá, các loại cây thích hợp dùng trong xây dựng… nhằm làm giảm chi phí vận chuyển, tiết kiệm năng lượng.
• Các loại vật liệu giảm độc hại tới môi trường (bụi, khí thải, chất thải rắn…) trong quá trình sản xuất, thi công; ít ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên; giảm tiêu thụ năng lượng. Ví dụ các loại gạch không nung, bêtông nhẹ…
• Các loại vật liệu tái chế như kim loại, thuỷ tinh, giấy bìa, gỗ…; các loại rác thải công nghiệp như chai lọ, container đựng hàng, xe hỏng… Tuy nhiên dạng vật liệu xanh này bản chất là một cách tận dụng phế thải, chủ yếu để làm những công trình tạm hoặc công trình đơn lẻ không yêu cầu bền vững. Mặt trái khác có thể là ảnh hưởng độc hại từ những loại vật liệu này.
Năng lượng và các tác động tới môi trường
Trong công trình kiến trúc xanh việc sử dụng năng lượng như thế nào rất quan trọng như có nguồn điện mặt trời, năng lượng từ gió – nước. Mức tiêu hao năng lượng cho các hoạt động sinh hoạt – công năng cần được tính toán sao cho không hao phí vô ích, một công trình được thiết kế có quá nhiều thiết bị sử dụng năng lượng không cần thiết thì không thể là công trình kiến trúc xanh.
Hiện nay ở nhiều nước tiên tiến, việc thiết kế hệ thống xử lý nước, rác thải hạn chế tối đa các tác động tiêu cực ra môi trường bên ngoài được áp dụng rộng rãi, thậm chí việc tác động tới cảnh quan khi xây dựng công trình cũng là 1 yếu tố “chấm điểm”.
Hướng tới kiến trúc xanh chính là hướng tới một cuộc sống có chất lượng và bền vững cho tương lai!
Ks Vũ Mạnh Hùng